Phép màu đã đến
Sinh con ra khoẻ mạnh, nhưng chị Huỳnh Thị Thu Huyền (22 tuổi, tỉnh Bình Thuận) bất ngờ phát hiện con lúc 4 tháng tuổi có biểu hiện bụng chướng, căng phình và quấy khóc; ngay lập tức chị Huyền đưa con đến bệnh viện khám.
Tại bệnh viện tuyến tỉnh, nhận thấy tình hình nghiêm trọng, các bác sĩ đã chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM cấp cứu. Tại đây, bệnh nhi nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hoá, phải liên tục truyền máu khối lượng lớn, trung bình một lần truyền máu khoảng 600ml.
Bé phải nhập viện nhiều lần, được chẩn đoán bị hội chứng Budd Chiari gây tắc mạch máu dưới, xuất huyết lượng lớn, ban đầu được điều trị bảo tồn. Đến năm 2024, tình trạng bé nặng lên, chuyển thành xơ gan, suy gan, suy dinh dưỡng (nặng 12kg), nếu không tiến hành ghép gan, bé sẽ tử vong.
Ngày 1.7 vừa qua, ca ghép gan được thực hiện, người cho gan là mẹ của bé. Do tình trạng bệnh của bé hoàn toàn khác các ca ghép gan trước đó, ca phẫu thuật diễn ra khó khăn do phải bóc tách, nối mạch máu. Tuy nhiên, chỉ 5 ngày sau mổ, bé đã được rút nội khí quản, ngày thứ 8 bé ăn uống, tự thở bình thường.
“Tôi thực sự không ngờ con mình có cơ hội được tái sinh, tôi rất mừng vì ca phẫu thuật thành công, cảm ơn các bác sĩ đã cứu con tôi” - chị Thu Huyền xúc động chia sẻ. Con gái chị Thu Huyền là 1 trong 3 bệnh nhi may mắn được Bệnh viện Nhi đồng 2 thực hiện ghép gan sau khi có quyết định trở thành trung tâm tự chủ ghép tạng ở trẻ em (30.4.2024).
Cần tăng tốc tổ chức ghép gan vì chậm một ngày - sự sống giảm một ngày
Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, năm 2005, ca ghép gan đầu tiên được thực hiện tại bệnh viện. Đến năm 2020, tổng số bệnh nhi được ghép gan là 12 ca.
Tuy nhiên, có thời gian, bệnh viện bị gián đoạn việc ghép gan nói riêng và ghép tạng nói chung do nhiều nguyên nhân như khan hiếm nguồn tạng từ người hiến chết não, vấn đề về pháp lý, đạo đức liên quan đến việc chấp nhận và phân phối tạng; vấn đề về chi phí khi thực hiện một ca ghép tạng rất cao. Trong giai đoạn này, trung bình một năm chỉ thực hiện được một ca ghép gan.
Sau đại dịch COVID-19, hai năm 2022-2024, đã có 24 ca ghép gan được thực hiện, nâng tổng số ca ghép tạng lên 36. Hiện, tại Bệnh viện Nhi đồng 2, khoảng 200 bệnh nhi đang chờ được ghép gan, con số này rất lớn so với số lượng ca ghép gan được thực hiện suốt những năm qua. Việc có một trung tâm đầy đủ điều kiện ghép tạng đã mở ra cơ hội sống cho các bệnh nhi.
TS.BS Trần Thanh Trí - Trưởng khoa Ghép Gan - Mật - Tụy, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM - cho biết, đối với bệnh nhi bị suy thận và có chỉ định ghép thận nhưng chưa có nguồn thận ghép vẫn có thể duy trì bằng cách chạy thận nhân tạo.
Tuy nhiên, đối với bệnh nhi ghép gan, nếu không được ghép sớm và kịp trong giai đoạn vàng, bệnh nhi có thể tử vong. So với các nước trên thế giới, tỉ lệ bệnh nhi tử vong do chưa được ghép gan tại Việt Nam lớn hơn nhiều.
“Hiện, mục tiêu của chúng tôi đẩy nhanh tiến độ ghép gan để cứu được càng nhiều bệnh nhi. Sau thời gian dài, chúng tôi đã đầy đủ nguồn lực, nhân lực để thực hiện thường quy những ca ghép gan, nên mong rằng trong tương lai, ngày càng có nhiều bệnh nhi được ghép, không còn phải đợi chờ trong mòn mỏi, thậm chí không đợi được dẫn đến tử vong” - bác sĩ Ngọc Thạch nhấn mạnh.
Chi phí cho một ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi đồng 2 khoảng 600 - 700 triệu đồng, trong đó bảo hiểm y tế chi trả khoảng 200 - 300 triệu đồng.