Hết dịch mới được ra ngoài
Sau 1 ngày cấp cứu, các bệnh nhân nặng đều là F0 mắc COVID-19, bác sĩ Phúc mới ra vòng ngoài. Theo dự kiến, anh sẽ có khoảng 2 tiếng đồng hồ để nghỉ ngơi rồi lại vào ca làm việc tiếp. Tranh thủ những giây phút hiếm hoi, anh lấy điện thoại gọi về cho cô con gái nhỏ 31 tháng tuổi, giọng đầy trìu mến: “Ba đây con, con còn đau ở đâu không? Ba thương, hết dịch ba sẽ về với con”.
Mắt anh nhòe đi, hơi đỏ, giọng trầm xuống: “Mấy hôm nay trời nắng nóng, con gái cũng không được khỏe nên không líu lo như trước nữa. Con bé nhớ ba nên đòi mẹ gọi điện thoại suốt nhưng khi nào tôi ra vòng ngoài mới dùng điện thoại và gọi lại, còn khi làm việc thì tuyệt đối chỉ tập trung vào bệnh nhân thôi”.
Gạt nỗi niềm riêng, bác sĩ Phúc cùng các đồng nghiệp của mình đang ngày đêm “vật lộn” với tử thần bởi các bệnh nhân F0 nặng liên tục được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực. Thời điểm dịch bùng phát, làm việc với cường độ 24/24 trong bộ đồ bảo hộ dày cộp, anh kể gần như mất hẳn khái niệm thời gian vì ngày cũng như đêm, luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu khi có bệnh nhân nặng chuyển đến.
“Đây là đợt đi thứ 4 của chúng tôi rồi. Anh em xác định, hết dịch mới được ra ngoài nên chỉ mong sao gia đình, bố mẹ, vợ con bình an để chúng tôi yên tâm làm việc, vì giờ có xảy ra chuyện chúng tôi cũng không ra ngoài được” - giọng bác sĩ Phúc thoáng chút lo lắng khi nghĩ về gia đình.
Ngay sau đó, anh nhanh chóng lấy lại tinh thần khi đồng nghiệp báo tin một bệnh nhân có khả năng rút được ống thở. Bác sĩ Phúc thở phào, đôi mắt lấp lánh vui. Với anh và các bác sĩ ở đây, đó là điều tuyệt vời nhất mà ai cũng mong chờ.
Cất nỗi niềm riêng
Thấm thoắt đã 16 tháng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Đông Anh) phải "căng mình" để làm thành trì vững chắc cho cả nước trong điều trị bệnh nhân COVID-19. Ths.Bs Đặng Hồng Hải - Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - cho biết: “Tính từ đợt dịch thứ 4, ngày 27.4 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 550 bệnh nhân COVID-19. Hiện tại, có 52 bệnh nhân nặng phải hỗ trợ đặc biệt”.
Thời gian qua, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 15 ca vào viện, trong đó gồm bệnh nhân mắc COVID-19 của Thành phố Hà Nội, bệnh nhân của các tỉnh phía Bắc, đặc biệt những bệnh nhân nặng và nguy kịch từ Bắc Giang, Bắc Ninh chuyển lên trong những ngày gần đây.
Thời gian ấy, có bao nhiêu người từ cõi chết trở về, bước ra khỏe mạnh trong niềm hân hoan tột độ của những người điều trị. Cũng có bao nhiêu giọt nước mắt đã rơi, vì kiệt sức, vì đau đớn mà họ - những chiến sĩ áo trắng dặn mình phải kìm lòng xuống để hoàn thành nhiệm vụ.
4 lần xung phong ở “mặt trận” tuyến đầu, bác sĩ Phúc cùng các đồng nghiệp của mình tạm cất đi những lo lắng riêng tư cho gia đình, vợ con để “chiến đấu”. Những giọt nước mắt đã rơi vì sự nhớ nhung, vì khi nhận được thông báo người thân ốm đau... nhưng những giây phút ấy qua nhanh. Bác sĩ cất niềm riêng, nhường lại cho sự vỡ òa hạnh phúc khi được vẫy chào những người thoát khỏi cửa tử, trở về với địa phương, gia đình họ. Bác sĩ Phúc xác định ở tuyến đầu là sống vì bệnh nhân, vì những mong chờ, hy vọng và niềm tin của nhân dân cả nước vào những ca COVID-19 nặng sẽ chuyển biến tích cực.
“Chúng tôi phải thừa nhận là căng não vì bệnh nhân nặng với diễn biến vô cùng phức tạp. Thời điểm tôi bị stress nhất là khi điều trị cho bệnh nhân 19 - bác gái bệnh nhân 17” - bác sĩ Phúc nói.
Lúc đó, khi bệnh nhân mới chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực được 3 ngày, bà bị tràn khí màng phổi, mà không rõ nguyên nhân. Sau khi triển khai ECMO, tham khảo ý kiến của nhiều chuyên gia và tiến hành hội chẩn ngay trong đêm cho bệnh nhân, bác sĩ Đồng Phú Khiêm - Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - đã nói với bác sĩ Phúc rằng: “Nếu 5 phút nữa mà anh em mình không làm xong là bệnh nhân ngừng tim”.
Nghe, không nghĩ ngợi gì nhiều, anh vội vàng mặc bộ đồ bảo hộ rồi chạy thẳng vào phòng trực. Thậm chí, vì vội vàng muốn cứu bệnh nhân mà anh còn bị ngã nhưng tay vẫn giữ chặt ống máu của bệnh nhân để mang tới phòng xét nghiệm. “Tôi không quan tâm bản thân như thế nào, chỉ lo ống máu có bị rơi hay không bởi ống máu xét nghiệm đó rất quan trọng để bác sĩ biết nguyên nhân khiến bệnh nhân ngừng tim” - bác sĩ Phúc nhớ lại.
Quá trình cấp cứu cho bệnh nhân không khác gì một cuộc đấu trí. Khi bệnh nhân ngừng tim, cấp cứu trong 1 thời gian dài mà bệnh nhân không có nhịp đập trở lại, có lúc tưởng chừng như thất bại, nhưng sau 45 phút nỗ lực với 3 sốc điện, tim bệnh nhân đã có nhịp đập trở lại.
Hay gần đây, rạng sáng 15.5 - đêm mà bác sĩ Phúc cùng các đồng nghiệp thức trắng để cấp cứu cho 5 bệnh nhân COVID-19 nặng mới vào, trong số đó có một bệnh nhân có diễn biến nguy kịch. Anh chia sẻ: “Đó là một đêm có nhiều “kỷ lục” đáng buồn”. Kỷ lục về số lượng bệnh nhân nặng nhập viện, chưa bao giờ khoa tiếp nhận lượng bệnh nhân nhiều đến thế. Kỷ lục về số lượng nhân viên y tế cả vòng trong lẫn vòng ngoài được huy động tối đa lúc gần 0h đêm để theo dõi sát sao 18 bệnh nhân nặng, rồi tất tả ngược xuôi chạy ECMO (tim phổi nhân tạo) cho 1 ca COVID-19 nguy kịch… Trong bất cứ mọi tình huống, các bác sĩ đều đảm bảo cấp cứu một cách nhanh nhất".
Với nhiều cống hiến cho cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, cứu sống nhiều bệnh nhân mắc bệnh nặng, tưởng chừng như không thể qua khỏi, bác sĩ Phạm Văn Phúc đã được tôn vinh là một trong 10 Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2020.
Báo Lao Động, Quỹ Xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng và Công đoàn ngành Y tế chính thức phát động Chương trình "VÌ NHỮNG CHIẾN BINH ÁO TRẮNG". Chương trình mong muốn góp một phần nhỏ bé hỗ trợ, tạo thêm sức mạnh cho những người ngày đêm cống hiến, hy sinh, lăn xả quên mình vì nhân dân, vì đất nước.
Chương trình kêu gọi sự ủng hộ của tất cả cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị. Sự đóng góp của quý vị sẽ được chúng tôi chuyển đến hỗ trợ những y, bác sĩ, cán bộ y tế để góp phần chia sẻ khó khăn, đoàn kết chống dịch.
Mọi sự hỗ ủng hộ gửi về Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động bằng một trong các hình thức sau đây:
- Liên hệ trực tiếp Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động:
Số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756 - 024.39232748
Hoặc các Văn phòng đại diện Báo Lao Động trên toàn quốc.
- Chuyển tiền qua tài khoản:
Tên tài khoản: Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng Vàng
• STK 113000000758 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
• STK 0021000303088 tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội.
• STK 12410001122556 tại BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
• STK 1005755579 tại SHB, chi nhánh Hà Nội.
• Số tài khoản USD 115000196228 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ chiến binh áo trắng
- Hỗ trợ qua Ví Momo:
Mở Ví Momo, chọn chương trình “Mỗi ngày một nghìn”. Thực hiện theo hướng dẫn. Nội dung lời nhắn: Hỗ trợ chiến binh áo trắng.
- Hoặc hỗ trợ trực tuyến: bằng cách bấm vào nút ỦNG HỘ NGAY bên dưới.