Thưa TS.BS Phạm Văn Bình, hiện tại Bệnh viện K đã phát hiện bao nhiêu ca mắc COVID-19 và công tác cách ly, lấy mẫu xét nghiệm đang được tiến hành ra sao?
- Tính đến thời điểm hiện nay, Bệnh viện K đã ghi nhận 11 trường hợp mắc COVID-19 và sáng nay phát hiện thêm 1 ca nghi ngờ - đó là trường hợp F1 người nhà của bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Ngoại gan – mật – tụy. Chúng tôi đã liên hệ chuyển toàn bộ F0 đến Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tính đến hết ngày 8.5, Bệnh viện K đã hoàn tất công tác lấy mẫu xét nghiệm PCR cho 3.665 mẫu. Hiện tại có 2.690 mẫu đã âm tính, 75 trường hợp F1 đã được chuyển đi cách ly. Công tác xét nghiệm đang được triển khai thần tốc không kể ngày đêm để khoanh vùng dập dịch sớm nhất có thể.
Sau thông tin bệnh viện phong toả, nhiều bệnh nhân ngoại trú và người nhà đang rất lo lắng. Vậy Bệnh viện K đã chuẩn bị những kế hoạch điều trị cho bệnh nhân ngoại trú như thế nào, thưa ông?
- Đầu tiên xin bệnh nhân và người nhà bệnh nhân không nên quá lo lắng.
Với hệ miễn dịch, sức đề kháng suy yếu do điều trị trong thời gian thì việc nhiễm COVID-19 sẽ là vấn đề đáng lo ngại với người bệnh có bệnh lý nền, đặc biệt là bệnh ung thư. Chúng tôi cũng rất thấu hiểu sự lo lắng của người bệnh vì sẽ chậm trễ khoảng 2 - 3 tuần nếu như không điều trị, do đó Bệnh viện K đã chủ động trao đổi với Sở Y tế các tỉnh, bác sỹ điều trị trực tiếp liên hệ hướng dẫn người bệnh và phối hợp cùng cơ sở chuyên khoa ung bướu gần nhất để tiếp tục theo dõi, thực hiện tiếp phác đồ điều trị cho người bệnh trong thời gian này. Chúng tôi thực hiện đảm bảo đúng theo mục tiêu kép “vừa khoanh vùng dập dịch nhanh chóng; vừa đảm bảo hiệu quả điều trị” cho tất cả người bệnh.
Vậy còn đối với người bệnh nội trú thì kế hoạch điều trị tiếp theo như thế nào, thưa ông?
- Đối với bệnh nhân nội trú đang điều trị giữa tâm dịch thì vô cùng khó khăn. Hiện tại chúng tôi số lượng bác sĩ hơn 1000 bác sĩ đang cách ly tại viện nhưng vẫn đáp ứng được việc chống dịch và điều trị. Ngoài công thức chăm sóc, thuốc men, theo dõi bệnh nhân nặng, đặc biệt là cấp cứu ngoại khoa chúng tôi vẫn được phối hợp đầy đủ chặt chẽ theo nguyên tắc phòng chống dịch.
Chúng tôi đã lên kịch bản ứng phó khi từng tình huống khác nhau xảy ra. Những trường hợp dương tính đầu tiên được phát hiện đều trong chương trình chủ động sàng lọc của Bệnh viện K. Bởi sau nghỉ lễ, các yếu tố nguy cơ dịch tễ đã diễn biến phức tạp và cảnh báo nguy cơ dịch rất cao.
Bệnh viện K là bệnh viện điều trị những bệnh nhân nặng và nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân. Ông có thể chia sẻ hiện Bệnh viện K đang gặp những khó khăn gì?
- Thời điểm hiện tại là giai đoạn khó khăn, thách thức với không chỉ riêng cán bộ y tế Bệnh viện K mà còn với hàng ngàn người bệnh ung thư và nhiều gia đình.
Tuy nhiên bệnh viện đã có kế hoạch sẵn sàng ứng phó khi ghi nhận trường hợp nhiễm COVID-19 do đó dù bước đầu có một số vấn đề phát sinh như bố trí nhân lực từ sáng ngày 5.5; phân luồng cách ly; giải thích, động viên, thuyết phục người bệnh tại từng đơn vị trong tình huống dịch hoang mang ; lấy mẫu và xét nghiệm cho hàng ngàn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế trong thời gian ngắn... Tuy nhiên bệnh viện luôn trong tâm thế chủ động do đó mọi thứ nhanh chóng được thực hiện như đã lập trình sẵn. Ngoài ra chúng tôi rất ấm lòng khi nhận được sự quan tâm chia sẻ của lãnh đạo Bộ Y tế, UBND TP.Hà Nội và người dân.
Vậy trước những khó khăn đó, tinh thần của các bác sĩ, cán bộ bệnh viện như thế nào, thưa ông?
- Bằng sự đồng lòng, đoàn kết của toàn thể bệnh viện, dù đang trong tâm dịch thì sự an toàn, yên tâm của người bệnh vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Với chiến sỹ kiến cường của chúng tôi, họ vẫn cùng làm việc không ngừng nghỉ, không kể ngày đêm vì công việc chung của bệnh viện. Chúng tôi tin tưởng rằng Bệnh viện K sẽ sớm vượt qua thách thức này, là ngôi nhà chung “Trao hy vọng – Nhận niềm tin” của hàng trăm ngàn người bệnh ung thư.
Trân trọng cảm ơn ông!