Ngày 12.7, trao đổi với Lao Động, Bác sĩ Chuyên khoa I Lê Phúc Hiển - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - kiểm dịch y tế quốc tế (CDC TP Cần Thơ) thông tin, tại TP Cần Thơ, nhiều năm gần đây không ghi nhận ca mắc bạch hầu và ca tử vong.
Về tiêm chủng phòng bệnh, trong chương trình tiêm chủng mở rộng, thành phố đã thực hiện và đều đạt trên 95% tỉ lệ miễn dịch cộng đồng. Theo đó, trẻ từ 2 tháng tuổi sẽ được tiêm 5 trong 1, trong đó có thành phần bạch hầu (mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng, mũi thứ ba cách mũi thứ hai 1 tháng) với 3 liều cơ bản. Sau đó 18 tháng, trẻ sẽ được nhắc tiêm lại 3 trong 1, trong đó có thành phần bạch hầu.
"Thực tế, tình hình tiêm vaccine phòng bệnh liên quan đến bạch hầu, trước đây CDC Cần Thơ cũng có các vaccine trong dịch vụ để thực hiện, tuy nhiên do diễn biến bệnh gần đây, ghi nhận tại phòng khám của CDC TP Cần Thơ có sự tăng lên khoảng 30% người dân đến tiêm phòng bệnh bạch hầu", bác sĩ Hiển chia sẻ.
Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - kiểm dịch y tế quốc tế nói thêm, hiện CDC TP Cần Thơ đang tiếp tục liên hệ với các công ty, phối hợp với các nhà sản xuất cung ứng vaccine ngừa bạch hầu, đáp ứng nhu cầu người dân. Các chỉ định này đều theo khuyến cáo của thông tin kê toa, bác sĩ sẽ tư vấn để chỉ định.
Người dân nên lưu ý, với bệnh bạch hầu sẽ có các dấu hiệu triệu chứng lâm sàng như sốt, đau họng, ho, viêm mũi họng hoặc có giả mạc ngay tổ chức viêm, biếng ăn... Với trường hợp người dân không tiêm vắc xin, tỉ lệ mắc sẽ cao và có thể biến chứng đến tim, thần kinh, hô hấp...
Theo khuyến cáo, đối với các bệnh lây qua trực tiếp qua hô hấp, người bệnh phải ghi nhớ các biện pháp phòng tránh. Đối với biện pháp đặc hiệu là tiêm vaccine; không đặc hiệu là tăng cường đeo khẩu trang nơi đông người, khử khuẩn tay chân bằng các dung dịch sát khuẩn.
"Nói chung, các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp sẽ phải cách ly, tuy nhiên có một số người sẽ mang tâm lý hoang mang, nhất là dịch COVID-19 vừa qua. Chúng tôi khuyên người dân nên bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng tránh bệnh.
Từ ca mắc ở Nghệ An, cách ly ở Bắc Giang, Sở Y tế TP Cần Thơ cũng đã có công văn chỉ đạo, gửi cho các phòng khám, các bệnh viện, trung tâm CDC, trung tâm y tế quận, huyện chủ động công tác phòng chống bệnh bạch hầu và có cụ thể những nội dung thực hiện giám sát, điều trị, vấn đề thuốc men.
Đa số bệnh truyền nhiễm sẽ có dấu hiệu bệnh và bệnh nhân không được tự mua thuốc uống tại nhà mà nên đến cơ sở gần nhất để được bác sĩ tư vấn, khám…", bác sĩ Hiển khuyến cáo.
* Trong diễn biến liên quan đến dịch bệnh truyền nhiễm bạch hầu, ngày 12.7, Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk thông tin, từ năm 2021 cho đến tháng 7.2024, trên toàn tỉnh không ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh mới nào. Trong khi đó, năm 2020, trên địa bàn tỉnh có đến 50 trường hợp bệnh bạch hầu phân bổ tại 19 xã, thuộc 6 huyện.
Ông Hoàng Hải Phúc - Giám đốc CDC tỉnh Đắk Lắk - phân tích: "Trong vòng 3 năm qua, ngành Y tế tỉnh không ghi nhận trường hợp nhiễm bệnh bạch hầu nào là do việc tiêm chủng vaccine phòng bệnh bạch hầu (Td) cho người lớn và đặc biệt là trẻ em được triển khai quyết liệt".
Trong chiến dịch tiêm vaccine Td cho người lớn và trẻ em từ năm 2020 đến 2023, lực lượng y tế đã tiêm được 2 mũi cho tổng cộng hơn 1,4 triệu trường hợp, đạt tỉ lệ hơn 90,5%. Với tỉ lệ bao phủ vaccine cao trong toàn dân, rất khó để dịch bạch hầu bùng phát trên diện rộng tại địa phương như hồi năm 2019, 2020".
Thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, từ năm 2021 đến nay, ở 4 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, đơn vị chưa được báo cáo trường hợp nào dương tính với bạch hầu. Tỉ lệ bao phủ vaccine Td trong toàn dân là hơn 90%.
Ngoài ra, đối với những người có bệnh nền, cơ địa suy giảm miễn dịch hơn người bình thường, bác sĩ Lê Phúc Hiển khuyến cáo nên tiêm tất cả vaccine chứ không phải riêng bạch hầu.