Nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 tại Việt Nam: Đầu tư nhỏ giọt, tiến độ chậm so với thế giới

Thùy Linh (thực hiện) |

Mặc dù các nhà nghiên cứu sản xuất vaccine ở Việt Nam đang rất nỗ lực để người dân Việt Nam sớm có thể tiếp cận được vaccine phòng ngừa COVID-19, tuy nhiên con đường đi còn dài và quá gian nan. Việt Nam có khả năng, có công nghệ, có những nhà nghiên cứu giỏi và tâm huyết, nhưng chúng ta lại không có đủ nguồn lực để “chạy đua” mạnh mẽ hơn trong một cuộc chiến này.

Phóng viên báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn GS-TSKH Nguyễn Thu Vân, nguyên Giám đốc Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1, Chủ nhiệm Chương trình Phát triển vaccine phòng bệnh cho người, Bộ Y tế về vấn đề này.

Chúng ta làm vaccine thành thạo, nhưng vẫn bị chậm

Thưa Giáo sư, bà đánh giá như thế nào về tiến độ nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19 ở Việt Nam?

- Mặc dù đã rất cố gắng, các nhà sản xuất và người dân đều rất mong muốn, nhưng thực sự mà nói, vấn đề nghiên cứu vaccine COVID-19 đã không được đặt ra cấp thiết ngay từ ban đầu. Vài tháng sau, khi thế giới họ bắt đầu vào cuộc sản xuất vaccine rồi thì Việt Nam mới rục rịch tham gia vào cuộc đua này. Như vậy là hơi chậm.

Thứ 2, về công nghệ sản xuất vaccine hiện nay, Việt Nam chưa làm chủ được công nghệ nguồn-là công nghệ tạo ra chủng để làm vaccine. Đó là điều rất quan trọng.

Thế còn công nghệ sản xuất vaccine sau đó thì chúng ta đã rất thành thạo, vì có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất rất nhiều các loại vaccine tương tự, từ virus hoặc vi khuẩn hoặc bất hoạt hoặc vaccine sống. Tôi cho rằng chúng ta có thể làm nhanh được giai đoạn này. Còn giai đoạn đầu chúng ta bị phụ thuộc.

Công nghệ nguồn hiện nay của Việt Nam phải phụ thuộc vào nước ngoài. Chỉ khi nào họ hợp tác với mình, họ chuyển giao công nghệ cho mình, họ giúp mình thì mình mới có.

Các nhà sản xuất trong nước đang nỗ lực ra sao trong cuộc chạy đua này, thưa GS?

- Hiện nay VABIOTECH phải phối hợp với trường Đại học Bristol của Anh, IVAC phải nhờ sự giúp đỡ của Tổ chức PATH (Mỹ) hỗ trợ về kỹ thuật để có được chủng virus rồi mới nuôi. IVAC nuôi chủng virus đó trên trứng gà có phôi - công nghệ làm vaccine cúm. VABIOTECH thì nuôi tế bào cũng có nhiều kinh nghiệm, tuy rằng tế bào lần này hơi khác, không phải tế bào mà trước đây chúng tôi vẫn dùng.

POLYVAC và NANOGEN hiện nay cũng đang làm. NANOGEN tương đối mạnh, họ là một công ty tư nhân, nhưng lại đầu tư về công nghệ sinh học khá tốt, các nhân viên được đào tạo rất bài bản và họ làm chủ được công nghệ nguồn. Thế nhưng, họ lại đi vào lĩnh vực này hơi chậm. Kết quả hiện nay khá khả quan. Đối với POLYVAC, họ có sáng kiến sử dụng chủng vaccine sởi sống giảm độc lực để làm vector chuyển các kháng nguyên của COVID-19 và cũng đã bắt đầu rậm rịch làm.

Theo GS, khó khăn lớn nhất hiện nay mà các nhà nghiên cứu, sản xuất vaccine gặp phải là gì?

- Tôi cho rằng nguồn lực của Việt Nam không đủ. Về con người, trang thiết bị, máy móc, về nguyên vật liệu và tất cả mọi thứ đều không đủ để cho anh em cùng một lúc có thể làm nhanh và thúc đẩy quá trình nghiên cứu và sản xuất nhanh hơn. Mặc dù hiện nay chúng ta đã có chủng virus, nhưng việc triển khai vaccine là cả một vấn đề lớn.

Tôi xin đơn cử. Khi đã làm ra được vaccine rồi, vấn đề thử nghiệm sử dụng đến virus SARS-CoV-2 sống thì các đơn vị nghiên cứu vaccine lại không có phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn P3 để thử đáp ứng miễn dịch của nó, thử nghiệm các công nghệ sử dụng đến virus sống. Tất cả các đơn vị nghiên cứu vaccine trong nước đều phải gửi sang phòng thí nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. Và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương thì quá nhiều nhiệm vụ phải làm, hằng ngày họ phải thực hiện biết bao nhiêu mẫu xét nghiệm. Riêng ở Hà Nội, hàng chục nghìn người từ Đà Nẵng về cần phải được xét nghiệm PCR, cần có sự trợ giúp của viện. Họ phải làm ngày đêm, yêu cầu chống dịch phải được ưu tiên hàng đầu, vì vậy những thử nghiệm liên quan đến vaccine buộc phải lùi lại và bị chậm.

Mỗi giai đoạn chúng ta bị chậm một ít, vì vậy, nhìn chung tiến độ vaccine COVID-19 trong nước chậm hơn so với thế giới.

Vậy việc cho “ra lò” một loại vaccine COVID-19 của Việt Nam có hy vọng không, thưa GS?

- Tôi rất hy vọng chúng ta sẽ có được những lô vaccine thử nghiệm sớm. Các lô này để đạt được chấp thuận thử nghiệm trên người thì phải có thử nghiệm thử thách trên các động vật nhạy cảm đối với SARS-CoV-2.

Thử nghiệm thử thách này lại phải dùng đến virus sống và chúng ta không có điều kiện để làm, bắt buộc phải gửi mẫu đi sang một nước khác để họ làm giúp cho mình. Mặc dù chúng ta trả tiền cho thử nghiệm thử thách này, nhưng tất nhiên là họ sẽ ưu tiên những nghiên cứu của họ trước.

Vì vậy, khi đặt ra vấn đề chủ động vaccine như thế nào, thì tôi cho rằng, việc chủ động trong khoa học công nghệ cần được đặt ưu tiên hàng đầu hiện nay. Chúng ta có công nghệ để sản xuất vaccine trong nước, nhưng lại không có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, không có một phòng thí nghiệm P3 để thử nghiệm trên động vật. Nếu có phòng thí nghiệm, các chuyên gia Việt Nam hoàn toàn có thể làm được mà không cần phải gửi đi đâu cả. Đây là khó khăn rất lớn.

Việt Nam cần quyết liệt hơn

Giáo sư có thể phân tích rõ hơn về “sự thiếu thốn” này?

- Về nguồn lực đầu tư, tôi xin đơn cử ở Mỹ họ cho hàng tỉ USD cho một công ty để nghiên cứu và sản xuất vaccine COVID-19, trong khi đó, các đơn vị nghiên cứu vaccine của Việt Nam thì sao?

VABIOTECH được Vingroup tài trợ cho 8 tỉ đồng; Đề tài mà NANOGEN xin kinh phí từ Bộ Khoa học và Công nghệ được 8 tỉ đồng, còn lại là họ bỏ vốn tự có ra; hay POLYVAC cũng xin được một Đề tài nghiên cứu khoa học của Bộ Khoa học và Công nghệ hơn 10 tỉ đồng và đến nay chưa được phê duyệt.

Dù vậy, họ vẫn cứ làm, cứ nghiên cứu. Tôi nói như vậy để thấy nguồn lực ở Việt Nam quá hạn chế. Mong muốn của nhà khoa học chúng tôi, nhà sản xuất và người dân đều mong muốn sớm có vaccine, nhưng thực sự là “lực bất tòng tâm”, không có đủ nguồn lực để làm thì rất là khó.

Chúng ta chậm, trong khi chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn phòng thí nghiệm thì các nước họ đã thử nghiệm xong giai đoạn 2, chuẩn bị sang thử nghiệm giai đoạn 3 rồi.

Giáo sư có đề xuất gì để có giải pháp cho vấn đề này?

- Chúng tôi đã đề xuất nhiều lần, vì đã nhìn thấy vấn đề này từ lâu. Thứ nhất, chúng ta cần có một sự đầu tư thỏa đáng, để có thể nâng cấp tất cả những cơ sở sản xuất của mình lên.

Thứ 2 chúng ta phải xây dựng hệ thống các cơ sở sản xuất vaccine trong nước một cách đồng bộ, trong đó, phải đầu tư cơ sở nghiên cứu rất hiện đại để có đủ điều kiện cho các nhà nghiên cứu làm việc.

Thứ 3, tôi cho rằng cần phải có sự chỉ đạo của Bộ Y tế hết sức kịp thời. Khi có vấn đề xảy ra phải giao nhiệm vụ cho các đơn vị ngay từ đầu, đặc biệt trong các đại dịch nghiêm trọng như thế này. Có thể chúng ta chờ đợi SARS-CoV-2 cũng giống như H5N1, H1N1, SARS hay MERS-Cov, chỉ xảy ra một giai đoạn rồi biến mất, những người làm vaccine có thể cũng có suy nghĩ đó nhưng nếu chúng ta có nguồn lực thì chúng ta vẫn có thể nghiên cứu ra một vaccine, lúc này không dùng thì lúc sau có dịch sẽ có sẵn công nghệ để làm vaccine rồi.

Chúng ta còn nghèo, còn thiếu nguồn lực, nên ngay từ đầu còn thiếu quyết liệt trong trận chiến làm vaccine này. Đầu tư ban đầu, chúng ta có thể thu được những lợi ích rất lớn về sau, có thể tính chuyện xuất khẩu vaccine, bên cạnh việc bảo vệ cộng đồng trong nước. Khi biết về những con đường mấy nghìn tỉ đồng, những nhà khoa học như chúng tôi chỉ ước ao “cho chúng tôi 1km đường thôi” thì có thể đồng bộ tất cả các hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị hiện đại để làm bất kể loại vaccine gì. 

Thùy Linh (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN

Sản xuất được vaccine COVID-19 mới là thành công

Lê Thanh Phong |

Trước sự tấn công của đại dịch COVID-19, cả thế giới thất thủ. Với Việt Nam, cho đến nay, người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 chưa tới bốn con số với 25 ca tử vong cũng đã là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Sớm nhất 6 tháng cuối năm 2021 mới có vaccine COVID-19 ở Việt Nam

Lệ Hà |

Việt Nam đang tìm mọi cách, dưới mọi góc độ để tiếp cận vaccine COVID-19 nhưng sớm nhất phải 6 tháng cuối năm 2021 mới có vaccine.

Cuộc đua nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 trên thế giới

Văn Thắng |

Nga đã phê duyệt vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Trong khi đó, việc thử nghiệm của các vaccine ứng viên đầy tiềm năng khác vẫn đang được triển khai ở nhiều nước trên thế giới.

Điều gì khiến lăng mộ Nefetari được mệnh danh là ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập

Yến Nhi |

Được mệnh danh là "ngôi mộ đẹp nhất Ai Cập", lăng mộ cổ của nữ hoàng Nefetari không chỉ có kiến trúc xa hoa mà còn chứa đựng một câu chuyện hấp dẫn.

Tiền vệ Hùng Dũng: Tôi buồn vì không thể tặng quà thầy Park Hang-seo

AN NGUYÊN |

Tiền vệ Hùng Dũng và các đồng đội tuyển Việt Nam bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể mang về món quà ý ở giải đấu cuối cùng của huấn luyện viên Park Hang-seo.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Sản xuất được vaccine COVID-19 mới là thành công

Lê Thanh Phong |

Trước sự tấn công của đại dịch COVID-19, cả thế giới thất thủ. Với Việt Nam, cho đến nay, người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 chưa tới bốn con số với 25 ca tử vong cũng đã là một nỗ lực đáng ghi nhận.

Sớm nhất 6 tháng cuối năm 2021 mới có vaccine COVID-19 ở Việt Nam

Lệ Hà |

Việt Nam đang tìm mọi cách, dưới mọi góc độ để tiếp cận vaccine COVID-19 nhưng sớm nhất phải 6 tháng cuối năm 2021 mới có vaccine.

Cuộc đua nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 trên thế giới

Văn Thắng |

Nga đã phê duyệt vaccine COVID-19 đầu tiên trên thế giới. Trong khi đó, việc thử nghiệm của các vaccine ứng viên đầy tiềm năng khác vẫn đang được triển khai ở nhiều nước trên thế giới.