Vừa vào tới phòng khám bệnh của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM, bà Nguyễn Thị Năm (53 tuổi, ngụ TPHCM) đã vội vàng chia sẻ với bác sĩ về những cơn ngứa và những nghi ngờ mình có thể nhiễm ký sinh trùng.
Theo bà Năm chia sẻ, gia đình bà có nuôi chó. Thời gian gần đây, bà mắc ung thư phải điều trị thuốc nhiều cũng xuất hiện ngứa. Dù được bác sĩ ung bướu tư vấn ngứa có thể do tác dụng phụ của thuốc ung thư, nhưng bà Năm vẫn đi xét nghiệm ký sinh trùng để yên tâm.
Tại đây, bà Năm được làm hàng loạt các xét nghiệm tìm ra nguyên nhân, bất ngờ, bà Năm có nhiễm sán nhỏ và nguồn lây có thể từ thức ăn hàng ngày sử dụng như: Đồ ăn tái gỏi cá, cá khô, cá muối, cá ngâm... Lúc này, bà được bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị riêng để kiểm soát tình trạng nhiễm sán.
Còn trường hợp ông Đinh Văn Thanh (56 tuổi, ngụ tại TPHCM) cũng tương tự, ông Thanh xuất hiện những nốt mụn li ti trên người, kèm theo những cơn ngứa, đặc biệt ngứa về đêm. Bất an vì có thể mình nhiễm ký sinh trùng, lần đầu tiên ông đi xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân nhằm điều trị kịp thời nếu không may mắc bệnh.
Bác sĩ Hoàng Oanh - Khoa khám bệnh, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM cho biết, hiện nay, tại Việt Nam có 2 loại sán lá gan lớn và sán lá gan nhỏ, phân bố ở ít nhất 32 tỉnh, thành. Hai loài sán lá gan này có đặc điểm sinh học, chu kỳ và vai trò tương đối giống nhau.
Nguồn bệnh nhiễm ký sinh trùng chủ yếu xuất phát động vật và thức ăn tái, chín hoặc nấu ăn không chín kỹ, rau sống. Hiện nay với sự du nhập nhiều món ăn sống như các món sushi cá sống, gỏi thịt sống, nem chua thịt sống… khiến tỉ lệ người đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TPHCM ngày càng tăng, trung bình mỗi ngày nơi đây tiếp nhận 100 bệnh nhân.