“Ma trận” dịch vụ trong bệnh viện

Lệ Hà - Linh Anh |

Việc Bệnh viện Bạch Mai tuyên bố tiến tới sẽ xoá bỏ giường dịch vụ cũng như tạm dừng hàng loạt các đơn vị dịch vụ như trông xe, vận chuyển bệnh nhân, bán báo, vệ sinh công cộng để sắp xếp lại và quản lý đang tạo ra những hiệu ứng tích cực từ phía bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Liệu việc làm này có thành một “phong trào” tại các bệnh viện, nhất là bệnh viện công xoá đi “ma trận” dịch vụ trong bệnh viện?

Xoá dịch vụ giường “VIP” trong bệnh viện công

Tại Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập, Bộ Y tế đưa ra khung giá giường dịch vụ theo yêu cầu tối đa có thể lên đến 4 triệu đồng/ngày (với bệnh viện hạng đặc biệt), các cơ sở y tế khác tại các thành phố lớn được thu tối đa từ 900.000đồng - 3 triệu đồng/ giường/ngày. Với bệnh viện hạng đặc biệt và hạng 1, tiền công khám bệnh theo yêu cầu không quá 500.000đồng/lần khám; bệnh viện hạng 2 không quá 400.000đồng/lần khám.

Bệnh viện Bạch Mai - một trong 4 bệnh viện công đầu tiên được phép tự chủ (gồm Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K) đã áp dụng hướng dẫn này.

Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân ở Bạch Mai cho rằng, bệnh viện đã quá chú trọng vào việc đầu tư vào loại hình dịch vụ giá VIP để thu tiền bệnh nhân có yêu cầu trong khi chất lượng dịch vụ giá thường không đảm bảo: Bệnh nhân nằm chung giường và đặc biệt là “phích nước sôi” đắt nhất hành tinh - một dịch vụ của ông ty Trường Sinh là một điển hình.

Theo quy định, giường bệnh theo yêu cầu phải đảm bảo chất lượng bác sĩ khám, chi phí điều dưỡng chăm sóc 24/24, phòng có phòng nghỉ cho người nhà, có ăn theo chế độ bệnh lý… Tuy nhiên việc triển khai các phòng VIP này lại được cho rằng chưa tương xứng với khoản tiền dịch vụ. Hơn nữa khi để sự chênh lệch quá lớn giữa giường bệnh thường và giường bệnh dịch vụ tạo ra tâm lý đua nhau nằm giường theo yêu cầu, người nhà bệnh nhân cũng tìm mọi cách để được sự dụng dịch vụ (thay vì hy vọng hoạt động thông thường của bệnh viện công). Nói một cách khác, khi điều kiện bệnh viện không xoá được câu chuyện nằm ghép giường bệnh thì không còn cách nào khác là phải chọn các dịch vụ VIP bất chấp khả năng về tài chính của gia đình.

Vấn đề với bệnh viện là khoảng cách giữa giường bệnh thường và giường dịch vụ xoá nhoà thì nhu cầu về giường yêu cầu sẽ không còn. “Với việc lấy chất lượng làm cốt lõi thì khoảng cách giữa giường yêu cầu và giường bình thường sẽ được xóa nhòa. Sắp tới sẽ không còn giường yêu cầu. Tại thời điểm này, tại viện, giường yêu cầu chỉ dưới 30% và cho phép tối đa 30%. Trước đây, con số này là 50-60%. Chúng tôi đang tiến tới mức chỉ có 20-25% giường yêu cầu và tiến tới không còn loại giường này” - Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai TS Dương Đức Hùng thông tin.

Ma trận dịch vụ trong bệnh viện

Không chỉ là câu chuyện phòng bệnh theo yêu cầu, giường bệnh theo yêu cầu mà mỗi gia đình khi có người nhà là bệnh nhân vào viện, họ phải đối mặt với cả một “ma trận” dịch vụ. Trong đó có các dịch vụ thuê ngoài bệnh viện.

Theo hướng dẫn quản lý dịch vụ thuê, khoán bên ngoài bệnh viện Ban hành kèm theo Quyết định số 6197/QĐ-BYT ngày 17.10.2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế thì có tới hơn 10 loại dịch vụ ngoài bệnh viện gồm: Dịch vụ bảo vệ, an ninh trật tự; Dịch vụ vệ sinh công nghiệp, vệ sinh ngoại cảnh; dịch vụ giặt là, hấp, sấy...; Dịch vụ bảo quản thi hài người bệnh tử vong trong bệnh viện; Dịch vụ vận chuyển người bệnh không cần trợ giúp của y tế; Dịch vụ vận chuyển người bệnh cần có trợ giúp y tế; Dịch vụ ăn uống trong bệnh viện; Dịch vụ trông giữ xe; bãi xe dịch vụ; Dịch vụ ngân hàng hỗ trợ thanh toán cho người bệnh; Dịch vụ cung cấp hàng hóa, siêu thị mini, thuê kho; Dịch vụ bưu chính viễn thông; Các loại hình dịch vụ khác…

Chính vì có “loại hình dịch vụ khác” nên các bệnh viện tha hồ tạo ra các dịch vụ trong bệnh viện. Ví dụ, bệnh viện Bình Dân tại TPHCM triển khai dịch vụ “Chăm sóc cho người bệnh tại bệnh viện”: Gồm Theo dõi mạch, nhiệt, hô hấp, giấc ngủ trong suốt ca, Nấu ăn theo chế độ của người già, Phục vụ bệnh nhân ăn uống: Bón cơm, cháo, pha sữa, uống sữa,… Nhắc uống thuốc đúng giờ theo đơn, lịch của bác sĩ, Tắm rửa thay quần áo, giặt giũ, Các công việc vệ sinh cho bệnh nhân (đóng bỉm, thay đồ, rửa, vệ sinh, đổ bô,…), Vệ sinh quanh khu vực bệnh nhân nằm điều trị, Xoa bóp vùng cơ thể mệt mỏi, đau nhức, Bảo vệ vật dụng của bệnh nhân, Chống loét… Nghĩa là cái gì cũng quy ra thành dịch vụ.

Khảo sát tại bệnh viện E - một trong những bệnh viện lớn của Hà Nội thì ngoài các dịch vụ cho chính người bệnh thì người thăm nom cũng đối mặt với một “ma trận” dịch vụ.

Đầu tiên là dịch vụ trông giữ xe với mức 5.000đồng/xe máy, tiếp đó là dịch vụ lưu trú cho bệnh nhân và người nhà gồm tiền thuê giường (30.000đồng giường phòng tiêu chuẩn, 50.000đồng cho phòng có điều hoà), tắm nóng lạnh: 15.000đồng/lần, giặt sấy quần áo từ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Với dịch vụ di chuyển thì mức 500.000đồng đối với bệnh nhân thường, cao nhất là 1.300.000đồng nếu phương tiện có dùng bình ôxy, điều dưỡng hỗ trợ chăm sóc.

Thậm chí tại bệnh viện E, tại nhà vệ sinh công cộng dù không ghi giá dịch vụ nhưng mỗi lượt vào sử dụng, khách được nhân viên lao công nhắc nhở phải bỏ… 5.000đồng vào hộp.

Tất nhiên, những dịch vụ “ăn theo” tại bệnh viện giúp người bệnh và thân nhân đỡ vất vả trong thời gian lưu trú tại đây. Thế nhưng, tiện ích cũng có nghĩa chi phí của người đến bệnh viện càng thêm chồng chất.

Mặt khác chính những dịch vụ này cũng tạo ra bức xúc không nhỏ, trong đó dịch vụ gửi xe quá giá quy định từng được báo chí phản ánh tại Viện Mắt trung ương, Bệnh viện Việt Đức…

Còn trong thời kỳ chống dịch COVID-19, sau khi hàng loạt nhân viên công ty Trường Sinh mắc virus SARS-CoV-2 thì hoạt động của công ty này còn rất nhiều điểm “mờ”: Trong đó có dịch vụ ăn uống, dịch vụ dọn vệ sinh và đặc biệt là dịch vụ bán nước sôi với giá 5.000đồng/phích (trong khi nhiều bệnh viện khác cấp miễn phí cho bệnh nhân) gây bức xúc nhất.

Theo ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện đã gặp gỡ người lao động để giải thích rõ. Và khi ký chấm dứt hợp đồng người lao động đã đồng ý. Ông Thành lý giải: Dịch vụ bán báo và vệ sinh công cộng có thu phí đã bị dừng, thay bằng dịch vụ miễn phí do bệnh viện cung cấp. Đơn vị trông giữ xe máy giải thể và sáp nhập với phòng bảo vệ an ninh trật tự của bệnh viện. Không thể tồn tại song song cả phòng bảo vệ an ninh trật tự và dịch vụ trông giữ xe. Hay như Công ty Trường Sinh nhiều năm cung cấp dịch vụ nước sôi cũng chấm dứt ký hợp đồng, thay vào đó bệnh viện lắp đặt các cây nước sôi trong khuôn viên bệnh viện, phục vụ miễn phí cho người bệnh.

Các dịch vụ thu tiền bị bãi bỏ giúp bệnh nhân giảm tốn kém trong quá trình khám chữa bệnh; giải quyết tiêu cực bòn rút tiền của người bệnh từ các dịch vụ nhỏ, nâng chất lượng chăm sóc bệnh nhân tại bệnh viện.

Việc Bệnh viện Bạch Mai tạm dừng các đơn vị dịch vụ là một tín hiệu tốt cho thấy đến lúc cần phải chuẩn hoá cả về cung cách, quản lý, giá cả đối với các dịch vụ ngoài bệnh viện để người bệnh, người nhà bệnh nhân đáp ứng ứng được nhu cầu của mình nhưng không cảm thấy gánh nặng tài chính quá lớn với cảm giác như bị “móc túi” hay bị coi như những con gà sẵn sàng bị làm thịt khi đến bệnh viện.

Các bệnh viện phải rà soát dịch vụ thuê khoán

PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng: Hiện quyết định 6197/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn Quản lý dịch vụ thuê, khoán bên ngoài tại bệnh viện vẫn có hiệu lực. Các bệnh viện cũng cần rà soát lại tất cả các dịch vụ thuê khoán từ bên ngoài để đảm bảo mọi việc tốt hơn, làm thế nào từ dịch vụ dinh dưỡng, chăm sóc bệnh nhân phải tốt hơn dịch vụ bên ngoài. Tuy nhiên, đứng ở góc độ nào thì người bệnh cũng phải hài lòng vì họ hài lòng thì bệnh viện mới được bệnh nhân tin tưởng đến khám chữa bệnh. Qua kiểm tra thực tế tại một số bệnh viện tuyến trung ương và tuyến tỉnh, thành phố, chúng tôi nhận thấy cơ bản các bệnh viện đã thực hiện theo các yêu cầu của Bộ Y tế về đấu thầu, lựa chọn các dịch vụ thuê bên ngoài vào bệnh viện, tuy nhiên không phải không có những tồn tại.

Lệ Hà - Linh Anh
TIN LIÊN QUAN

Kèn trống đám tang trong bệnh viện Bạch Mai ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh

Thùy Linh |

Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã quyết định giải thể nhiều đơn vị dịch vụ đã hoạt động tại bệnh viện Bạch Mai nhiều năm nay như dịch vụ ăn uống, dịch vụ bán báo, tang lễ và nhiều dịch vụ khác đã phải dừng hoạt động.

Viện Bạch Mai dừng hoạt động tang lễ: Nên chuyển hẳn ra khỏi bệnh viện

Bằng Linh |

Bệnh viện Bạch Mai vừa thông báo ngoài việc dừng hợp đồng với Công ty Trường Sinh, bệnh viện đã dừng hoạt động của nhà tang lễ. Theo đó, trong khuôn viên bệnh viện này sẽ không thực hiện đám tang. Điều này giải toả bức xúc lâu nay của nhiều bệnh nhân và người nhà của họ.

Bệnh viện Bạch Mai sẽ giải thể các đơn vị dịch vụ, "xóa sổ" giường yêu cầu

Thùy Linh |

Ngày 25.5, Bệnh viện Bạch Mai đã cung cấp thông tin báo chí về một số thay đổi và kế hoạch của bệnh viện trong giai đoạn mới, sau một thời gian phải đối phó với dịch bệnh COVID-19.

Bắt tạm giam 2 nữ phó giám đốc Bệnh viện TP Thủ Đức

Việt Dũng |

Mở rộng điều tra vụ án sai phạm về đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TPHCM), Cơ quan Cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam 2 phó giám đốc đơn vị này.

Bến xe lớn nhất nước đông nghẹt người về quê đón Tết

MINH QUÂN |

TPHCM - Chiều 16.1, hàng nghìn người đổ về bến xe Miền Đông mới để về quê đón Tết. Do lượng khách tăng đột biến nên bến xe Miền Đông mới không đủ ghế cho khách ngồi chờ, nhiều người phải ngồi dưới sàn nhà.

Tết Hà Nội với hương vị ô mai gừng thân quen

Vân Hoa |

Dịp Tết đến, người người đổ về Hàng Đường, con phố nổi tiếng về mứt, ô mai. Trong đó, ô mai gừng là món được mua nhiều hơn cả, bởi vị cay nồng, ấm đượm rất hợp với tiết xuân.

Thông xe đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài, các phương tiện đi thế nào?

PHẠM ĐÔNG |

Sở GTVT Hà Nội đồng ý cho các phương tiện được đi 2 chiều trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài. Đồng thời, cấm phương tiện tham gia giao thông đường bộ rẽ trái từ đường La Thành vào đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài.

Đào, quất mini hút khách dịp Tết Nguyên đán, tiểu thương thu bạc triệu mỗi ngày

Anh Tuấn |

Tết Nguyên đán đang cận kề, thời điểm này tại chợ hoa Quảng An, Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội), chợ hoa Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm) đã bày bán những cành đào Nhật Tân phục vụ nhu cầu của người dân thủ đô. Đặc biệt, những cành đào mini, giá từ 50.000 đồng - 150.000 đồng được nhiều người lựa chọn.

Kèn trống đám tang trong bệnh viện Bạch Mai ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh

Thùy Linh |

Ban Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã quyết định giải thể nhiều đơn vị dịch vụ đã hoạt động tại bệnh viện Bạch Mai nhiều năm nay như dịch vụ ăn uống, dịch vụ bán báo, tang lễ và nhiều dịch vụ khác đã phải dừng hoạt động.

Viện Bạch Mai dừng hoạt động tang lễ: Nên chuyển hẳn ra khỏi bệnh viện

Bằng Linh |

Bệnh viện Bạch Mai vừa thông báo ngoài việc dừng hợp đồng với Công ty Trường Sinh, bệnh viện đã dừng hoạt động của nhà tang lễ. Theo đó, trong khuôn viên bệnh viện này sẽ không thực hiện đám tang. Điều này giải toả bức xúc lâu nay của nhiều bệnh nhân và người nhà của họ.

Bệnh viện Bạch Mai sẽ giải thể các đơn vị dịch vụ, "xóa sổ" giường yêu cầu

Thùy Linh |

Ngày 25.5, Bệnh viện Bạch Mai đã cung cấp thông tin báo chí về một số thay đổi và kế hoạch của bệnh viện trong giai đoạn mới, sau một thời gian phải đối phó với dịch bệnh COVID-19.