Mới đây, Bộ Y tế có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tiếp tục tăng cường quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng (TPCN) trên địa bàn.
Bộ Y tế cho biết, hiện nay, trên một số trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông đang quảng cáo thực phẩm chức năng khi chưa có Giấy xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo sai sự thật hoặc quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, sử dụng hình ảnh, danh nghĩa của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo gây hiểu lầm cho người sử dụng.
Thực hiện công văn này, các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái... đã ra văn bản chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh, quản lý thực phẩm chức năng.
Theo đó, UBND các tỉnh yêu cầu sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, hậu kiểm hoạt động sản xuất, kinh doanh, kê đơn và quảng cáo TPCN thuộc thẩm quyền quản lý. Kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý, công khai theo quy định trên phương tiện thông tin đại chúng các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về kê đơn, kinh doanh, quảng cáo TPCN.
Các đơn vị phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm, về hoạt động quảng cáo thực phẩm và bán hàng đa cấp, hướng dẫn người dân cách nhận biết một quảng cáo vi phạm quy định; rà soát, quản lý chặt chẽ điều kiện cho phép mở các trang website, tên miền hoạt động nhằm đảm bảo khi phát hiện sai phạm về quảng cáo kịp thời tạm đóng hoặc đóng vĩnh viễn tên miền vi phạm; kiểm tra, giám sát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm về kinh doanh, quảng cáo TPCN trên các trang thương mại điện tử, sản giao dịch thương mại điện tử, các hoạt động kinh doanh đa cấp.
Các sở, ngành, đơn vị liên quan cần tăng cường điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp, sản xuất, kinh doanh và quảng cáo TPCN trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các hành vi thực hiện cắt ghép hình ảnh của các cơ quan y tế, bác sỹ, cơ quan báo chí, truyền hình…
"UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giảm lý vi phạm quảng cáo TPCN tại các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số" - văn bản chỉ đạo tại các tỉnh nêu.
Trước đó, Báo Lao Động có bài phản ánh "Tái diễn vấn nạn quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng chữa bách bệnh" về tình trạng nhiều người giả mạo bác sĩ, lương y của các bệnh viện lớn để tư vấn về TPCN... như thuốc chữa bệnh. Trong các bài quảng cáo này, luôn kèm những câu khẳng định như: "Tốt nhất; chữa dứt điểm; xóa bỏ tình trạng đau nhức, khỏi ngay tại nhà...".
Anh Nguyễn Văn Cường - một người dân sống tại TP Cao Bằng - chia sẻ với PV: "Gần đây khi xem YouTube, tôi lại bắt gặp quảng cáo thuốc trị xương khớp, tiểu đường, nhất là thuốc cường dương. Chúng xuất hiện ở cả các video hoạt hình và chương trình dành cho trẻ nhỏ, nếu không có kiến thức rất dễ bị những hình ảnh này lừa đảo bởi công dụng được thổi phồng, cam kết khỏi bệnh".
Những đơn vị bán hàng này trong quá trình tư vấn còn liên tục khẳng định sản phẩm họ bán là thuốc, chữa các loại bệnh, và cam kết hiệu quả.
Trên thực tế, trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc những năm qua nhiều lần ghi nhận những vụ việc tổ chức hội thảo rồi tự quảng cáo và bán TPCN.
Những đối tượng này thường nhắm tới địa phương ít phát triển, tiếp cận những người lớn tuổi rồi thuyết phục họ mua hàng với những quảng cáo công dụng và khuyến mại trên trời...
Ngày 20.6, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 4286/VPCP-KGVX chỉ đạo tăng cường công tác quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng trên địa bàn.
Công văn cũng nhấn mạnh, các địa phương cần xử lý nghiêm việc lợi dụng hội thảo giới thiệu sản phẩm để khám chữa bệnh, tư vấn trái phép, bán và giới thiệu thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh.
Đặc biệt, cần công khai tên cơ sở vi phạm, sản phẩm vi phạm, nội dung vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.