Vaccine không mất hoàn toàn tác dụng với biến chủng mới
Hiện tại, biến chủng từ Ấn Độ được phát hiện nhiều ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội... đã có các dấu hiệu tăng khả năng lây nhiễm và bệnh tăng nặng hơn so với các đợt dịch trước. Thậm chí, đã xuất hiện biến chủng chưa từng có trên thế giới tại Việt Nam, là biến chủng "lai" giữa chủng Ấn Độ và Anh.
Liệu vaccine COVID-19 có tác dụng đối với những loại biến chủng mới? Trả lời về vấn đề này, GS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM - cho hay, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các vaccine COVID-19 hiện được cấp phép cung cấp sự bảo vệ nhất định chống lại các biến thể virus mới vì chúng tạo ra một phản ứng miễn dịch rộng rãi liên quan đến một loạt kháng thể và tế bào.
"Do đó, những biến đổi hoặc đột biến của virus sẽ không làm cho vaccine mất hoàn toàn tác dụng. Trong trường hợp bất kỳ loại vaccine nào được chứng minh là kém hiệu quả hơn đối với một hoặc nhiều biến thể, thì có thể thay đổi thành phần của vaccine để bảo vệ chống lại các biến thể này" - GS.TS Lân nhấn mạnh.
Theo Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, việc giám sát các đột biến của virus cũng như tác động của các biến thể mới đối với hiệu quả bảo vệ của vaccine cần được tiếp tục theo dõi, cập nhật và đánh giá.
Tiêm vaccine rồi vẫn cần thực hiện 5K
Với những dữ liệu hiện tại, vaccine COVID-19 vẫn là hàng rào bảo vệ tốt nhất dù xuất hiện nhiều biến chủng mới. Song đến nay vẫn còn không ít người bày tỏ e ngại với việc tiêm vaccine sau khi xuất hiện một số ca phản ứng nặng.
PGS.TS. Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - phân tích: "Chúng ta phải xác định được tiếp cận với vaccine đã là điều may mắn. Bất kỳ vaccine nào đã được phê duyệt tại Việt Nam đều có tác dụng tốt. Tất nhiên, có một số tác dụng phụ đã ở trong khuyến cáo ngưỡng cho phép".
Ngoài ra, hiện nay nhiều người đang mong đợi vaccine Pfizer-BioNTech vì cho rằng loại vaccine này ít tác dụng phụ hơn Oxford-Astrazeneca. Trước thực trạng đó, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng: "Các cụ nói “đau đẻ còn chờ sáng trăng”, chúng ta đang mong muốn được tiếp cận vaccine mà còn phân biệt các loại vaccine là điều không nên. Khi cơ thể tiếp nhận vaccine thì cần sản sinh ra miễn dịch và tùy thuộc vào phản ứng khác nhau của cơ thể. Tôi cho rằng sự so sánh đó là chưa đúng".
Khuyến cáo đến người dân, TS. Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương - cho rằng: Vaccine là phương pháp phòng bệnh chủ động, song người đã được tiêm vaccine COVID-19, đặc biệt là những người mới chỉ được tiêm 1 mũi vaccine vẫn rất cần phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch khác.
Bởi, lý do thứ nhất, vaccine không đem lại sự bảo vệ tức thì. Sau tiêm mũi 1 phải ít nhất 14 ngày sau mới bước đầu có tác dụng và mức bảo vệ sau tiêm mũi 1 chỉ đạt ở mức bảo vệ rất thấp. Sau tiêm mũi thứ 2 từ 1 tháng trở ra thì vaccine mới đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu và hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60%-90% tùy theo loại vaccine.
Lý do thứ 2, vaccine không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ trước việc mang mầm bệnh, điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vaccine có thể không bị mắc bệnh nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác.
"Chính vì vậy dù có được tiêm vaccine, người được tiêm vẫn rất cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh khác, đặc biệt là thực hiện biện pháp 5K để bảo vệ bản thân, gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng" - TS Phạm Quang Thái nhấn mạnh.
Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 7 biến chủng của virus SARS-CoV-2, gồm: B.1.222, B.1.619, D614G, B.1.1.7, B.1.351, A.23.1 và B.1.617.2.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đã xuất hiện thêm biến chủng SARS-CoV-2 mới lai tạo giữa chủng Ấn Độ và Anh. Tức, trên chủng Ấn Độ có những đột biến gene của chủng Anh.
Với mong muốn toàn bộ người dân Việt Nam, đặc biệt là những người lao động nghèo được tiêm vaccine phòng COVID-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Báo Lao Động phát động Chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo”.
Toàn bộ kinh phí ủng hộ chương trình sẽ được chuyển tới Bộ Y tế để mua vaccine, tiêm cho công nhân, người lao động nghèo trên toàn quốc.
Mọi sự giúp đỡ, hỗ trợ chương trình “Triệu liều vaccine cho công nhân nghèo” xin gửi về Quỹ Tấm Lòng Vàng Lao Động bằng một trong các hình thức sau đây:
- Liên hệ trực tiếp Quỹ Tấm lòng Vàng Lao Động:
Số 51 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.39232756 - 024.39232748
Hoặc các Văn phòng đại diện Báo Lao Động trên toàn quốc. - Chuyển tiền qua tài khoản:
• STK 113000000758 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
• STK 0021000303088 tại Vietcombank, chi nhánh Hà Nội.
• STK 12410001122556 tại BIDV, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
• STK 1005755579 tại SHB, chi nhánh Hà Nội.
• Số tài khoản USD 115000196228 tại Vietinbank, chi nhánh Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nội dung chuyển khoản: Hỗ trợ vaccine - Hỗ trợ qua Ví Momo:
- Mở Ví Momo .
- Chọn chương trình “Mỗi ngày một nghìn” .
- Thực hiện theo hướng dẫn.
- Nội dung lời nhắn: Hỗ trợ vaccine. - Hoặc hỗ trợ trực tuyến: bằng cách bấm vào nút ỦNG HỘ NGAY bên dưới.