*12h15:
Ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền Thông thông tin thêm, năng lực tiêm tối đa của Nhà thi đấu Phú Thọ là 1.000 mũi tiêm/giờ, tức là một ngày tiêm được khoảng 8.000 mũi. Trong ngày mai, nếu có sự tăng cường thì có thể sẽ tăng lên.
*12h00:
Ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền Thông, Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục điều hành cuộc họp.
Trước thông tin của báo chí về việc tập trung người đi tiêm tại Nhà thi đấu Phú Thọ, ông Lương cho biết, sáng nay, ông Dương Anh Đức – Trưởng ban chỉ đạo đã trực tiếp đến để kiểm tra tình hình. Giải pháp để “gỡ rối” về việc người đông đúc tại Nhà thi đấu Phú Thọ là nằm ở người dân. Bởi người dân trước khi đi tiêm đều nhận được tin nhắn của ngành Y tế, vì vậy mong người dân sẽ tuân theo những thông báo của ngành Y tế để quá trình tiêm chủng được diễn ra thuận lợi. Hiện tại việc tiêm đã đạt trên 50%, TPHCM tin rằng trong hôm nay và ngày mai sẽ có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Ông Lương cho biết thêm: Theo kế hoạch, chiều nay, Ban chỉ đạo Thành phố về phòng chống dịch COVID-19 sẽ họp và nghe báo cáo tình hình dịch bệnh, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19.6 và tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19.
* 11h55:
Ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền Thông, Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tiếp tục điều hành cuộc họp.
* 11h50:
Giám đốc Sở Y tế TPHCM kết thúc phần thông tin chung sau đó rời phòng họp với lý do bận chuẩn bị cho một cuộc họp tiếp theo. Phóng viên báo chí chưa thể hỏi thêm nhiều vấn đề nóng đang được quan tâm.
* 11h45:
Nhân viên y tế làm liên tục trong vòng 10 tiếng
Giám đốc Sở Y tế thông tin thêm: Tính đến ngày 24.6, đợt tiêm chủng lần thứ 4 của TPHCM có 438.502 người đến tiêm. Số người không được tiêm sau khi khám sàng lọc là 40.412 người bởi nhiều lý do như cao huyết áp, tâm lý… Sau khi tiêm xong, đối tượng này sẽ được sàng lọc thêm một lần nữa. Con số cuối cùng được tiêm đến ngày 24.6 là 404.700 người.
Với tốc độ như hiện tại, TPHCM dự kiến sẽ hoàn thành đợt tiêm chủng theo đúng kế hoạch. Hôm nay (25.6), TPHCM tăng công suất lên tối đa để hoàn thành. Trong hôm qua, nhân viên y tế làm đến 21h30 (làm liên tục trong vòng 10 tiếng) và thành phố sắp đạt được kỳ vọng trong đợt tiêm lần này. Đợt tiêm chủng lần này, TPHCM chỉ chuẩn bị trong 2 ngày và tiêm trong 5 ngày. Hiện tại, rất vui mừng vì các ban ngành đoàn thể, người dân đã có sự phối hợp để đảm bảo tiêm vaccine.
Ông Bỉnh nhấn mạnh thêm, ngoài việc thuốc bảo quản cho kỹ, đúng tiêu chuẩn, tiêm đúng kỹ thuật thì cần phải chuẩn bị tốt đội ngũ, vật tư tiêm chủng, cẩn thận trong bước khám tầm soát, theo dõi sau tiêm. Việc theo dõi sau tiêm khi về nhà cũng cần được quan tâm để có thể xử lý kịp thời những biến chứng có thể xảy ra.
Theo số liệu, hiện có 1.109 trường hợp có phản ứng phụ nặng sau tiêm. Trong đó, 73 trường hợp có phản ứng phản vệ sau tiêm, 20 trường hợp độ 1; 26 trường hợp độ 2; 15 độ 3; 2 độ 4 và 10 trường hợp khác. Ông Bỉnh cho biết, phản ứng phụ thì bất cứ thuốc nào cũng đều có cả, quan trọng ở quá trình theo dõi và xử lý thông tin.
Giám đốc Sở Y tế đánh giá, có thể thấy, chủng virus mới lây lan rất nhanh. Chính vì vậy, không còn cách nào khác, chúng ta phải tiêm vaccine ngay lập tức. Cùng với đó là thực hiện 5K, truy vết nhanh, xét nghiệm nhanh…
TPHCM luôn có kế hoạch đi trước, khi có 1.000 ca thì lên kế hoạch trường hợp thành phố có 2.000 ca, còn khi thành phố có 5.000 ca thì cần lên kế hoạch nếu thành phố có 10.000 ca. Chúng ta cần đi trước để đảm bảo trong mọi tình huống. Chúng ta học tập kinh nghiệm của các vùng khác và của nước ngoài để có những phương án phòng chống dịch.
* 11h15:
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM - thông tin: TPHCM khởi động chiến dịch từ ngày 19.6. Ngày hôm đó chỉ tiêm khoảng 877 người tại Khu công nghệ cao Quang Trung. Ngày thứ 2 (ngày 20.6), bắt đầu tiêm tại Khu công nghiệp. Do phải thiết lập các khu vực tiêm mới nên chỉ tiêm được 5.700 người. Được sự chỉ đạo của UBND TP, các quận huyện thực hiện tiêm phải đảm bảo giãn cách. Đặc biệt phải đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, đội cấp cứu luôn túc trực để đảm bảo an toàn, hỗ trợ ngay khi có tình huống. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị mất 2 ngày. Chiều thứ 2, TPHCM bắt đầu tiêm đại trà. Tuy nhiên, những ngày đầu còn rất nhiều những thiếu sót, sự phối hợp giữa đơn vị được tiêm và người đến tiêm, đảm bảo an ninh trật tự còn mất nhiều thời gian.
Ngày 22.6, số lượng được tiêm tăng 95.000. Ngày 23.6, số lượng được tiêm tăng tăng lên 122.000. Ngày 24.6, Bộ Y tế hỗ trợ TP 200 bác sĩ tham gia khám sàng lọc và cấp cứu. TP thêm 290 đội tiêm nên số lượng được tiêm tăng lên lên 172.000.* 11h10:
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TPHCM và ông Từ Lương - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì họp báo.
Hôm nay, TPHCM sẽ bước vào ngày thứ 5 chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19. Theo mong muốn ban đầu, TPHCM kỳ vọng sẽ hoàn tất việc tiêm hơn 800.000 liều trong 5 -7 ngày. Thế nhưng, kế hoạch này khó hoàn thành được.
Cùng với đó, nhiều vấn đề phát sinh cũng cần được TPHCM có những điều chỉnh như: Chiều 22.6, ông V.H.M - nhân viên thuộc phòng khai thác hàng xuất của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất - được tiêm 2 mũi vaccine liên tiếp trong 30 phút.
Trong ngày 24.6, khoảng 9.200 người là lao động, công nhân viên chức... của thành phố đã đến Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11) để tiêm vaccine COVID-19. Do lượng người quá đông khiến lối vào khu vực tiêm chật kín người.
Ngoài ra, theo báo cáo nhanh, TPHCM đang chậm triển khai tiêm vaccine hơn so với kế hoạch. Lo lắng trước tiến độ tiêm vaccine tại TPHCM, sáng 23.6, Bộ Y tế có công văn đề nghị lãnh đạo TPHCM khẩn trương triển khai tiêm chủng ngay số vaccine được cấp.
Bộ cho rằng, TPHCM tiếp nhận hơn 870.000 liều vaccine COVID-19 (bao gồm cả số vaccine đợt 3), song theo báo cáo nhanh đến 22.6 mới tiêm được hơn 50.000 liều (khoảng 69% số vaccine được phân bổ đợt 3 và 6% số vaccine được phân bổ của cả 2 đợt). Theo Bộ Y tế, TPHCM cần đẩy nhanh tiến độ.