Hiến ghép mô tạng: Chính sách và thực tế

Nhóm Phóng viên |

Sáng 19.11, Báo Lao Động phối hợp với Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hiến ghép mô/tạng: Chính sách và Thực tế”.

Hiện trong ngành ghép tạng vẫn chủ yếu dựa vào BHYT và hướng tới tính nhân văn, nhưng về cơ chế thanh toán cho nhân viên y tế thực hiện thì còn bất cập, thu không đủ chi do vậy các chuyên gia cho rằng, về lâu dài thì Việt Nam cần có cơ chế tài chính rõ ràng để tạo động lực cho ngành ghép tạng phát triển, giúp cứu sống được nhiều bệnh nhân. Bà nhận định như thế nào về vấn đề này, thưa bà Vũ Thị Minh Hạnh?

Bà Vũ Thị Minh Hạnh: Nếu dưới góc độ các cơ sở cung cấp dịch vụ thì thu đang không đủ chi. Bởi ghép tạng yêu cầu kỹ thuật cao nhưng quy định về mức thù lao phẫu thuật thủ thuật vẫn còn thấp. Dòng ngân sách không đủ mạnh sẽ làm mất đi động lực thực hiện ý nguyện của người trong cuộc. Định mức chi chả bị khống chế vì Bảo hiểm y tế...

Ở Hoa Kỳ có quỹ trang trải cho ứng dụng khoa học kỹ thuật, sau này có thể cả tim nhân tạo vào cơ thể, vận động người hiến, vấn đề ghép, chăm sóc người nhận như thế nào,... Quỹ này sẽ lấy từ ngân sách nhà nước, đã có quy định về đầu tư nguồn lực. Thứ hai là bảo hiểm y tế, nếu cho thêm vào cùng sẽ gộp nhiều loại bệnh cùng nhau gây nguy cơ làm vỡ quỹ.

Người bệnh đã rất nghèo rồi mà tiền chữa trị còn tăng cao sẽ khiến họ "nghèo bền vững".

Tiếp theo là những cá nhân, bạn bè xung quanh có nhu cầu hoàn toàn có thể đóng được. Các doanh nghiệp có thể phát triển các loại thuốc, hưởng lợi từ doanh thu có thể đóng góp vào đây để cung cấp và sử dụng vụ lâu dài.

Ở Việt Nam chúng ta đã có quỹ Ngày mai tươi sáng hay quỹ phòng chống COVID-19. Lĩnh vực khác có quỹ phòng chống thiên tai. Có quỹ thì đồng nghĩa với việc quản lý phải minh bạch rõ ràng. Vì thế nên khi đưa vào trong luật thì hoàn toàn có thể giải quyết được về vấn đề này.

Thưa ông Nguyễn Hoàng Phúc, trước những khó khăn hiện nay, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia đã có những định hướng, chiến lược gì nhằm mở ra những hướng đi mới cho các chính sách, các quy định để thúc đẩy việc hiến ghép mô tạng đạt được những kết quả tốt hơn, mang lại giá trị mới cho nền y học nước nhà và chăm sóc tốt hơn cho người bệnh cũng như gia đình và bản thân những người hiến tặng mô/ tạng?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc:  Chính sách pháp luật là nền tảng, hành lang pháp lý thúc đẩy hoạt động hiến ghép tạng. Đã đến lúc chúng ta phải điều chỉnh, khắc phục những nội dung bất cập, kiến nghị sửa đổi bổ sung những chính sách mới.

Trong luật cần bổ sung nhiều nội dung, trong đó xác định rõ tạng hiến là tài sản quốc gia chứ không thuộc về bất cứ cá nhân nào.

Hai là liên quan đến chẩn đoán chết não, mọi cơ sở y tế từ tuyến tỉnh trước khi cho bệnh nhân xuất viện cần chẩn đoán chết não. Trường hợp chưa chết não sẽ tận tình cứu chữa đến cùng. Trường hợp chết não không thể cứu chữa được nữa sẽ tiến hành thuyết phục hiến tạng, tăng nguồn tạng được hiến ghép. Đồng thời tổ chức đội lấy tạng di động, với sự góp sức của nhiều chuyên gia. Ê kíp sẽ đến tận nơi để thực hiện lấy tạng hiến ghép.

Một điều cần lưu ý, mọi trường hợp hiến tạng cần có tên trong danh sách điều phối hiến ghép tạng quốc gia. Và bảo hiểm y tế cũng cần vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn đối với những bệnh nhân ghép tạng.

Về hình thức đăng ký hiến tạng cũng cần điều chỉnh. Hiện nay, hầu hết công dân 18 tuổi đều được thi bằng lái xe maý. Vậy tại sao chúng ta không tích hợp biểu tượng đồng ý hiến tạng trong bằng lái xe máy. Bởi nếu chẳng may có tai nạn xảy đến, chúng ta không chỉ nhanh chóng cứu sống bệnh nhân hoặc trường hợp xấu, có thể lấy tạng hiến ghép theo tâm nguyện

Việc người cho chết não hiến tạng quá ít có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên, rào cản đến từ quy định của pháp luật có không ít. Đơn cử như luật quy định người cho chết não vừa phải có thẻ hiến tạng lại vừa phải có sự đồng ý của gia đình. Rất nhiều trường hợp dù người chết não có thẻ hiến tạng nhưng gia đình không đồng ý, các bác sỹ đành bất lực. Vậy nên chăng có sự thay đổi nào đó trong vấn đề này, thưa bà Vũ Thị Minh Hạnh?

Bà Vũ Thị Minh Hạnh: Điều này bắt nguồn từ quy định người hiến tạng đủ 18 tuổi, đã trưởng thành và chịu trách nghiệm trước mọi hành vi của mình. Theo tôi nên bỏ quy định này, giống như di chúc vậy, bố mẹ muốn để tài sản cho ai thì cũng không thể thay đổi. Hiến tạng cũng thế, tạng là tài sản riêng của con người nên quyền quyết định thuộc về họ.

Phía người thân thì trong quy định vẫn thiên về duy tình hơn là duy lý. Phần lớn vẫn mong muốn người mất an yên, không có nhiều biến động sau khi lìa trần nên duy tình vẫn có sức nặng hơn.

Một câu hỏi nữa của độc giả, xin được gửi tới ông Nguyễn Hoàng Phúc: Thưa ông, tôi đọc trên báo thấy rất nhiều trường hợp được cứu sống nhờ hiến ghép tạng. Tôi cũng rất muốn được đăng ký hiến tạng khi chết, để giúp cứu sống mọi người nếu có thể. Nhưng bố mẹ tôi, gia đình tôi và cả làng quê của tôi hiện nay vẫn luôn nghĩ là chết phải toàn thây. Tôi muốn biết các quy định pháp luật mà tôi có thể hiến tặng các bộ phận thân thể khi tôi chết đi mà không cần có sự đồng ý của người thân?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc:  Suy nghĩ của bạn đọc là suy nghĩ mà rất nhiều người gặp phải. Thực tế trong mẫu đơn đăng ký hiến tạng, hoàn toàn không có nội dung yêu cầu xác nhận người thân đồng ý. Điều đó có nghĩa khi bạn đủ 18 tuổi, bạn hoàn toàn được quyền quyết định việc hiến ghép tạng của bản thân. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn khuyến cáo mọi người nên chia sẻ tâm nguyện với gia đình. Bởi không may có những rủi ro xảy đến hoặc gia đình phản đối sẽ gây ra nhiều khó khăn.

Hiến tạng là một việc làm vô cùng ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc, giúp cứu sống được nhiều người.

Có độc giả muốn gửi câu hỏi tới bà Vũ Thị Minh Hạnh: Thưa bà, con tôi 13 tuổi, cháu bị ung thư xương. Cháu nhiều lần tâm sự với tôi rằng nếu cháu mất đi, cháu muốn được hiến tặng các bộ phận cơ thể còn tốt, để cứu sống các bạn khác. Vậy mong muốn của cháu có thể được thực hiện hay không? Chúng tôi phải làm gì để có thể đáp ứng nguyện vọng của cháu mà không vi phạm pháp luật?

Bà Vũ Thị Minh Hạnh:  Trường hợp này giống với bé Hải An. Nếu bé Hải An là hiến mô thì trường hợp này là hiến tạng. Hiện nay có 2 vướng mắc quy định pháp luật. Chúng ta đang theo chủ động đồng ý, cứ chết não mà có thẻ hiến mới được đồng ý lấy tạng. Cụ thể là trong Điều 3 đã quy định quyền của người cho tạng. Sửa luật, văn bản hướng dẫn dưới luật là cần thiết. Thứ nhất là có suy đoán đồng ý, thứ hai là học theo các nước là uỷ quyền hợp lệ. Cụ thể là khi người muốn hiến mất đi thì có thể uỷ quyền cho cha mẹ để có thể hợp thức về tâm nguyện của cháu.

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Chúng ta cần điều chỉnh các quy định về hiến tạng với một số nội dung không còn thích hợp trong tình hình hiện nay. Hiện xu hướng thay đổi theo hướng, người chết não chưa có thẻ đăng ký nhưng người thân có họ xác quyết đồng ý hiến tạng, chúng ta sẽ tiếp nhận hiến tạng. Đây là điểm mấu chốt cần được hướng tới và trình lên Quốc hội.

Tôi hi vọng trong bối cảnh hiện nay, chúng ta có thể thúc đẩy xây dựng luật nhanh hơn để sớm đề xuất lên Quốc hội. Chúng tôi hy vọng với sự nhiệt huyết của Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia, sự vào cuộc của nhiều ban ngành, của các cơ quan chức năng, Luật sẽ sớm được sửa đổi và sớm đi vào thực tế.

Thưa ông Nguyễn Hoàng Phúc, trong chính sách, quy định pháp luật về hiến ghép mô tạng, xin ông điểm lại những điểm tích cực, cũng như cho biết có những điểm nào còn bất cập so với thực tế, gây khó khăn cho công tác vận động hiến tạng của Trung tâm?

 
Ông Nguyễn Hoàng Phúc:. Ảnh: Tô Thế

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Tôi nghĩ về tổng thể, chúng ta có thể tự hào vì có bệ phóng chính sách pháp luật đồng bộ, hiệu quả để hiến ghép mô tạng trong thời gian qua. Có nhiều bộ luật liên quan đến hiến ghép tạng, tạo nền tảng trong việc triển khai hiến ghép mô tạng ở nước ta.

Và đến thời điểm này, chúng ta đã và đang hướng tới việc hiến ghép 1000 ca/năm.Việc vận động hiến tạng từ người chết/chết não sẽ tạo ra cơ hội để cứu sống thêm nhiều bệnh nhân. Hiện nay, Đảng và Nhà nước đã có những chế độ tôn vinh người hiến tạng bằng cách trao tặng thẻ bảo hiểm y tế, truy tặng kỉ niệm chương cho những người hiến tạng,… Đây được xem là những chính sách vô cùng tích cực.

Việc thành lập Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia giúp thúc đẩy dòng chảy hiến tạng đầy ý nghĩa và nhân văn ở Việt Nam. Đồng thời, nhiều chính sách pháp luật ban hành giúp nhiều người dân biết đến và có cơ hội thể hiện tâm nguyện hiến ghép mô tạng. Chúng ta còn có thể điều phối ghép tạng xuyên Việt, ghép tạng ở nhiều bệnh viện cùng lúc… có thể thấy, không chỉ dừng lại ở mặt chuyên môn, mặt tổ chức điều phối của chúng ta thực sự rất hiệu quả.

Chúng ta cần điều chỉnh quy định về độ tuổi của người chết não, nếu có tâm nguyện hiến tạng, mà không có thẻ, tuy nhiên vẫn được gia đình chấp thuận sẽ tiến hành hiến tạng. Với hành vi mua bán tạng cần được xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Có nên bỏ độ tuổi tối đa được phép hiến tạng mà thay vào đó là quy định nếu bệnh nhân có mong muốn và người nhà đồng ý thì chúng ta được phép tiến hành ghép tạng. Theo ông, độ tuổi được phép hiến từ người cho sống với người có cùng huyết thống và không cùng huyết thống cần quy định như thế nào, để có thể hạn chế vấn đề thương mại hoá trong công tác ghép tạng?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Chúng tôi hoàn toàn đồng ý quan điểm chúng ta không nên giới hạn độ tuổi tối đa của người hiến tạng sống và không giới hạn độ tuổi tối thiểu đối với người cho chết não.

Hiện nay, chúng ta quy định là 60 tuổi là người hiến sống có thể hiến tạng được nhưng trên thực tế có những người mới 50 tuổi nhưng không thể hiến tạng được, nhưng cũng có những người trên 60 tuổi sức khỏe tốt và có thể hiến tạng cho người thân.

Tương tự như vậy, đối với người hiến tạng khi còn sống thì  phải nâng độ tuổi tối thiểu lên. Thực ra, ngành y tế không khuyến khích hiến tạng khi còn sống, trừ người cùng huyết thống. Còn lại chúng ta hướng tới nguồn tạng từ người cho chết não là tốt đẹp nhất. Nhưng nếu như, trường hợp hiến sống xảy ra, thì nên điều chỉnh lại từ độ tuổi 30-35 trở lên, vì đó là độ tuổi những người đã trưởng thành, có gia đình, ổn định cuộc sống, nhận thức tâm sinh lý tốt. Độ tuổi đó hạn chế tối đa việc mua bán tạng trái phép xảy ra.

Thời gian qua, cơ quan công an phát hiện những trường hợp mua bán tạng thì phần lớn họ đều rất trẻ, hoàn cảnh khó khăn, họ nghĩ rằng có thể thay đổi cuộc sống bằng cách buôn bán tạng. Vì thế, bằng cách nâng độ tuổi hiến tạng của người cho sống, chúng ta sẽ hạn chế được nguy cơ buôn bán tạng. Đối với người hiến cùng huyết thống thì nên giữ như quy định hiện tại. Vì chúng tôi đã gặp trường hợp con sẵn sàng hiến gan cho bố khi bố bị suy gan cấp, đối mặt nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào, không có nguồn tạng hiến từ người chết não. Nhưng rất tiếc là thời điểm đó người con chưa đủ 18 tuổi. Còn có 4- 5 tháng mới đủ tuổi hiến tạng. Câu chuyện đó đặt ra thách thức lớn với cán bộ y tế về chuyện lấy tạng hay không, nhận hay không nhận. Nếu không lấy gan của người con hiến thì bố có nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào, nhưng nếu như lấy thì vi phạm pháp luật.

Các bác sĩ cũng chia sẻ với chúng tôi, và chúng tôi cũng nói rằng luật pháp quy định là có lý do. Việc đầu tiên phải hiểu và tuân thủ pháp luật. Một ca mổ diễn ra có nhiều biến chứng, có thể nguy hiểm cho người con.

Cuối cùng chúng tôi không đồng ý tiếp nhận tạng hiến từ người con. Chúng ta có thể mở rộng độ tuổi với người hiến sống, còn đối với người hiến tạng sau khi chết/chết não, thì chúng ta không nên giới hạn độ tuổi, tăng khả năng cứu sống cho nhiều bệnh nhân. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay

Bà Vũ Thị Minh Hạnh: Tôi cũng đồng quan điểm như vậy. Trên thế giới và ở Việt Nam cũng vậy, đều khuyến khích sử dụng nguồn mô tạng từ người cho chết não, để có thể cứu sống người bệnh nhưng lại không chuyển gánh nặng bệnh tật từ người bệnh đến người sống hiến tạng. Để làm được điều đó thì các chính sách quy định cũng cần chỉnh sửa.

Trên thế giới hiện có 2 hệ thống pháp lý, một hệ thống là suy đoán đồng ý và một hệ thống là chủ động đồng ý và Việt Nam đang theo chủ động đồng ý. Có nghĩa là tôi có thẻ đăng ký hiến tạng thì khi tôi chết/chết não thì nghiễm nhiên là tạng của tôi có thể được lấy. Nhưng có quốc gia lại quan điểm rằng trong lịch sử tôi không phản đối việc hiến tạng, và gia đình tôi phản ánh là tôi chưa đăng ký nhưng lại có nguyện vọng hiến thì tạng vẫn được lấy. Đó là suy đoán đồng ý. Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta khó khăn về nguồn tạng hiến, lại đang sự chuyển đổi về nhận thức, hành vi thì chúng ta nên tiếp cận cả 2 phương thức tiếp cận như vậy.

Về độ tuổi phải phụ thuộc vào Hội đồng chuyên môn, đánh giá chất lượng về tạng của người chết não thì sẽ phù hợp hơn là quy định tuổi nào phù hợp. Có khi tuổi trẻ nhưng tạng lại không tốt bằng tạng của người hiến 60- 70 tuổi. Vì vậy phải giao trách nhiệm về hội đồng chuyên môn, để họ thẩm định chất lượng của tạng hiến, không nên khóa độ tuổi để hạn chế đối với người hiến cùng huyết thống. Còn đối với người hiến không cùng huyết thống thì nên hạn chế độ tuổi.

Thưa bà Vũ Thị Minh Hạnh, bà đánh giá như thế nào về sự phát triển của ngành hiến ghép mô tạng ở Việt Nam. So với trước kia thì nhận thức của người dân Việt Nam trong lĩnh vực này đã có những biến chuyển gì?

Bà Vũ Thị Minh Hạnh: 

Tôi may mắn khi vào những năm đầu những năm 2000 tham gia xây dựng Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Năm 2006 luật được ban hành, đến 1.7.2007 thì có hiệu lực. Đến nay đã 14 năm, từ chỗ vẫn còn khá xa lạ đã dần thay đổi. Trong một khảo sát của chúng tôi trước đây có khoảng 60% nhân viên y tế biết đến Luật này, cộng đồng cũng chỉ hiểu sơ lược về hiến ghép mô tạng. Nhưng đến nay, đây lại là chủ đề được đông đảo người dân quan tâm và toạ đàm hôm nay cũng minh chứng rõ ràng cho điều này.

Tháng 6 năm 1992, từ ca ghép thận đầu tiên ở Học viện quân y thì đến nay đã có 21 cơ sở y tế thực hiện được kỹ thuật ghép thận. Có những địa bàn chỉ là bệnh viện đa khoa tỉnh ở miền núi trung du như ở Phú Thọ, hay miền Tây như Kiên Giang cũng đã ghép được từ lâu, thể hiện kỹ thuật ngày càng phát triển.

Trên thế giới từ năm 1981 phát triển được kỹ thuật ghép tim, Việt Nam thì đến năm 1992 chúng ta cũng đã thực hiện được những ca ghép bộ phận phức tạp, đến nay chúng ta còn có thể ghép chi với 2 ca.

Một bằng chứng nữa là từ năm 1992 đến giờ đã ghép được hơn 6.000 ca ghép tạng. Đáng lưu ý là 20 năm đầu chúng ta chỉ ghép được gần 600 ca. Còn lại hơn 5.000 ca là trong một thập kỷ gần đây. Đây là một bước tiền nhảy vọt về thành quả.

Trước đây cơ sở nào ghép thì tự tìm nguồn. Nhưng từ khi luật đi vào thực tế và năm 2014 chính thức vận hành Trung tâm điều phối Ghép tạng quốc gia. Như vậy, chúng ta đã có sự điều phối, trung tâm cũng truyền thông hết sức tích cực. Lần đầu tiên trong lịch sử ghép tạng của chúng ta từ năm 1992, mới có sự điều phối linh hoạt khi có ca di chuyển tạng từ Việt Đức vào Chợ Rẫy. Vì tính chất của ghép tạng, đòi hỏi thời gian lấy tạng, ghép tạng, đều phải chạy đua với thời gian, với sự phối hợp của nhiều lực lượng. Việc này đòi hỏi sự phối hợp liên ngành, hết sức nhuần nhuyễn và chuyên nghiệp.

Về phía cơ sở y tế, rất nhiều bệnh viện chưa được như mong đợi trong hỗ trợ chính sách và tài chính nhưng những cơ sở y tế kỹ thuật cao lại coi rằng đây là khẳng định vị thế y học Việt Nam. Nhiều vùng miền dù cơ sở y tế khó khăn nhưng cũng mạnh dạn trong cuộc chạy đua này.

Với những nhân viên y tế không triển khai được kỹ thuật ghép tạng cũng đã có sự thay đổi. Họ vẫn có thể tư vấn cho người bệnh, gia đình người bệnh, chuyển tiếp lên những đơn vị có khả năng. Với gia đình người bệnh thì luôn nghĩ rằng còn nước còn tát, vì thế khi kĩ thuật này phát triển, họ cũng có thêm nhiều hy vọng sống, tiết kiệm giành giụm để cứu người.

Đặc biệt trong cộng đồng, chỉ trong vòng 6 năm mà từ 265 người đăng ký, nay đã tăng lên 45.341 người đăng ký hiến tạng. Đây là sự phát triển vượt bậc. Coi đây là hành động thể hiện tính nhân văn nhân bản, trao tặng cho nhau sự sống. Và có quan niệm như Bé Hải An đã nói với mẹ rằng: Người được cho hạnh phúc hơn người được nhận. Nhiều gia đình đã thay đổi quan niệm khi mà người thân của mình mất đi rồi, khi hiến tạng thì phần tạng hiến được sống trên cơ thể người khác là một sự hiện diện sự sống của người thân. Đây là những thay đổi rất nhân văn. Với những thay đổi này, nếu có chính sách, cơ chế phù hợp thì có thể khuyến khích các nguồn hiến tạng trong cộng đồng, khuyến khích các nhà khoa học, các cơ sở y tế đầu tư nghiên cứu, trang thiết bị cũng như tay nghề để cứu những người có nhu cầu.

Ở Mỹ thống kê có 19 người chết một ngày hay ở Anh là 14 khi không có đủ tạng để hiến thay thế. Hiện nay bệnh tai biến xuất hiện nhiều như vậy thì xu thế nhu cầu hiến ghép sẽ ngày càng tăng.

Để thích ứng với sự phát triển của lĩnh vực hiến ghép mô tạng ở Việt Nam, hẳn là cũng đã có rất nhiều lần thay đổi, cập nhật, đổi mới các quy định, chính sách liên quan đến vấn đề này. Xin bà chia sẻ những thay đổi, cập nhật đó với độc giả của báo Lao Động.  

Bà Vũ Thị Minh Hạnh: Thay đổi đầu tiên là lần đầu tiên chúng ta có hẳn bộ luật được ban hành, là văn bản có tính pháp lý cao nhất. Những điều chỉnh từ Luật năm 2006 trước đó cũng khá đầy đủ. Điều cần hiện nay chỉ là bổ sung thêm để phù hợp với bối cảnh đã thay đổi hiện nay.

Luật quy định về tất cả vấn đề liên quan, từ công tác truyền thông vận động đến tôn vinh người hiến, hay kỹ thuật lấy và bảo quản tạng… Nghị định năm 2008 và 2016 cũng đã có thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh thực tế.

Về quy định đăng ký hiến tạng thì ngày càng mở rộng, ngoài cơ sở y tế còn có Hội chữ thập đỏ. Bất cứ khi nào người dân có nhu cầu là có thể đến đăng ký hiến tạng… Quy định cụ thể về quy trình ghép tạng, chính sách đối với người hiến tạng cũng như người nhận, vấn đề khám sức khỏe định kỳ cho người hiến, phương tiện đi lại, tiền ăn ở... càng ngày càng tạo điều kiện, nâng đỡ, khích lệ về thay đổi nhận thức của người dân.

 
Bà Vũ Thị Minh Hạnh- Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế. Ảnh Tô Thế

Trước kia thì những thông tin ghép thận, ghép gan, ghép tim, ghép phổi… là cái gì đó rất cao siêu, nhiều người Việt Nam thậm chí không tưởng tượng được chuyện đó diễn ra ở Việt Nam, các ca ghép được thực hiện bởi tay các bác sĩ Việt Nam. Vậy thì trong nhiều năm qua, kỹ thuật ghép mô tạng đã được chú trọng phát triển như thế nào? Ông nhận sự thay đổi ngay từ các cơ sở y tế ra sao? Thưa ông Nguyễn Hoàng Phúc. 

Ông Nguyễn Hoàng Phúc: Trong thời gian qua, có rất nhiều thông tin về hiến ghép tạng, điều này thể hiện năng lực kĩ thuật y học của chúng ta rất thành công. Nếu không có những chính sách đồng bộ thì sẽ rất khó đạt được kết quả tốt như vậy. Không chỉ nhờ kĩ thuật hiến ghép tạng từ y học, nhận thức của cộng đồng cũng tăng lên rất nhiều.

Trước đây nếu nói đến ghép tim, nhiều người thường tỏ ra sợ hãi, tuy nhiên số lượng ca ghép tim là 54 ca tính đến ngày 30.9.2021, có nghĩa hơn 50 người đó đã sẵn sàng thay đổi cuộc sống của mình. Chúng tôi từng gặp, từng tiếp xúc một bệnh nhân sau khi tỉnh lại thì trước đó đã viết di chúc rồi nhưng khi được ghép tạng, tỉnh lại thì bệnh nhân đó bảo đó là sự kì diệu của khoa học kĩ thuật. Nếu chúng ta hiểu ghép tạng là cứu cánh tuyệt đối cho những bệnh nhân suy tạng, sẽ không còn lo lắng có ghép hay không nữa. Tới đây chúng tôi phải làm tiếp, làm hiệu quả hơn nhiệm vụ tuyên truyền, vận động.

Sự thay đổi nhận thức của người hiến tạng. Đó là sự thay đổi đặc biệt. Bằng sự hiểu biết, cảm nhận khi người thân họ ra đi thì sự sống vẫn còn ở lại. Người thân tiếp tục sống ở một khía cạnh khác. Chính vì thế, việc vận động hiến tạng từ người cho chết não mới diễn ra. Đối diện khoảnh khắc phải quyết định có đồng ý hiến tạng người thân của mình hay không. Họ cũng đã quyết định việc đó. Họ yêu thương người dân của họ hơn bất kì ai khác. Đây là các cách thể hiện giá trị nhân văn đặc biệt.

Tuy nhiên, nhiều gia đình chưa tiếp cận đủ thông tin để tin tưởng vào bàn tay vàng của các bác sĩ, khiến người thân của họ ra đi trong đáng tiếc.

Thưa ông Nguyễn Hoàng Phúc, trong những năm qua, ngành ghép tạng Việt Nam đã đạt được những kết quả gì? Sự phát triển của kỹ thuật ghép tạng đã góp phần thay đổi, nâng tầm y khoa Việt Nam ra sao?

Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Ghép tạng Quốc gia: Trước hết, tôi xin cảm ơn báo Lao Động trong việc tuyên truyền hiến ghép tạng, tạo ra sự lan toả to lớn trong cộng đồng xã hội.

 
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Ghép tạng Quốc gia. Ảnh Tô Thế

Mặc dù xuất phát điểm Việt Nam thấp hơn thế giới từ ca ghép tạng đầu tiên, tuy nhiên hiện nay Việt Nam đã làm chủ nhiều ca ghép tạng khó, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Ngoài ghép tạng, Việt Nam làm chủ được ghép tim, phổi, chi. Tất cả kĩ thuật đó đều được các bác sĩ Việt Nam làm chủ, giúp nhiều bệnh nhân được cứu sống.

Có nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Điển hình một bệnh nhân trẻ suy tim, chỉ còn cách ghép tim, những ngày cuối được điều trị trong bệnh viện. Sau đó, chúng tôi nhận được 1 ca chết não trong bệnh viện Việt Đức. Chúng tôi đã cố gắng tiếp cận thuyết phục nhưng không thành công. Cuối cùng người chết não ra đi và cậu bé cũng không có cơ hội sống sót.

Về số liệu người đăng ký hiến ghép mô tạng, năm 2013 cả nước hầu như không có một người nào đăng ký. Đến năm 2014, sau khi trung tâm thành lập, đã có 265 người đăng ký trong cả nước. Tuy nhiên sau 6 năm, với công tác tuyên truyền vận động,  đã có tới 45.341 người sở hữu tấm thẻ đăng ký.

Việc này tuy còn mới ở Việt Nam, tuy nhiên chúng ta đã chạm đến những con số ấn tượng. Đó là sự lan toả, truyền thông mạnh mẽ đến từ các cơ quan báo chí.

Mặc dù so với tổng số người dân Việt Nam, con số đó không đáng là bao, nhưng đó là sự khởi động, khởi đầu tốt đẹp.

 

Hiến ghép mô tạng đã trở thành một khái niệm khá gần gũi với chúng ta. Tại Việt Nam, số người chờ ghép tạng luôn rất cao, nhiều người không chờ được nguồn tạng hiến và đã phải chấm dứt sự sống khi tuổi đời còn rất trẻ; nhiều người suy tạng khác lại phải chung sống với bệnh tật một cách nhọc nhằn, chật vật bởi không có nguồn tạng thay thế.

Lý do chính là bởi số lượng người hiến tặng mô/ tạng còn rất thấp. Nguyên nhân của bất cập này một phần do quan niệm về cái chết của nhiều người Việt Nam còn bó hẹp trong sự cổ hủ; một phần do thiếu nguồn lực nhưng có một phần rất quan trọng là do các chính sách pháp luật còn có nhiều sự bất cập. Luật về Hiến ghép mô/tạng ra đời từ năm 2006 đến nay vẫn chưa được sửa đổi. Điều đó đã bộc lộ những mặt hạn chế và dẫn tới việc tạo ra những rào cản trong công tác vận động hiến tặng mô/tạng.

 
Toạ đàm trực tuyến với chủ đề: “Hiến ghép mô/tạng: Chính sách và Thực tế”

Để tìm hiểu rõ hơn những chính sách liên quan đến vấn đề hiến tặng mô/tạng tại Việt Nam và những thực tế hiện nay để góp phần vào tìm ra những nút thắt liên quan đến vấn đề này và đề xuất ra những giải pháp tháo gỡ, báo Lao Động phối hợp với Trung tâm Điều phối tạng quốc gia, Bộ Y tế tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hiến ghép mô/tạng: Chính sách và Thực tế”.

Buổi tọa đàm trực tuyến có sự tham gia của:

* Bà Vũ Thị Minh Hạnh- Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế

* Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm điều phối Ghép tạng Quốc gia

Trong chương trình hôm nay chúng ta đã hiểu hơn về những quy định, pháp luật trong lĩnh vực hiến ghép mô tạng. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn các vị khách mời đã đến tham dự chương trình. Chúng tôi hy vọng rằng những họat động, những nỗ lực không biết mệt mỏi của CBNV Trung tâm sẽ tiếp tục mang lại những thành quả tốt đẹp, cứu chữa cho nhiều hơn những những bệnh nhân có bệnh hiểm nghèo cần ghép mô/tạng. Qua đây chúng tôi cũng kêu gọi cộng đồng rằng “Một sự sống cho đi, một cuộc đời ở lại”. Bằng việc tình nguyện đăng ký hiến tặng mô/tạng khi chết, chết não, chúng ta sẽ giúp ích cho rất nhiều bệnh nhân mở ra cánh cửa cuộc sống mới.

Nhóm Phóng viên
TIN LIÊN QUAN

Tọa đàm trực tuyến về những bất cập trong chính sách về hiến ghép mô tạng

Thùy Linh |

Sáng mai (19.11), Báo Lao Động phối hợp với Trung tâm Điều phối tạng quốc gia, Bộ Y tế tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hiến ghép mô/tạng: Chính sách và Thực tế”, góp phần vào tìm ra những nút thắt và đề xuất những giải pháp cho các vấn đề liên quan đến hiến ghép mô tạng tại Việt Nam.

LD 21127: Con muốn được hiến tạng trước khi chết mẹ ơi!

Hồng Phúc |

Nhâm lả đi, lịm dần trong vòng tay mẹ, nhưng vẫn cố thều thào: “Mẹ ơi, con muốn được hiến tạng. Con muốn một phần cơ thể của con có thể cứu sống được người khác”.

Chàng trai 34 tuổi ở Yên Bái hiến tạng hồi sinh 4 cuộc đời

Hương Giang |

Tâm nguyện rằng "cho đi là còn mãi", mong muốn con trai mình mất đi nhưng vẫn làm được những điều tốt đẹp cho đời, bà L.T.X, ở Văn Yên, Yên Bái vừa quyết định hiến tạng của con trai để hồi sinh sự sống cho 4 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Phát động cuộc thi viết về hiến ghép mô tạng

Thùy Linh |

Ngày 22.8, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết về đề tài hiến ghép mô/tạng “Trao tặng yêu thương- Nối dài sự sống”.

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Rung lắc thượng tầng tại Eximbank: Thập kỷ rối ren chưa kết thúc

Đức Mạnh |

Cơ cấu thượng tầng tại Ngân hàng Eximbank đã có nhiều biến động mạnh. Cổ đông ngoại gắn bó 16 năm đã chuyển nhà, thế chân bởi nhân tố bí ẩn liên quan đến Tập đoàn Bamboo Capital.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động mất việc

PHƯƠNG NGÂN - CHÂN PHÚC |

TPHCM - Tại LĐLĐ quận Bình Thạnh, sáng ngày 17.1, ông Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đến thăm, động viên và trao quà Tết cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc trên địa bàn. Đồng thời, ông Trần Thanh Hải cũng đã thông tin một số giải pháp nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc, giảm việc.

Tọa đàm trực tuyến về những bất cập trong chính sách về hiến ghép mô tạng

Thùy Linh |

Sáng mai (19.11), Báo Lao Động phối hợp với Trung tâm Điều phối tạng quốc gia, Bộ Y tế tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Hiến ghép mô/tạng: Chính sách và Thực tế”, góp phần vào tìm ra những nút thắt và đề xuất những giải pháp cho các vấn đề liên quan đến hiến ghép mô tạng tại Việt Nam.

LD 21127: Con muốn được hiến tạng trước khi chết mẹ ơi!

Hồng Phúc |

Nhâm lả đi, lịm dần trong vòng tay mẹ, nhưng vẫn cố thều thào: “Mẹ ơi, con muốn được hiến tạng. Con muốn một phần cơ thể của con có thể cứu sống được người khác”.

Chàng trai 34 tuổi ở Yên Bái hiến tạng hồi sinh 4 cuộc đời

Hương Giang |

Tâm nguyện rằng "cho đi là còn mãi", mong muốn con trai mình mất đi nhưng vẫn làm được những điều tốt đẹp cho đời, bà L.T.X, ở Văn Yên, Yên Bái vừa quyết định hiến tạng của con trai để hồi sinh sự sống cho 4 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Phát động cuộc thi viết về hiến ghép mô tạng

Thùy Linh |

Ngày 22.8, Trung tâm điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết về đề tài hiến ghép mô/tạng “Trao tặng yêu thương- Nối dài sự sống”.