Niềm tin vào bệnh viện mới
Chiều 11.7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP Cần Thơ về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ. Phó Thủ tướng nhấn mạnh chủ trương bằng mọi giá phải gỡ vướng cho dự án này khi nhu cầu khám chữa bệnh tại TP Cần Thơ và ĐBSCL rất lớn.
Về nguồn vốn thực hiện dự án, Cần Thơ phải bảo đảm đủ nguồn vốn đối ứng theo cam kết (còn khoảng 262 tỉ đồng). Trước mắt, thành phố rà soát trong tổng vốn đầu tư Trung ương đã bố trí cho giai đoạn 2021-2025 để kiến nghị điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ, chưa triển khai được (nếu có) sang dự án bệnh viện.
Ngay khi đọc được thông tin trên, nhiều bệnh nhân đang chờ xạ trị tại cơ sở 1 của bệnh viện bày tỏ sự vui mừng. Mặc dù chưa biết thời gian triển khai cụ thể cũng như ngày về đích nhưng tín hiệu này lóe lên tia hy vọng đối với biết bao bệnh nhân mang khối u trong toàn khu vực.
"Chúng tôi có niềm tin bệnh viện sẽ được triển khai, mà sớm được ngày nào thì mừng ngày ấy. Tôi nói điều này không phải cho tôi mà hàng trăm bệnh nhân khác đang mang khối u trong người. Hy vọng Cần Thơ sẽ có một bệnh viện mới khang trang, sạch sẽ và xứng tầm" - ông Võ Văn Lâm (tỉnh Vĩnh Long) cho hay.
Một bệnh nhân khác xúc động chia sẻ: "Với chúng tôi, thời gian sống thật sự rất ngắn ngủi! Ở đây, tôi mừng vì những bệnh nhân sau đỡ cảnh phải xếp hàng hàng tháng chờ xạ trị như tôi".
Giảm lực ở bệnh viện cũ
Hiện nay, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ có 2 cơ sở: Cơ sở 1 ở đường Châu Văn Liêm (phường Tân An, quận Ninh Kiều) và cơ sở 2 ở đường Trần Bình Trọng (phường An Phú, Ninh Kiều); trong đó, công tác tầm soát và điều trị bệnh phụ thuộc vào cơ sở 1.
Nhiều năm nay, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ tiếp nhận số lượng bệnh nhân khám và điều trị lớn (do toàn bộ khu vực miền Tây chỉ có một trung tâm điều trị chất lượng cao tại TP Cần Thơ) đã dẫn tới tình trạng quá tải.
Đó cũng là một trong những lý do mà năm 2017, UBND TP Cần Thơ phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ (quy mô 500 giường), rộng 17 nghìn mét vuông, tổng vốn hơn 1.700 tỉ đồng từ nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hungary và vốn đối ứng của thành phố.
Tuy nhiên, sau 5 năm, dự án này chỉ mới đạt 21% khối lượng thi công do hiệp định vay hết hạn. 2 năm kể từ khi dừng thi công cũng là khoảng thời gian cơ sở 1 của Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ thêm áp lực "gồng gánh" bệnh nhân, các phòng chức năng xuống cấp, nhất là máy xạ trị lạc hậu đã sử dụng khoảng 15 năm.
Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thanh Phong - Trưởng khoa Điều trị tia xạ của bệnh viện - chia sẻ: "Chúng tôi hy vọng sẽ sớm được đầu tư thêm một máy xạ trị gia tốc ở cơ sở cũ, đồng thời bệnh viện mới sớm được triển khai, đáp ứng nhu cầu cho bệnh nhân TP Cần Thơ nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung".
Ông Võ Văn Kha - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ - cho hay, với việc xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 59 ngày 5.8.2020 của Bộ Chính trị, Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ sẽ là một trong những trung tâm y tế chuyên sâu của vùng ĐBSCL. Triển khai thực hiện Nghị quyết, bệnh viện đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân.