Bệnh nhân phân bố tại 415 xã phường thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đống Đa (180), Hai Bà Trưng (130), Thanh Trì (128), Hoàng Mai (108), Hà Đông (103).
Như vậy, cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29.4.2021) là 62.631 ca.
Cũng trong ngày 6,1, Sở Y tế Hà Nội có văn bản gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập; Trung tâm Y tế các quận/huyện/thị xã; Trung tâm cấp cứu 115 về phân luồng tiếp nhận, điều trị F0. Đây là lần điều chỉnh thứ 6 của ngành Y tế Thủ đô liên quan đến vấn đề này.
Theo đó, nguyên tắc đầu tiên của việc phân luồng, quản lý, điều trị F0 là tuỳ theo mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ của người bệnh. Trong lần hướng dẫn này, Hà Nội điều chỉnh khá nhiều về tiêu chí phân tầng so với các lần trước.
Theo chỉ đạo của Sở Y tế, các bệnh viện tầng 3 sẽ tiếp nhận F0 nếu F0 được đánh giá ở nguy cơ rất cao (có tình trạng cấp cứu, SP02 dưới 90%). Cơ sở tiếp nhận bệnh nhân tầng 3 gồm 5 bệnh viện của Hà Nội là Đức Giang, Thanh Nhàn, Hà Đông, Xanh Pôn và Sơn Tây; các bệnh viện Trung ương/bộ/ngành; riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân sản khoa.
Trước đây, bệnh viện tầng 3 ở Hà Nội sẽ tiếp nhận F0 có tuổi từ trên hoặc bằng 65 và chưa tiêm đủ liều vaccine, mắc bệnh lý nền, có tình trạng cấp cứu chuyên khoa.
F0 ở mức độ nguy cơ cao sẽ được xếp vào tầng 2 (như mắc bệnh lý nền có triệu chứng đợt cấp; phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới 42 ngày, trẻ em dưới 3 tháng tuổi và F0 có SP02 từ 90-96%). Các cơ sở tiếp nhận gồm các bệnh viện thuộc tầng 2 (thường là các bệnh viện các quận/huyện và một số bệnh viện thuộc thành phố); riêng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận F0 sản khoa cần can thiệp chuyên khoa.
Trước đây, bệnh viện tầng 2 dành cho trường hợp không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, mức độ trung bình với nguy cơ cao, nay chỉ có trường hợp nguy cơ cao mới vào tầng 2.
F0 có nguy cơ thấp hoặc trung bình sẽ được điều trị ở tầng 1. Cụ thể, nhóm có nguy cơ trung bình gồm: Người từ 65 tuổi trở lên chưa phát hiện bệnh nền hoặc mắc bệnh nền ổn định (nghĩa là không dùng thuốc hoặc uống thuốc theo đơn tại nhà, không có triệu chứng của đợt tiến triển); người từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền và chưa tiêm vaccine; người mắc bệnh nền ổn định; có dấu hiệu như sốt, ho, đau họng, khó thở… và SP02 từ 97% trở lên. Nhóm này sẽ điều trị tại cơ sở thu dung điều trị của thành phố.
Nhóm nguy cơ thấp gồm: Những người từ 50-64 tuổi chưa phát hiện bệnh nền nhưng đã tiêm đủ liều vaccine; người từ 3 tháng tới dưới 49 tuổi không có bệnh lý nền hoặc bệnh nền đã ổn định, chưa tiêm đủ vaccine và SP02 từ 97% trở lên. Nhóm này sẽ điều trị tại cơ sở thu dung của quận/huyện.
Nhóm F0 được quản lý, điều trị tại nhà gồm người từ 3 tháng đến dưới 49 tuổi chưa phát hiện bệnh nền, tiêm đủ vaccine, không mang thai, sức khoẻ chưa có dấu hiệu bất thường và SP02 từ 97% trở lên.
Theo yêu cầu của Sở Y tế, cơ sở điều trị thường xuyên đánh giá diễn biến, mức độ lâm sàng, mức độ nguy cơ và kết quả xét nghiệm F0 để quyết định chuyển tuyến, ra viện, kết thúc cách ly. Bên cạnh đó, sở yêu cầu tập trung điều trị F0 thể nhẹ và không triệu chứng tại cơ sở thu dung điều trị, hạn chế chuyển tầng, chuyển độ.
"Ưu tiên giường bệnh tại bệnh viện để tiếp nhận người bệnh tầng 2, 3" - Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.