2 giả thuyết về "F1 âm tính, F2 dương tính"
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn - Tổ trưởng Tổ thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TPHCM cho biết, hiện tại có một tình huống tương đối phức tạp xảy ra tại TPHCM. Đó là việc các trường hợp F1 sau khi đã xét nghiệm âm tính thì lại phát hiện các trường hợp F2 (liên quan các trường hợp F1) dương tính với SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm PCR.
“Chúng tôi đã cho làm các xét nghiệm kháng thể về SARS-CoV-2 đối với tất cả các nhân viên của công ty bốc xếp có các ca mắc COVID-19. Cho đến tối hôm qua, có thêm 570 xét nghiệm kháng thể đã phát hiện 2 trường hợp có kháng thể với SARS-CoV-2. Hiện đã đề xuất truy vết tất cả đối tượng người nhà liên quan đến các trường hợp này” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, liên quan đến vấn đề này, Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Văn Nên đã đề nghị Bộ Y tế phải nghiên cứu và giải thích được lý do tại sao mà “F1 âm tính mà F2 lại dương tính”.
“Giả thuyết ban đầu, hiện chúng tôi đang xây dựng. Tuy nhiên, có 2 giả thuyết tương đối nổi trội. Cụ thể, F1 qua một thời gian, kháng nguyên dương tính trở thành âm tính và F2 hiện giờ được phát hiện đang trong giai đoạn có kháng nguyên dương tính. Ngoài ra, có thể F1 chính là F0 đầu tiên lây cho bệnh nhân 1979 và sau đó lây cho các trường hợp F2.
Do đó, vấn đề này chỉ có thể truy vết bằng kháng thể. Chúng tôi kỳ vọng với xét nghiệm kháng thể diện rộng ở trong địa bàn TPHCM, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất và các cộng đồng có 25 người mắc COVID-19… thì chúng ta sẽ giải thích được tại sao những trường hợp có thể lây truyền ở trong nội bộ đội bốc xếp sân bay Tân Sơn Nhất và 25 trường hợp ở cộng đồng” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.
Cần thực hiện giám sát diện rộng
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng vẫn còn khả năng F2 lại là F1 của ổ dịch khác mà chưa được phát hiện ra.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Nguyên tắc là chúng ta phải xác định tất cả các nguồn là có khả năng như nhau, không được bỏ sót. Mũi thứ nhất, TPHCM đã thực hiện tốt khi truy từ ổ dịch khu bốc xếp sân bay. Nhưng còn mũi thứ hai, phải xem đánh giá tổng thể trên địa bàn thành phố, liệu có khả năng có một hoặc nhiều ổ dịch khác hay không?”.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, về nguồn lây dịch, có thể là nguồn lây từ nước ngoài vào tại sân bay, nhưng cũng có thể có nguồn lây thứ hai từ việc nhập cảnh trái phép từ đường bộ và đường biển.
Phó Thủ tướng lo ngại: “Đặc biệt, nguồn lây thứ ba có thể vì một sự trùng hợp nào đó mà đã có mầm bệnh khá lâu ở trong TPHCM. Nhưng mà vì một trường hợp may mắn nào đó nó không bùng phát mạnh, vẫn len lỏi ở trong một cộng đồng nhỏ”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chỉ có biện pháp tầm soát, giám sát trọng điểm thì mới phát hiện ra được.
Do đó, cần thực hiện giám sát diện rộng trên địa bàn thành phố. Ngoài việc giám sát tại cơ sở y tế và các bệnh nhân có triệu chứng, TPHCM nên đẩy nhanh hơn tiến độ xác suất ở một số điểm như hàng quán gần bến xe, khu công nhân...