Di sản Việt ở "người nắm giữ sức khoẻ toàn cầu"

Thuỷ Lê |

"Di sản Việt đã mang lại cho tôi một đạo đức làm nghề rất mạnh mẽ, thể hiện ở việc tôi sẽ luôn nỗ lực để đi xa hơn nữa ngay cả khi phải đối mặt với những khó khăn và thất bại" - bà Aurélia Nguyễn, "người nắm giữ sức khoẻ toàn cầu" theo vinh danh của Time, chia sẻ với Lao Động về nguồn gốc Việt và hành trình không thoả hiệp của bà sau một năm ngồi vào "chiếc ghế nóng nhất" trong năm: Giám đốc điều hành COVAX - cơ chế giúp đảm bảo việc tiếp cận vaccine COVID-19 công bằng trên thế giới.

Laura bé nhỏ

"Người phụ nữ quyền lực" sở hữu một vẻ ngoài dường như... không mấy liên quan: Vóc dáng mảnh khảnh, nét mặt hư hao, ánh mắt ấm sáng cùng khoé cười dịu nhẹ. Một tài sản ngoại hình đủ sức thuyết phục người đối diện về sự chân tình ấm áp, triết lý sống đôn hậu thuần khiết, nhưng tuyệt nhiên không hứa hẹn về sức làm việc và khả năng chịu áp lực. Nhưng đó là Aurélia Nguyễn (tên thường gọi là Laura), thật ra chưa bao giờ bé nhỏ, với một hành trình đáng nể cho lý tưởng mà bà đã hơn 20 năm qua nhẫn nại và quyết liệt theo đuổi: Thiết lập sự công bằng cho quyền được chăm sóc y tế, được đảm bảo sức khoẻ, được hỗ trợ bởi vaccine và trên hết là quyền được sống bền vững của những đối tượng yếu thế trong xã hội và trên thế giới.

 

"Trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc điều hành của Cơ chế COVAX, tôi từng có hơn 10 năm đảm nhiệm vị trí tương tự ở GAVI: Giám đốc điều hành vaccine và sự bền vững của GAVI, lãnh đạo toàn bộ công tác thiết lập các chương trình của GAVI. Cùng đội ngũ của mình, tôi chịu trách nhiệm thiết lập các phương cách để các nguồn lực của GAVI hỗ trợ về mặt tài chính cho các chương trình và thị trường vaccine bền vững, và cuối cùng làm gia tăng lượng vaccine cứu sống người.

Với vai trò quan trọng của GAVI trong lĩnh vực sức khỏe toàn cầu 20 năm qua, vai trò của tôi tại đó đã mang lại cho bản thân tôi một kinh nghiệm dồi dào độc đáo mà hiện nay tôi có thể áp dụng tốt vào việc lãnh đạo công tác điều phối mua sắm và cung cấp vaccine COVID-19 cho cơ chế COVAX" - Aurélia Nguyễn nói với Lao Động về tài sản kinh nghiệm ở bà, cho vị trí tương thích hiện tại.

COVAX quả thực đã không thể chọn đúng người hơn. Đó nhất thiết phải là Aurélia Nguyễn - người phụ nữ Pháp gốc Việt, lớn lên ở Pháp, học tập tại Anh, làm việc tại Thuỵ Sĩ. Và từ "ngôi làng toàn cầu" Geneva, Aurélia đã từng bước ngoạn mục viết nên những chương đẹp trong cuộc đời bà bằng hàm lượng đa văn hoá nơi bà, trái tim nhân hậu của bà, thần thái cương trực ở bà, và hơn thế, còn là tầm nhìn và cách thức biểu đạt nó.

Khó mà tin được, GAVI của Aurélia đã có một khởi đầu khiêm tốn với chỉ 5 bàn làm việc trong một văn phòng nhỏ ở tầng hầm của UNICEF và là một tổ chức rất tinh gọn chỉ có trụ sở chính ở Geneva cùng một văn phòng vệ tinh ở Washington DC. Nhưng những con số mà nó đạt được trong suốt 20 năm qua (trong đó có hơn 10 năm Aurélia ngồi ghế điều hành) thì quả là ấn tượng. GAVI từng giúp đảm bảo quyền lợi tiêm chủng cho hàng trăm triệu trẻ em tại gần 80 quốc gia và giờ đây là COVAX với nỗ lực xác lập công bằng vaccine cho gần 100 nước nghèo và đang phát triển. Aurélia rõ ràng đã được lựa chọn cho sứ mệnh bảo vệ những tiếng nói yếu thế trong suốt hành trình không ngừng nghỉ trước nay của bà.

Laura không thể là bé nhỏ.

"Thế giới phẳng" của Laura

Dẫu vậy, COVAX hiển nhiên vẫn là một thách thức khó nhằn, bất chấp kinh nghiệm, bởi những khó khăn quá thể đặc thù của nó. Thế giới phẳng đã khiến virus lan nhanh tới mọi ngóc ngách của thế giới, gây ảnh hưởng nặng nề nhất tại các nước nghèo. Vậy nhưng ở chiều ngược lại, thế giới phẳng lại không là cơ hội giúp vaccine đến được với các nước nghèo, nếu như không có sáng kiến COVAX. COVAX là giấc mơ đẹp của Laura về một thế giới phẳng theo nghĩa tích cực nhất của nó. Dù gian khó vô vàn.

Ở thời điểm thành lập COVAX và được giao quản lý nguồn quỹ 6 tỉ USD do 98 quốc gia đóng góp, Aurélia Nguyễn cũng từng dự đoán “mọi việc sẽ không suôn sẻ”. Khi COVAX hoạt động được hơn một năm, Tổng Giám đốc WHO lần thứ 3 tuyên bố đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc, trong khi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cảnh báo chủ nghĩa dân tộc vaccine và việc tích trữ vaccine sẽ khiến tất cả thế giới gặp rủi ro. Từng bước một, Aurélia Nguyễn và các cộng sự của bà ở COVAX đã nỗ lực phi thường để gỡ dần các nút thắt bị bó buộc bởi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi về vaccine, kiểm soát xuất khẩu, ngoại giao vaccine cũng như các nút thắt trong sản xuất và chuỗi cung ứng...

 

"Tôi rất hân hạnh hàng ngày được làm việc với một đội ngũ xuất sắc, đội ngũ đã cam kết với mục tiêu tiếp cận công bằng toàn cầu với vaccine COVID-19 của chúng tôi. Có rất nhiều thách thức mà chúng tôi phải giải quyết, trong khi làm việc ở cường độ ngày càng cao và phải đảm bảo rằng nhu cầu của các quốc gia và các đối tác được đáp ứng. Cùng nhau, chúng tôi đã trải qua nhiều đêm làm việc muộn, nhiều cuối tuần dài để nỗ lực phá vỡ bế tắc và tháo gỡ các nút thắt. Nhưng dù vậy, tôi vẫn luôn tràn đầy cảm hứng với tầm nhìn của cơ chế COVAX, được thúc đẩy bởi phương châm tất cả chúng ta chỉ trở nên an toàn khi mọi người đều an toàn và được thúc đẩy bởi hiện thực rằng, chúng ta đang tiến về phía trước với tốc độ nhanh chóng" - Aurélia Nguyễn nói.

"Tính đến trung tuần tháng 12.2021, COVAX đã cung cấp hơn 680 triệu liều vaccine cho 144 quốc gia. Con số này thể hiện, hơn 50% trong tổng số vaccine đã được vận chuyển đến 91 quốc gia do COVAX AMC (Cơ chế tài chính Cam kết Thị trường Trước của COVAX) hỗ trợ. Nguyên nhân con số này không sát hơn với dự báo ban đầu của chúng tôi là vì nguồn cung của cơ chế COVAX cực kỳ hạn chế trong 9 tháng đầu năm 2021 do chính sách hạn chế xuất khẩu, động thái tích trữ vaccine của các nước giàu và những thách thức mà các nhà sản xuất gặp phải khi mở rộng quy mô sản xuất.

Do đó, cơ chế COVAX đã tập trung các nguồn cung có sẵn, chủ yếu vào các quốc gia có thu nhập thấp hơn tham gia cơ chế tài chính AMC. Vì vậy, mặc dù trong năm 2021, chúng tôi đã cung cấp số lượng vaccine thấp hơn dự kiến, nhưng chúng tôi vẫn có thể đạt mục tiêu của mình là bảo vệ được 20% dân số thuộc cơ chế tài chính AMC tính tới đầu quý I/2022, bảo vệ bình quân hơn 40% dân số trên toàn bộ 91 quốc gia có thu nhập thấp và thu nhập trung bình".

Vaccine cho Việt Nam và nguồn cội Việt

Đứng về các nước nghèo hoặc đang phát triển, Aurélia không xa lạ với các chính khách lớn của Việt Nam. Trong cuộc chiến chống COVID-19 mà kể từ sau làn sóng thứ 4 của đại dịch tại Việt Nam, mỗi chuyến công du hay điện đàm của những người "lo việc trăm dân" đều gắn liền với nỗ lực đàm phán vaccine.

Người phụ nữ gốc Việt nắm giữ quyền điều hành cơ chế COVAX chính là người đầu tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp và trao đổi khi đặt chân tới Pháp hôm 3.11.2021. Gần 1 tháng sau đó, ngày 28.11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thụy Sĩ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu Việt Nam đã đến thăm trụ sở Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva và có buổi làm việc với Tổng Giám đốc WHO, Giám đốc Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) và đương nhiên, không thể thiếu Aurélia Nguyễn.

"Cơ chế COVAX được thiết lập để hỗ trợ các thành viên tham gia cơ chế GAVI COVAX AMC, bao gồm Việt Nam, có thể bảo vệ được các nhóm người dễ bị tổn thương nhất của nước họ và để đảm bảo sự tiếp cận công bằng toàn cầu đối với vaccine COVID-19. Tính đến tháng 12.2021, Việt Nam đã được phân bổ 64,9 triệu liều vaccine và nhận được hơn 33 triệu liều vaccine từ cơ chế COVAX.

Cơ chế COVAX bắt đầu phân bổ vaccine tới các nước khi họ đệ trình hồ sơ giới thiệu vaccine và việc vận chuyển vaccine được lên lịch trình, tuân theo các quy trình như đánh giá sự sẵn sàng của quốc gia về việc tiếp nhận và sử dụng các liều vaccine. Việt Nam xứng đáng được ghi nhận rất nhiều về cách thức mà họ đã huy động hệ thống y tế của mình để triển khai vaccine. Đây là một trong những dự án y tế công cộng phức tạp nhất trong lịch sử của đất nước này" - người đứng đầu COVAX nói với Lao Động.

 

Trong nỗi đau trước việc COVID-19 suốt 2 năm qua đã tàn nhẫn huỷ hoại sự sinh động tươi vui tại các thành phố lớn trên thế giới hay những làng quê yên bình đâu đó trên hành tinh này, với Aurélia, có một góc nhỏ trong lòng mang tên Sài Gòn - nơi cha bà được sinh ra, nơi lưu giữ nguồn cội Việt của bà, cũng là thành phố phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong làn sóng thứ 4 của đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Đó cũng là nơi bà từng tìm về, tận thấy, năm bà 20 tuổi. "Thật đau lòng khi phải chứng kiến một thành phố mình gắn bó bị chao đảo hoặc huỷ hoại" - Aurélia Nguyễn nói.

Một cách mật thiết, bà trân trọng hai chữ "gốc Việt" nơi mình, nó được cho là một tài sản tinh thần, chính xác là như vậy: "Di sản Việt rõ ràng đã mang lại cho tôi một đạo đức làm nghề rất mạnh mẽ, thể hiện ở việc tôi sẽ luôn nỗ lực để đi xa hơn nữa ngay cả khi phải đối mặt với những khó khăn và thất bại".

Nhưng trên hết, là hai chữ "toàn cầu" trên ý nghĩa phổ quát của nó: "Bất chấp những thách thức mà COVAX đã phải đối mặt, tôi thực sự được truyền cảm hứng bởi việc gần như mọi quốc gia trên trái đất đang tham gia theo một cách nào đó vào kế hoạch đảm bảo khả năng tiếp cận vaccine trên toàn cầu. COVAX là cơ chế phân phối vaccine lớn nhất và phức tạp nhất trong lịch sử. Nó cho thấy công bằng không chỉ là điều đúng đắn nên làm, mà đấy là một việc cần thiết phải làm. Điều thúc đẩy tôi chính là niềm đam mê của tôi đối với việc đảm bảo được rằng, các can thiệp chăm sóc y tế có sẵn cho mọi người, bất kể họ sống ở đâu...".

Nếu có một lẽ công bằng mà người đeo đuổi công bằng về vaccine quên nói tới: Đó hẳn là sự công bằng với chính bản thân mình, là cái gánh nặng của lý tưởng và trọng trách trên đôi vai người phụ nữ bé nhỏ, trong "nhiều đêm làm việc muộn, nhiều cuối tuần dài để nỗ lực phá vỡ bế tắc và tháo gỡ các nút thắt".

Vì đó là Laura, thật ra chưa bao giờ bé nhỏ.

Thuỷ Lê
TIN LIÊN QUAN

COVAX phân bổ thêm hơn 9 triệu liều vaccine Pfizer, Moderna cho Việt Nam

Thanh Hà |

Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 3.11, Giám đốc điều hành COVAX cho biết vừa quyết định phân bổ thêm hơn 9 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna cho Việt Nam.

COVAX thông tin về lượng vaccine COVID-19 phân bổ cho các nước nghèo hơn

Thanh Hà |

COVAX có thể cung cấp vaccine COVID-19 cho không quá 20% dân số ở các nước nghèo hơn trong năm nay, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

COVAX sẽ nhận 110 triệu liều vaccine Trung Quốc

Hải Anh |

Hai nhà sản xuất vaccine Trung Quốc, Sinovac và Sinopharm, đã đồng ý bắt đầu sản xuất ngay hơn 100 triệu liều vaccine cho COVAX.

Những món ăn đặc sắc của người Hoa ở Chợ Lớn, TPHCM

Phạm Công Luận |

Ẩm thực Hoa là thế giới đa dạng, đậm đà bản sắc từng dân tộc trong cộng đồng người Hoa sống tại Việt Nam. Đã vậy, qua hàng trăm năm ở đây, các món ăn cũng đã có điều chỉnh, gia giảm trong cách chế biến để thích nghi với nguồn nguyên liệu nhiệt đới có sẵn, chiều chuộng khẩu vị của khách…

Ông Kissinger đổi lập trường, nêu kế hoạch Ukraina mới nhất

Song Minh |

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thay đổi lập trường, ủng hộ Ukraina gia nhập NATO.

Tiểu thương chợ hoa lớn nhất Hà Nội than ế ẩm ngày giáp Tết

MINH HÀ - DƯƠNG ANH |

Theo các tiểu thương bán hoa tại chợ Quảng An (Tây Hồ, Hà Nội), năm nay giá hoa vẫn giữ mức ổn định, tăng cao nhất vào các ngày 29 và 30 Tết. Tuy nhiên, hàng hóa vẫn còn tiêu thụ chậm, chỉ bằng 50% so với mọi năm.

Những bản hợp đồng bom tấn tại V.League 2023

AN NGUYÊN |

Trước thềm mùa giải mới V.League 2023, các câu lạc bộ như Công an Hà Nội, Nam Định hay Thanh Hoá hoạt động rất tích cực trên thị trường chuyển nhượng với những bản hợp đồng "bom tấn" chất lượng.

Chứng khoán: Tiếp tục tăng lên ngưỡng kháng cự 1.100 điểm

Gia Miêu |

Việc thị trường vượt vùng tích lũy có thể là tín hiệu kỹ thuật khiến dòng tiền quay lại thị trường chứng khoán.

COVAX phân bổ thêm hơn 9 triệu liều vaccine Pfizer, Moderna cho Việt Nam

Thanh Hà |

Tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 3.11, Giám đốc điều hành COVAX cho biết vừa quyết định phân bổ thêm hơn 9 triệu liều vaccine Pfizer và Moderna cho Việt Nam.

COVAX thông tin về lượng vaccine COVID-19 phân bổ cho các nước nghèo hơn

Thanh Hà |

COVAX có thể cung cấp vaccine COVID-19 cho không quá 20% dân số ở các nước nghèo hơn trong năm nay, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.

COVAX sẽ nhận 110 triệu liều vaccine Trung Quốc

Hải Anh |

Hai nhà sản xuất vaccine Trung Quốc, Sinovac và Sinopharm, đã đồng ý bắt đầu sản xuất ngay hơn 100 triệu liều vaccine cho COVAX.