Bệnh tay chân miệng "nhen nhóm"
Thống kê từ phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, từ đầu năm đến nay có hơn 2500 trẻ mắc bệnh tay chân miệng điều trị ngoại trú, trong đó 800 trẻ điều trị nội trú, tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 5 có hơn 130 ca điều trị nội trú và chỉ 10 ngày đầu tháng 6 đã có hơn 50 bệnh nhi.
Có con đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm của bệnh viện, chị L.T.T.N (Bình Minh, Vĩnh Long) chia sẻ: "Thấy con lừ đừ trong người, ăn uống khó khăn, tôi kiểm tra và thấy con bị nổi bóng nước. Con cũng có sốt nhẹ, khó ngủ nên gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện khám ngay, được bác sĩ chẩn đoán mắc tay chân miệng. Hy vọng bé mau khỏe và khi trở về nhà, chúng tôi sẽ cẩn trọng phòng bệnh cho con cũng như chú trọng vệ sinh không gian nhà".
Trao đổi với Lao Động, Bác sĩ Chuyên khoa II Huỳnh Hùng Dũng (Trưởng Khoa Truyền nhiễm) thông tin, so với hàng năm, số liệu này không nhiều, song thời điểm hiện tại, bệnh đang có dấu hiệu gia tăng.
Về mùa bệnh, từ năm 2022 trở về trước, tay chân miệng có biểu hiện theo mùa rõ rệt. Theo đó, bệnh xuất hiện nhiều ở mùa nắng (từ tháng 3-5) và từ tựu trường đến cuối năm, bệnh sẽ tăng vọt. Tuy nhiên, năm 2023 và năm nay thì ngược lại, bệnh thấp vào thời điểm qua Tết Nguyên đán và tới nghỉ hè bệnh tăng. Do đó, những năm gần đây, bệnh tay chân miệng không còn rõ ràng theo mùa.
"Từ tháng 5-6, bệnh tay chân miệng bắt đầu nhen nhóm, khả năng tăng gấp đôi so với đầu năm. Các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh khi phát hiện con có dấu hiệu nổi bóng nước ở bàn tay, bàn chân, trong họng hoặc trẻ có dấu hiệu nên được đưa đến cơ sở y tế để bác sĩ chẩn đoán bệnh, đồng thời cho lời khuyên", bác sĩ Dũng cho biết.
Cảnh báo biến chứng sốt xuất huyết
Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 16.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong đó có một trường hợp tử vong. Tại BV Nhi đồng TP Cần Thơ, đầu năm đến nay, gần 300 trẻ bệnh sốt xuất huyết nhập viện và hơn 280 trẻ điều trị ngoại trú, đều giảm hơn 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mới đây, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (ICU) của bệnh viện cũng đã tiếp nhận bé gái 9 tuổi (ngụ tại huyện Cờ Đỏ) trong tình trạng sốt cao liên tục 3 ngày.
Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận trẻ lừ đừ, thở ậm ạch, chi lạnh, huyết áp kẹp. Bệnh nhi nhanh chóng được hỗ trợ hô hấp, chống sốc tích cực, bù dịch theo phác đồ và thực hiện các xét nghiệm theo dõi điều trị. Kết quả xét nghiệm ghi nhận men gan tăng cao, suy chức năng thận, nhiễm trùng,…
Bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue nặng, tái sốc 2 lần, suy đa cơ quan, suy hô hấp. Bác sĩ chỉ định cho bé lọc máu liên tục 3 chu kỳ cùng các biện pháp hồi sức tích cực khác.
Sau hơn 15 ngày điều trị tích cực, chức năng gan thận của bé dần hồi phục, ngưng lọc máu, tập cai máy thở. Dưới sự động viên thường xuyên của gia đình và các nhân viên y tế, bệnh nhi cố gắng tập thở.
Trước đó, ghi nhận của phóng viên tại Khoa sốt xuất huyết của Bệnh viện vào ngày 11.6, có trường hợp 2 anh em cùng nhà (ngụ tại huyện Phong Điền) bị sốt xuất huyết; trong đó, bé em bị sốc sốt xuất huyết đen.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Tuân (Bác sĩ điều trị Khoa Sốt xuất huyết) trực tiếp tham gia điều trị cho bệnh nhi, thông tin: "Từ đầu năm đến nay, tình hình sốt xuất huyết ghi nhận tại Khoa không có diễn biến phức tạp. Song, bắt đầu mùa mưa, các phụ huynh cần đặc biệt phòng ngừa bệnh này, theo dõi sát các bé, nhất là đối với những bé sốt".