Trong hướng dẫn lần này, Bộ Y tế bổ sung thuốc kháng virus, kháng thể kháng virus, thuốc ức chế IL-6 nếu đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới. Cụ thể, đối với thuốc kháng virus:
Nếu là thuốc chưa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới, việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.
Nếu là thuốc đã được WHO khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh (ví dụ: Thuốc remdesivir, favipiravir,...).
Thuốc Remdesivir chỉ định đối với bệnh nhân nội trú khởi phát bệnh chưa quá 10 ngày có suy hô hấp phải thở oxy, thở oxy lưu lượng dòng cao (HFNC), hoặc thở máy không xâm nhập; Nên phối hợp với corticoid (ưu tiên dexamethason). Ưu tiên sử dụng thuốc cho nhóm nguy cơ cao: Người bệnh trên 65 tuổi, người có bệnh nền, người bệnh béo phì (BMI > 25).
Không nên bắt đầu sử dụng cho người bệnh COVID-19 cần thở máy xâm nhập, chạy ECMO. Với các trường hợp đã được điều trị bằng Remdesivir trước khi thở máy xâm nhập hoặc ECMO thì có thể tiếp tục dùng Remdesivir cho đủ liệu trình.
Thuốc Favipiravir 200m và Molnupiravir 400mg chỉ định dùng cho bệnh nhân nhẹ. Riêng thuốc Molnupiravir 400mg liều dùng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt. Molnupiravir là dạng viên uống, nên người bệnh dễ dàng điều trị tại nhà đối với người lớn mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ và trung bình. Các nghiên cứu bổ sung đang được tiến hành để xác định phác đồ hiệu quả nhất.
Theo hướng dẫn này, giai đoạn hồi phục của bệnh nhân COVID-19 cũng khác nhau, đối với trường hợp nhẹ và trung bình, sau 7-10 ngày, bệnh nhân hết sốt, toàn trạng khá lên, tổn thương phổi tự hồi phục, có thể gặp mệt mỏi kéo dài.
Những trường hợp nặng: Biểu hiện lâm sàng kéo dài, hồi phục từ 2-3 tuần, mệt mỏi kéo dài đến hàng tháng.
Những trường hợp nguy kịch có thể phải nằm hồi sức kéo dài nhiều tháng, có thể tiến triển xơ phổi, ảnh hưởng tâm lý, yếu cơ kéo dài.
Tiêu chuẩn xuất viện của bệnh nhân COVID-19:
Đối với các trường hợp không có triệu chứng lâm sàng trong suốt thời gian điều trị được ra viện khi đã được cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị COVID- 19 tối thiểu 10 ngày và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) vào ngày thứ 9.
Đối với các trường hợp có triệu chứng lâm sàng được ra viện khi đủ các điều kiện sau: Được cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 tối thiểu 14 ngày; Các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên; Có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30) vào trước ngày ra viện.
Đối với các trường hợp cách ly điều trị trên 10 ngày và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR nhiều lần có nồng độ vi rút CT< 30 được ra viện đủ các điều kiện sau: Đã được cách ly điều trị tại cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 đủ 21 ngày tính từ ngày có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2; Các triệu chứng lâm sàng hết trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên.
Người được ra viện sẽ được giám sát tại nhà bởi y tế cơ sở và CDC địa phương. Người bệnh sau khi ra viện cần ở tại nhà và tự theo dõi trong 7 ngày (hướng dẫn trước là cách ly 14 ngày). Đo thân nhiệt 2 lần/ngày. Tuân thủ thông điệp 5K...
Đối với người bệnh ra viện thuộc trường hợp cách ly điều trị trên 10 ngày và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR nhiều lần có nồng độ virus Ct < 30, sau khi ra viện yêu cầu người bệnh thực hiện cách ly y tế tại nhà trong 7 ngày.