Trong đợt chi viện này, có khoảng gần 60 y bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa hồi sức, cấp cứu dày dạn kinh nghiệm điều trị COVID-19 lên đường. Bệnh viện cũng hỗ trợ nhiều trang thiết bị, máy móc, thuốc điều trị COVID-19 cho Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang.
Bác sĩ Trần Văn Khanh - Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, trong thời gian qua, người dân TPHCM đã đón các đoàn y bác sĩ trong cả nước đến hỗ trợ thành phố chống dịch, và đến nay dịch tại thành phố đã có những hiệu quả nhất định.
"Chúng ta từng đón nhận tình cảm của các tỉnh thành trong cả nước và đây là lúc TPHCM thể hiện tình thần tương thân tương ái để hỗ trợ cho các tỉnh khác phòng chống dịch bệnh", bác sĩ Trần Văn Khanh cho biết.
Trong đợt này tại Cà Mau, nhân viên y tế của Bệnh viện Lê Văn Thịnh sẽ hỗ trợ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho người dân Cà Mau. Dự kiến trong 5 ngày, đoàn y tế bệnh viện sẽ phối hợp y tế địa phương thực hiện từ 45.000-50.000 mũi tiêm, đẩy nhanh độ phủ vaccine COVID-19 của tỉnh Cà Mau.
Tại Bạc Liêu, đoàn phối hợp với địa phương tham gia trực tiếp vào công việc điều trị bệnh nhân COVID-19, tư vấn, thiết kế quy trình phân luồng, điều trị…. Bác sĩ Lý Quốc Công, Trưởng Khoa Lâm sàng (Bệnh viện dã chiến thu dung số 3 TP.Thủ Đức do Bệnh viện Lê Văn Thịnh phụ trách) cho biết, đoàn sẽ tham gia điều trị tại các bệnh viện dã chiến, triển khai hệ thống oxy lỏng tại các địa phương.
“Hiện Bạc Liêu đã vượt mốc 5.000 ca. Ở tỉnh hiện nay thiếu thốn rất nhiều, từ nhân lực đến thiết bị. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn, quan trọng nhất là thiết lập được hệ thống oxy lỏng mới có thể cứu được nhiều bệnh nhân COVID-19 nhất”, bác sĩ Công cho biết.
