Rạng sáng 28.5 Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung kiểm tra các lò giết mổ tập trung và các chốt kiểm soát dịch bệnh trong địa bàn.
Bạc Liêu dù chưa xuất hiện dịch bệnh tả lợn Châu Phi, nhưng các tỉnh lân cận Sóc Trăng, Hậu Giang đã có dịch. Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề nghị các địa phương giáp ranh hết sức chú ý. Bởi, lợn bệnh có thời gian, sau đó xét nghiệm mới tiêu hủy. Thời gian này, nếu người dân giấu dịch, mầm bệnh có thể lây lan bằng đường sông, rạch vào các vùng quê, rất khó kiểm soát.

Tại huyện Hồng Dân, Bạc Liêu đã lặp 8 chốt kiểm soát lưu động.
Trong khi đó, tại Cà Mau đã thành lập 24 trạm, chốt kiểm soát phương tiện vận tải lợn, thịt lợn và sản phẩm từ thịt lợn nhập tỉnh.
Dọc theo tuyến kênh Hộ Phòng, kênh Phụng Hiệp chiều dài 23 km là khu vực giáp ranh giữa huyện Thới Bình với huyện Hồng Dân, Phước Long và thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Đây là tuyến đường thuỷ huyết mạch vận chuyển hàng hoá lưu thông từ vùng Cần Thơ, Hậu Giang về Cà Mau và ngược lại. Trên tuyến này, huyện Thới Bình, xã Tân Lộc Đông và các lực lượng quản lý thị trường, thú y đã lập chốt chặn có sự phối hợp của Đội CSGT đường thuỷ huyện.

Cách các tuyến kênh này không xa về phía Bắc và Đông Bắc của huyện dài khoảng 47 km là kênh Ranh Hạt. Dọc theo tuyến này, huyện Thới Bình tiếp giáp với các huyện: An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang. Đây là tuyến vận tải đường thuỷ chủ đạo của các phương tiện trọng tải lớn từ sông Cái Lớn qua Chắc Băng về Cà Mau, Sông Đốc.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú, Thới Bình, Cà Mau Lê Văn Quý cho biết: Đoạn tiếp giáp giữa Tân Phú với huyện Vĩnh Thuận từ lâu là đường vận chuyển hàng hoá giao thương giữa 2 địa phương.
Ngoài công tác kiểm soát nguồn bệnh từ ngoài vào, tỉnh Cà Mau cũng đang chỉ đạo quyết liệt công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển, mua bán thịt lợn nội địa.
Bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra ở hơn 3.000 xã, hơn 270 huyện của 44 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu huỷ hơn 1,7 triệu con.
Ngoài ra, đã có 78 xã thuộc 47 huyện của 21 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh thêm lợn mắc bệnh. Số lợn mắc bệnh và bị tiêu huỷ tại các ổ dịch cũ này là 5.520 con.
Thời gian qua, đã có 31 xã thuộc 12 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh.