Không ít bậc cha mẹ lớn tuổi nhìn nhận, trong quá khứ, kể cả thời kỳ chiến tranh căng thẳng nhất, gia đình nào cũng vận động cho con cái học hành.
“Có cái chữ mà thay đổi cuộc đời” là lý luận căn cơ cho những cố gắng đó, bất chấp gia đình có khó khăn, thiếu ăn thiếu mặc đến đâu. Hình ảnh những người thành công từ giáo dục học hành, có thành tích tốt ở học đường và bước vào đời lập nghiệp, luôn được đề cao và nhắc đến.
Vậy nhưng hôm nay, khi cuộc sống đầy đủ hơn, điều kiện học tập dư thừa, xã hội lại tỏ ra lúng túng trong định hướng học tập của mỗi con người, và cha mẹ nào cũng băn khoăn về sự học hành của con cái.
Thời điểm này, quan điểm về tri thức hay sự học và định hướng của phụ huynh được phân hoá thành hai hướng: Tự học, không nhất thiết phải ganh đua trong học tập… và học ở trường đời tốt hơn; có kết quả học tập tốt không hẳn là thành công trong tương lai sự nghiệp…
Ở chiều ngược lại, rất nhiều bậc cha mẹ hết sức dồn nén con cái phải đua tranh, thậm chí đua về mọi giá để có thành tích học tập. Nhiều phụ huynh còn ép buộc con cái mình theo học những ngành nghề mà mình thích nhưng không thực hiện được bất chấp con cái mình có thích hay không...
Sự thật với người xưa, cách nhìn nhận về tri thức con người, có lẽ khác biệt và cần được soi chiếu lại để đánh giá đúng vai trò học tập với mỗi con người.
Người xưa dùng chữ tri thức để định vị rõ tầm hiểu biết của con người. Tri là hiểu, thức là biết, đơn giản như vậy. Song khi đi vào phân tích, vấn đề tri thức lại không hề chung chung.
Chữ tri (知) được ghép hội ý từ bộ thỉ (矢, mũi tên) và bộ khẩu (口, cái miệng) với hàm nghĩa "những gì đi ra từ miệng chả khác gì mũi tên bay đi”. Nghĩa là con người cần biết thận trọng với lời ăn tiếng nói của mình, đã nói ra phải có trách nhiệm, phải hiểu rõ mới nên thốt ra lời. Chữ tri, theo đó nghĩa là hiểu.
Chữ thức (識) cũng được ghép hội ý từ bộ ngôn (言, lời nói) và chữ chức (戠, âm thanh cảnh báo). Chữ chức này, ghép bởi bộ âm (音, tiếng động) với bộ qua (戈, vũ khí) để diễn tả khi cảnh báo, kêu gọi, người ta gõ binh khí vào nhau thu hút người khác.
Lời nói con người, vì thế không khác gì tiếng động cảnh báo, rất quan trọng, giúp người ta biết được việc gì đang xảy ra. Chữ thức, vì thế có nghĩa là biết.
Tri thức, bởi vậy không chỉ đơn giản là những thông tin, dữ liệu mà con người thu nạp được, mà chính là cách thức kiến giải, hiểu thấu và đưa ra, diễn đạt cho người khác cùng hiểu biết, cùng nắm bắt như mình. Người có tri thức, không chỉ có kho tàng kiến thức trong đầu, mà còn có cách hành xử giao tiếp, cách sử dụng ứng biến những kiến thức ấy vào hoàn cảnh cụ thể.
Nếu chỉ chăm chăm nhồi nhét thật nhiều kiến thức mà không có ứng dụng thực tế, không biết xoay xở xử lý hợp cảnh hợp tình về tri thức có được, con người không thể đạt được hiệu quả tốt trong cuộc sống. Ngược lại, nếu không hiểu biết, không tích lũy tri thức để nhận diện đúng những tín hiệu thông tin, con người cũng không thể phát huy được các ưu thế của mình.
Vậy việc học hành của người xưa, chính là trau giồi tri thức, nhưng đó không phải là những hiểu biết xơ cứng, lý thuyết hóa, mà như một người cầm cung sẽ phải biết bắn ra sao, bắn về đâu và bắn lúc nào; như một người muốn báo động cho xã hội và lắng nghe những cảnh báo từ người khác thì phải biết cách xử lý vấn đề ra sao.
Học đi đôi với hành, ai cũng nói như vậy, nhưng tri thức phải áp dụng đúng vào mỗi hoàn cảnh thực tế để phát huy, thì không phải ai cũng làm được và hiểu chính xác để làm được.
Quá coi trọng việc nhồi nhét kiến thức, ganh đua thành tích, sẽ đẩy con cái vào áp lực. Nhưng bê trễ, phó mặc cho con cái không nỗ lực học hành, tích cóp tri thức, cũng là một cách hành xử không hợp lý.
Nên hiểu rõ hai chữ tri thức trong quan niệm của người xưa, cũng là một cách cần thiết để định vị lại cách hành xử của chúng ta về học tập hôm nay.