Điều đáng nói, việc tấn công trên mạng đối với trọng tài bắt trận đấu trên – ông Ilgiz Tantashev – diễn ra ngay từ… trước khi trận đấu bắt đầu. Theo đó, rất nhiều cổ động viên đã tràn vào trang cá nhân của trọng tài này để để lại những bình luận. Điều này khiến trọng tài Ilgiz Tantashev khóa tài khoản Facebook cá nhân 5 giờ trước khi trận đấu diễn ra.
Ngay khi trận đấu giữa Saudi Arabia và Việt Nam đang diễn ra, hàng nghìn người hâm mộ đã tràn vào tấn công trang Facebook… giả mạo trọng tài người Uzbekistan, nhất là khi vị trọng tài này quyết định chỉ tay vào chấm phạt đền, dẫn đến bàn thắng gỡ hoà 1-1 của đội tuyển Saudi Arabia.
Đây không phải là lần đầu tiên cổ động viên Việt Nam có những hành xử xấu xí tấn công Facebook của trọng tài khi họ có những quyết định bất lợi đối với tuyển Việt Nam. Trước đó, trong trận Việt Nam - UAE diễn ra ngày 16.6, trọng tài Adday Ali Sabah người Iraq cũng bị nhiều người tràn vào trang cá nhân chửi bới, lập nhóm anti vì cho rằng “vị vua áo đen” này thiên vị đội tuyển UAE.
Vì sao nhiều cổ động viên lại nhiều lần tấn công Facebook của các vị vua áo đen mỗi khi họ có các quyết định bất lợi cho đội tuyển? Có lẽ, bên cạnh yếu tố văn hoá ứng xử, một điều khiến nhiều cổ động viên có hành vi xấu xí vậy là tâm lý cay cú, thắng - thua của không ít người
Thế nhưng, thể thao nói chung, bóng đá nói riêng, đâu phải chỉ có mỗi chuyện thắng - thua. Dĩ nhiên, chiến thắng sẽ rất tuyệt vời, nhưng điều quan trọng hơn chiến thắng, có lẽ chính là tinh thần thi đấu, ý chí chiến thắng của các cầu thủ cũng như những cảm xúc, là sự khơi gợi cảm hứng mà các vận động viên mang đến cho các cổ động viên.
Nói đâu xa, mới đây, tại Euro 2020, đội tuyển Anh đã thất bại trong trận chung kết trước tuyển Italia. Có lẽ chẳng cần nói về khao khát chiến thắng, lên ngôi vô địch của các cổ động viên Anh, khi mà lần đầu tiên đội tuyển của họ đạt được thành tích đúng như kỳ vọng người hâm mộ là ở World Cup 1966.
Khi đội tuyển Anh thất bại trong trận chung kết, bên cạnh những lời lẽ lời lẽ phân biệt chủng tộc hướng tới các cầu thủ Marcus Rashford, Bukayo Saka và Jadon Sancho (những người đá hỏng penalty trong trận chung kết), thì đã có rất nhiều lời động viên họ, nhất là từ các cổ động viên nhí.
Vừa qua, khi đội tuyển Anh hội quân chuẩn bị cho vòng loại World Cup, các cầu thủ của đội tuyển này đã được đọc rất nhiều thông điệp của các cổ động viên, bao gồm các cổ động viên nhí được viết trên các trang giấy gửi đến.
Những lời lẽ dễ thương của các em nhỏ khiến nhiều người lớn phải suy nghĩ. Các em không trách móc các cầu thủ, nhất là những người đã đá hỏng các quả penalty, mà chỉ là những lời cảm ơn, những lời động viên.
Một bức thư viết: “Cháu rất tự hào về các chú. Dù rất buồn khi các chú thua trận, nhưng ít nhất, các chú đã vào đến trận chung kết rồi”; hay: “Điều mà cháu học được từ các chú là một tinh thần không bao giờ từ bỏ”; rồi: “Cảm ơn các chú vì đã tạo nên nhiều cảm hứng cho trẻ em đam mê chơi bóng ngay ở trong vườn nhà mình…”.
Cái đẹp sâu xa của bóng đá chính là những câu chuyện như thế, dù thắng hay thua.
Quay trở lại trận đấu của đội tuyển Saudi Arabia và Việt Nam, cũng đã có nhiều lời động viên đến đội tuyển vượt qua thất bại này để hướng tới chặng đường tiếp theo. Thế nhưng, những lời lẽ đầy tinh thần thể thao đấy ít nhiều bị che đi bởi những lời lẽ tấn công xấu xí dành cho trọng tài. Nếu trọng tài sai, hãy phân tích lý lẽ; tấn công cá nhân chỉ làm xấu đi hình ảnh của cổ động viên Việt Nam mà thôi.
Hành động xấu xí đó cần phải được loại bỏ, để dù đội tuyển có thể thua, nhưng mỗi cổ động viên sẽ có “chiến thắng” cho riêng mình: Có được những cảm xúc tuyệt vời, những bài học, những niềm cảm hứng… và hình ảnh cổ động viên Việt Nam sẽ đẹp hơn.