Dự thảo đề cương sửa Luật Bảo hiểm xã hội đưa ra phương án người lao động chưa đến tuổi nghỉ hưu mà yêu cầu hưởng bảo hiểm xã hội một lần thì chỉ được rút phần mình đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội là 8% thay vì nhận 22% như quy định hiện nay.
Còn phần của người sử dụng lao động đóng chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc chia sẻ.
Về vấn đề này, bạn đọc Nguyễn Ngần cho biết: "Chúng tôi cần biết việc giữ lại 14% để làm gì? Liệu sau này về hưu có chi trả cho người lao động hay không? Bởi tiền đó là mồ hôi công sức của người lao động".
Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyễn Phi Yến chia sẻ: "Người sử dụng lao động đóng 14% là từ lợi nhuận để đóng cho công nhân. Người lao động như chúng tôi có ai muốn rút bảo hiểm một lần bao giờ. Do cuộc sống nhiều khó khăn, biến cố khiến chúng tôi phải rút bảo hiểm xã hội một lần".
"Tiền nào cũng là tiền của người lao động. Nếu cơ quan quản lý không có giải pháp làm tăng quyền lợi cho người lao động thì đừng cắt đi" - bạn đọc Nguyễn Huyền chia sẻ.
Cũng bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề trên, bạn đọc Minh Thiện cho hay: "Không thể lý giải 14% của doanh nghiệp đóng, không phải người lao động đóng nên giữ lại. Chúng ta phải hiểu như thế này: Công ty dự toán cho vị trí A là 10 triệu đồng, nghĩa là tất cả mọi chi phí liên quan đến lương cho vị trí đó là 10 triệu. Nếu không phải đóng khoản bảo hiểm nào, doanh nghiệp sẽ trả đủ cho người lao động số tiền trên. Nhưng vì đóng bảo hiểm bắt buộc theo quy định nên họ sẽ chỉ trả cho người lao động khoảng 8 triệu đồng, phần còn lại sẽ đóng vào bảo hiểm.
Như vậy, tiền trong quỹ bảo hiểm xã hội cũng là của người lao động. Đây là công sức lao động của họ, không phải "trên trời rơi xuống" mà phải chia hay sẻ".
"Có một số người từ quê lên làm công nhân tạm thời mấy năm để nuôi con học đại học. Khi con ra trường, họ sẽ về quê, hoặc có một số làm vài năm rồi ra buôn bán, hoặc học nghề để làm nghề tự do... Với những trường hợp này mà rút bảo hiểm xã hội một lần được 8% sẽ thiệt thòi. Nên để họ tự quyết định tiền của họ. Cơ quan liên quan làm thế nào để người lao động đủ niềm tin, gắn bó lâu dài với bảo hiểm xã hội" - bạn đọc Lê Nam chia sẻ.