Thông tin trên đã làm nức lòng giới y học Việt Nam và là niềm hy vọng cho những người bệnh không may bị suy tim giai đoạn cuối.
Theo đó, khi Bệnh viện Trung ương Huế đang hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật ghép thận cho Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP. Hồ Chí Minh) thì Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia thông báo điều phối một trái tim cho bệnh nhân tại BV Trung ương Huế, người hiến tạng là một thanh niên 19 tuổi.
GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc BV Trung ương Huế đã lập tức lên kế hoạch tiếp nhận điều phối tạng, vừa đảm bảo công tác hỗ trợ ghép thận, đồng thời không cho phép sai sót hay chậm trễ xảy ra trong quá trình nhận tim.
Thời điểm lấy tim gần như diễn ra đồng thời với thời điểm phẫu thuật cho 2 ca ghép thận tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Đoàn chuyên gia đã phải phân chia nhân lực để thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ.
Vào lúc 10h47' ngày 6.5, quả tim rời khỏi lồng ngực người hiến tạng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định và đến Huế an toàn vào lúc 13h32'. Song song với quá trình di chuyển của tim, tại Trung tâm Tim mạch – Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân nhận tim được đưa vào phòng mổ lúc 12h10', rạch da lúc 13h, đặt và chạy tuần hoàn ngoài cơ thể lúc 13h45'.
Sau 1h20' phẫu thuật, tim đã đập lại trong lồng ngực người nhận tạng. Đến 17h15' cùng ngày, bệnh nhân được chuyển ra phòng hồi sức tim với các thông số huyết động ổn định.
Hiện tình hình sức khỏe bệnh nhân ổn định, chức năng tim tốt.
Theo GS.TS. Phạm Như Hiệp, ca ghép tim lần này đã xác lập 2 kỷ lục mới, đó là thời gian từ khi lấy tim xuyên Việt đến khi tim đập lại ngắn nhất và thời gian mổ cũng ngắn nhất.
Phẫu thuật ghép tim là một trong những kỹ thuật khó nhất của y học, qua đó đã mở ra cơ hội sống cho những bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối.
Trước đó, vào năm 2019 Bệnh viện Trung ương Huế cũng đã thực hiện thành công đồng thời 2 ca ghép tạng xuyên Việt, 1 ghép tim và 1 ghép gan, từ một người cho chết não tại Hà Nội.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, mỗi năm trên thế giới có 18 triệu người chết do các bệnh lý tim mạch, trong đó ¾ trường hợp đến từ các nước có thu nhập thấp. Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ tử vong do bệnh lý tim mạch cao của thế giới.
Chính vì vậy, việc ứng dụng các tiến bộ trong phẫu thuật can thiệp tim mạch sẽ giúp bệnh lý tim mạch tiếp tục được đẩy lùi, khống chế trong thời gian tới. Mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ giảm được 25% trường hợp tử vong sớm do các bệnh lý tim mạch.
Gần 30 năm qua, ghép tạng ban đầu chỉ là ước mơ đối với giới y học và người bệnh Việt Nam chẳng may bị suy tạng cần điều trị thay thế. Tuy nhiên, đến nay điều đó đã trở thành sự thật. Những kết quả đạt được về thực hành ghép tạng đã cho thấy khả năng chuyên môn của nền y học Việt Nam có thể bắt kịp y học thế giới về ghép tạng, mặc dù chúng ta bắt đầu triển khai kỹ thuật trên chậm hơn thế giới gần nửa thế kỷ.
Sự thành công của việc ghép tạng nói chung, của ghép tim nói riêng đã mở ra triển vọng điều trị cho những người bệnh có các tạng bị suy giai đoạn cuối, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển nhiều chuyên ngành y học khác. Sự trưởng thành của nền y học Việt Nam đang mang lại cho người bệnh những hy vọng cho những người không may bị bệnh hiểm nghèo, qua đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nói chung.
Ca ghép tim xuyên Việt đặc biệt đạt 2 kỷ lục với thời gian từ khi lấy tim xuyên Việt đến khi tim đập lại ngắn nhất và thời gian mổ cũng ngắn nhất do các bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện đã khiến chúng ta tự hào hơn về nền y học nước nhà.
Người dân mong lắm, cần lắm những kỷ lục như thế!