Vinh quang và bi kịch đằng sau một kỷ lục tốc độ

Hương Giang (Tổng hợp) |

Trong khi người Anh nắm kỷ lục tốc độ trên bộ, người Mỹ lại vô địch ở phân khúc xe sử dụng động cơ đốt trong. Tuy nhiên thành tích của người Mỹ lại là câu chuyện chứa đầy tính riêng tư, liên quan tới một gia đình giàu truyền thống đua xe, có cả niềm vui, sự tự hào và những biến cố bất hạnh.

Thiên tài độ xe

Marion Lee “Mickey” Thompson là một trong những chuyên gia độ xe "siêu" nhất mà nước Mỹ có được. Sinh năm 1928 tại Nam California, ông xuất hiện đúng thời điểm nước Mỹ bước vào cơn cuồng xe hơi đầu tiên thời hậu Thế chiến II.

Người cùng thời ông bắt đầu thích xe của họ trang bị động cơ lớn hơn, bánh xe với vành rộng hơn. Xe qua độ chế bỗng giống như một dạng trình diễn nghệ thuật đỉnh cao, một biểu tượng cho thấy tầng lớp lao động bỗng trở nên giàu có và đã có thể tự do ngao du tùy thích trên những con "chiến mã thép" hiện đại.

Mickey là người đam mê tốc độ và có năng khiếu thiên bẩm với xe hơi. Ông đã tự lắp ráp xe trong sân vườn nhà mình từ trước khi đủ tuổi lấy bằng lái. Tất cả xe chế ra ông đều tự mang đi thử nghiệm tại Hồ cạn Muroc ở California. Những chiếc xe đó luôn được ông chạy "hết ga hết số" trên một tuyến đường thẳng tắp để xem chúng có thể đạt tốc độ lớn tới đâu. Hoạt động này về sau được gọi là chạy xe drag. Xe độ còn được ông mang đi tham gia nhiều cuộc đua khác nhau.

Mickey không phải con tài phiệt hay trùm tội phạm để chỉ ăn và độ chế xe. Ông phải làm nghề viết báo tại tờ Los Angeles Times để có vốn theo đuổi đam mê. Ban đêm ông viết báo còn ban ngày ông lăn lộn quanh những chiếc xe chế. Và ông vẫn còn tiền mang về để nuôi cả một gia đình.

Vợ ông, bà Judy Thompson, ở nhà nội trợ. Nhưng Judy cũng là người thích xe cộ, máy móc, nên bà thường làm nhiều việc giúp Mickey, như ướm sẵn piston vào các động cơ đang được bổ ra làm lại trước khi ông về nhà. Kết quả từ tình yêu và đam mê của họ là hai đứa con, Lyndy và Danny.

Trong một gia đình như thế, không có gì lạ khi tất cả dễ dàng bị cuốn vào quỹ đạo của Mickey. Cứ mỗi cuối tuần họ lại mang xe độ mà ông chế ra tới các trường đua xe hoặc các tuyến drag, để thử nghiệm hoặc so tài. Dần dần Mickey đã mơ tới việc chế ra một chiếc xe có thể đạt tốc độ thật cao.

Trong cộng đồng chơi xe ở Nam Califoria khi ấy, Mickey đã khá nổi tiếng vì giỏi độ xe. Nhưng danh tiếng còn vang xa hơn nữa vào năm 1958, khi ông gắn 2 động cơ V-8 vào một khung xe tự chế để làm một chiếc xe đua drag đặc biệt. Ông làm chiếc xe này chủ yếu vì tò mò muốn xem nhiều động cơ có thể giúp xe chạy nhanh chỡ nào. Kết quả là nó đạt tốc độ 460km/h, một kỷ lục chưa người Mỹ nào làm được khi ấy.

Thành tích có được ngay trong lần thử đầu tiên khiến Mickey đặc biệt hứng thú. Vốn đã mê tốc độ, ông càng khao khát lập thêm những kỷ lục mới. Và như thế, ông vô tình tham gia một cuộc đua mang tầm thế giới.

Cần biết rằng người ghi kỷ lục chạy xe nhanh nhất thế giới đầu tiên không mang quốc tịch Mỹ. Đó là một người Pháp, Bá tước Gaston de Chasse-loup-Laubat. Ông lái một chiếc xe hiệu Jeantaud chạy pin. Năm 1898, ông đã cùng chiếc xe của mình ghi kỷ lục ấn tượng là gần 63km/h.

Động thái của Gaston đã mở màn cho vô số nỗ lực phá kỷ lục diễn ra sau đó. Người ta thi nhau chạy xe nhanh nhất có thể trên các sa mạc, bãi biển, lòng hồ cạn... trải dài từ Bỉ tới Anh, Pháp, Áo và Châu Phi. Họ sử dụng xe chạy bằng động cơ hơi nước, xe điện và cả xe độ gắn động cơ máy bay 12 xi lanh, với công suất cực mạnh. Một số chiếc xe được chế tác hoàn hảo, số khác thì thô kệch thảm hại.

Nhiều chiếc xe nổi tiếng như người lái chúng vậy. Giới mê xe vẫn không thể quên vài mẫu xe đã trở thành huyền thoại: Fiat Mephistopheles, The Bluebird, The Chitty Bang Bang, The Green Monster, The Mormon Meteor, The Spirit of America.

Henry Ford, người sáng lập hãng Ford lừng danh, cũng từng tham gia tranh tài. Ông nắm kỷ lục tốc độ trên bộ vài tuần vào năm 1904, khi lái chiếc Arrow Racer vượt mốc 150km/h. Trong khi đó người phụ nữ đầu tiên ghi kỷ lục tốc độ trên bộ là Dorothy Levitt. Đây là một phụ nữ Anh đã đạt tốc độ hơn 145km/h vào năm 1906.

Khoảng thời gian kéo dài từ khi Thế chiến I diễn ra cho tới lúc kết thúc là thời điểm các hoạt động lập kỷ lục liên quan tới tốc độ rất được ưa chuộng. Người ta nghĩ ra và triển khai đủ loại ý tưởng, ví dụ đua tới vùng cực của Trái đất trong thời gian ngắn nhất hoặc bay qua Đại Tây Dương nhanh nhất. Mọi kỷ lục đều lập tức đều được các tờ báo đưa lên trang nhất. Tương tự là những thất bại, các vụ tai nạn và cả những cái chết. Nhưng thu hút nhiều sự quan tâm nhất vẫn là các kỷ lục tốc độ trên bộ.

Suốt nhiều thập kỷ, người Anh gần như ở thế vô địch thiên hạ trong lĩnh vực này. Gương mặt đại diện của nước Anh là Malcolm Campbell, một huyền thoại về tốc độ. Ông lập và phá vô số thành tích cùng những chiếc Bluebird tuyệt vời, với chiếc sau luôn lớn hơn, nhanh hơn chiếc trước.

Từng chút một, ngưỡng tốc độ tăng dần lên theo những lần người ta lập kỷ lục. Sau Thế chiến II, các tài xế giỏi nhất bắt đầu thử chinh phục mốc 640km/h. Nhưng chưa ai có thể vượt qua mốc này. Người Mỹ lại càng không. Họ thờ ơ với việc ghi kỷ lục, cho đến khi Mickey xuất hiện.

Danny Thompson (đứng phía trước) bên chiếc Challenger 2 và đội ngũ hỗ trợ ông ghi kỷ lục.
Danny Thompson (đứng phía trước) bên chiếc Challenger 2 và đội ngũ hỗ trợ ông ghi kỷ lục.
Lập kỷ lục chưa từng có

Dựa vào kinh nghiệm thu được sau khi lập kỷ lục cùng chiếc xe độ với 2 động cơ, Mickey đã quyết định tạo ra chiếc xe mới với 4 động cơ. Những phác thảo đầu tiên về chiếc xe drag này được ông vẽ ngay trên sàn gara nhà mình.

Mickey bắt tay vào chế tạo không lâu sau đó. Ông tạo ra một phần khung xe đặc biệt, dùng để đỡ 4 động cơ V-8 của xe Pontiac, với tổng công suất lên tới hơn 3.000 mã lực. Mickey đã phải độ chế rất nhiều để 4 động cơ, với hệ thống dẫn không khí,  nhiên liệu và truyền động độc lập có thể kết hợp ăn ý với nhau. "Người ta vẫn hỏi bằng cách nào tôi có thể sang số đồng thời cho 4 động cơ và tôi dùng kỹ thuật nào để kết nối các hộp số? Khi phác thảo chiếc xe, tôi không lập tức giải quyết toàn bộ các vấn đề liên quan tới cả 4 hộp số. Thay vì thế tôi chỉnh sửa từng hộp số một. Sau đó tôi làm một hệ thống gá để kết nối các cần số. Tôi tiếp tục tinh chỉnh cho đến khi cả 4 hộp số kết nối với nhau và hoạt động mượt mà" - Mickey chia sẻ trong một cuốn hồi ký của ông.

Nhưng "bộ lòng" chưa phải là yếu tố đóng vai trò quan trọng chủ chốt trong chiếc xe của ông. Sau này khi trả lời phỏng vấn tạp chí Time về chiếc xe, Mickey có nói: "Yếu tố quan trọng nhất liên quan tới tốc độ của xe là khí động học. Nếu thiết kế khí động học không tốt, xe của bạn sẽ bốc lên trời". Cần biết rằng phần lớn kỹ sư sống trong giai đoạn đầu những năm 1960 còn chưa biết hình dáng thân có thể ảnh hưởng tới tốc độ của một chiếc xe. Mickey không chỉ nhận ra điều đó mà ông còn thay đổi hình dáng để chiếc xe độ của ông có thể đạt được tốc độ tối ưu.

Kết quả của nỗ lực độ chế là chiếc xe mang tên Challenger với hình dáng thon dài độc đáo. Mickey quyết định sẽ dùng nó để vượt ngưỡng 640km/h. Mickey tin rằng nếu chiếc xe với nhiều cải tiến mới mẻ này không giết chết ông, nó sẽ làm ông trở nên vô cùng nổi tiếng.

Tuy nhiên những lần chạy đầu tiên không thành công. Trong năm 1959, Thompson đã có thể đạt tốc độ tới 320 và 480km/h, nhưng chưa thể chạy nhanh hơn nữa. Thậm chí trong một lần chạy, ống cung cấp khí oxy gặp sự cố đã khiến ông ngất xỉu vì ngạt thở. Thất vọng, ông phải ngừng việc ghi kỷ lục để tinh chỉnh lại chiếc Challenger.

Ngày 9.9.1960, Mickey đưa Challenger 1 tới lòng chảo Bonneville Salt Flats ở California để thử lập kỷ lục thêm một lần nữa. Lượt chạy đầu tiên diễn ra rất thuận lợi. Ông kể lại trải nghiệm trong cuốn tự truyện: "Khi tôi phóng đi, chiếc xe mang lại cảm giác tuyệt vời. Tôi chờ đợi khoảnh khắc những chiếc lốp xe bị hỏng, nhưng chuyện đó không xảy ra... Tôi liên tục kiểm tra hai chiếc đồng hồ đo vòng tua để xem thông số về 2 cặp động cơ của xe. Trước kia chúng chưa bao giờ hoạt động cùng mức với nhau. Nhưng trong buổi sáng ấy, chúng đã ở số vòng tua giống hệt nhau khi tôi đạt tốc độ 480km/h. Ở tốc độ 560km/h, chúng vẫn cho thông số giống nhau. Chúng tiếp tục ổn định ở mức 600km/h. Tôi giữ nguyên ga và chiếc Challenger lao đi như một giấc mơ. Không có bất kỳ vấn đề nào trong hoạt động điều khiển. Lần đầu tiên trong đời tôi không phải nhấc chân khỏi bàn đạp ga".

Kết quả chính thức cho thấy ở lượt chạy đầu tiên chiếc Challenger đạt tốc độ cao nhất 650,56 km/h. Vận tốc này ngang với sơ tốc của một viên đạn vừa bắn ra khỏi nòng một khẩu súng ngắn. Như thế Mickey đã trở thành người chạy xe nhanh nhất hành tinh và là người Mỹ đầu tiên vượt mốc hơn 650km/h.

Nhưng để có thể được xác nhận kỷ lục chính thức, ông phải cho xe chạy thêm lượt nữa về điểm xuất phát. Và ông phải thực hiện lượt chạy thứ hai chỉ 1 giờ sau lượt đầu tiên. Người ta sẽ tính thành tích trung bình giữa hai lượt chạy để ghi tên ông vào sách kỷ lục.

Thật đáng tiếc khi trong lượt chạy về, hệ thống kết nối các hộp số đã gặp sự cố và Mickey phải bỏ cuộc giữa chừng. Ông không đạt tiêu chuẩn để được chứng nhận giữ kỷ lục tốc độ mới. Tuy nhiên trong những thước phim tài liệu trắng đen còn lưu lại tới ngày nay, Mickey vẫn được dân Mỹ xem như người đã từng lái xe chạy nhanh nhất hành tinh. Ông trở thành người hùng, vì là một công dân Mỹ ghi kỷ lục bằng thiết bị sản xuất ở Mỹ.

Chiếc xe Mickey chế ra không giết chết ông nên nó đã biến ông trở thành người nổi tiếng. Hàng loạt hợp đồng tài trợ đổ về, Mickey quyết định nghỉ việc ở tờ Los Angeles Times để dồn tâm sức cho việc chế và đua xe.

Ông chế ra những chiếc xe đua mới mẻ để thách thức những kẻ mang tư tưởng bảo thủ tại giải Indianapolis 500. Ông tạo ra xe chạy mọi địa hình để thử chinh phục sa mạc Baja California. Ông tạo ra một công ty chuyên cung cấp phụ tùng độ xe lên tốc độ cao hơn, bên cạnh một công ty sản xuất lốp xe. Nói một cách khác thì Mickey đã gây dựng lên cả một đế chế.

Vào năm 1965, những chiếc xe chạy động cơ phản lực bắt đầu thống trị kỷ lục tốc độ trên bộ. Tay đua người Mỹ Craig Breedlove đã lập kỷ lục hơn 960km/h với chiếc Spirit of America Sonic 1. Không muốn đứng ngoài cuộc chơi, Mickey chế chiếc xe mới mang tên Challenger 2 và trở lại Bonneville vào năm 1968. Mickey không muốn ganh đua với những chiếc xe gắn động cơ phản lực. Ông chỉ muốn tiếp tục phá kỷ lục bằng xe dùng động cơ đốt trong, nhưng không thành công.

Giữa những năm 1980, Mickey quá bận rộn để ghi kỷ lục mới nên ông phải hợp lực với một đối tác có tên Michael Goodwin - một doanh nhân thành công đang sở hữu nhiều trường đua xe máy nổi tiếng. Sự hợp tác tưởng như trong mơ ấy hóa ra lại gặp nhiều trục trặc ngay từ đầu. Goodwin là người thích phô trương, kiểu ngôi sao, trong khi Mickey là dạng người nói ít làm nhiều. Họ lập tức có nhiều xung đột với nhau.

Chỉ sau vài tháng hợp tác, Thompson nhận thấy Goodwin không trả tiền cho công ty ông như đã thỏa thuận. Sau vài lần đòi nợ không thành, Thompson đưa Goodwin ra tòa. Goodwin bị xử thua và phải trả nợ Thompson số tiền hơn nửa triệu USD. Tuy nhiên Goodwin tuyên bố phá sản và không trả tiền nợ.

Ngày 16.3.1988, Mickey và người vợ hai Trudy Thompson được phát hiện trong tình trạng bị bắn chết tại nhà riêng. Cảnh sát điều tra thấy có tiền bạc và đồ trang sức bị vứt lại hiện trường. Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy đây không phải vụ cướp đơn thuần mà là một vụ ám sát.

Do thiếu chứng cứ nên vụ án rơi vào tình trạng bế tắc suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên em gái của Mickey là bà Collene Thompson Campbell vẫn không bỏ cuộc và kiên trì gây sức ép lên chính quyền địa phương. Cuối cùng, sau nhiều năm, có người đã cung cấp lời khai cho nhà chức trách biết rằng mình nhìn thấy một người đàn ông trông giống Goodwin đậu xe trên con phố gần nhà Mickey chỉ vài ngày trước khi ông bị giết.

Thông tin này là đủ để nhà chức trách mở lại vụ án. Phiên xử Goodwin được tiến hành vào năm 2006. Năm 2007, ông ta bị kết án chung thân do phạm các tội danh giết người và tổ chức giết người, liên quan tới cái chết của Mickey.

Với gia đình Mickey, vụ án đã có thể khép lại một chương đau buồn trong cuộc đời của họ. Nhưng con trai Mickey, Danny, thì không nghĩ thế. Danny còn nhớ năm 1988 cha đã muốn ông hỗ trợ độ chiếc Challenger 2 để ghi kỷ lục tốc độ mới. Nhưng rồi kế hoạch sụp đổ bởi ông bị giết sau đó 1 tháng. Danny không muốn kế hoạch của cha kết thúc trong dang dở.

Di nguyện của người cha

Danny Thompson là một tay đua bẩm sinh, điều dễ hiểu khi ông sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống như thế. Niềm đam mê đến một cách tự nhiên khi tiếng gầm động cơ là thứ âm nhạc ông nghe hàng ngày và đồ chơi là công cụ sửa xe của cha.

Danny yêu xe nên ông đến với hoạt động đua xe rất tự nhiên. Ông tham gia đủ các thể loại, từ xe địa hình cho tới xe công thức một và cả xe tải. Ông tài giỏi và đã thắng nhiều cuộc đua, thậm chí giành không ít chức vô địch.

Điều trái khoáy là khi còn sống Mickey lại cấm con đua xe. Mickey biết rõ đua xe mang tới những rủi ro lớn như thế nào nên không muốn con gặp nguy hiểm. Ông từ chối hỗ trợ hoặc giúp con theo đuổi đam mê nên trong một thời gian dài Danny phải lén theo đuổi đam mê. Mickey chỉ thừa nhận khả năng của con trong những ngày cuối cùng trước thời điểm bị giết, khi ông muốn Danny tự tay cầm lái chiếc Challenger 2 thay mình.

Sau khi cha mất, Danny quyết tâm thực hiện di nguyện này, bằng cách mày mò chỉnh sửa chiếc Challenger 2. Cách đây 5 thập kỷ, chiếc xe có thể là một kỳ quan về kỹ thuật chế tạo, nhưng hôm nay nó đã rất cổ lỗ. Để xe có thể ghi kỷ lục, Danny phải tiến hành rất nhiều nâng cấp.

Danny giữ nguyên hình dáng nguyên thủy của Challenger 2, một con quái vật với chiều dài tổng cộng gần 10 mét, rộng 86cm. Tuy nhiên ông thay rất nhiều chi tiết bên trong xe, với gần như mọi linh kiện đều là hàng thửa, phải độ riêng. Chiếc Challenger 2 được trang bị một cặp động cơ Hemi V-8 thay vì cặp động cơ V-8 của hãng Ford như trước kia. Các động cơ này gọn nhẹ hơn nhưng cực mạnh, với mỗi chiếc có công suất lên tới 3.000 mã lực.

Hai động cơ Hemi sử dụng một hộp số đôi ba tốc độ kết nối hoàn hảo với nhau. Tuy nhiên nó không có các hệ thống điều khiển được máy tính hóa phức tạp như nhiều chiếc xe siêu tốc khác.

Khi nạp đầy nhiên liệu, xe nặng tổng cộng 2.500kg. Một vòng chạy sẽ tiêu tốn 185 lít nhiên liệu với thành phần gồm chất nitromethane chiếm 87%, pha 13% methanol. Sau một lượt chạy, trọng lượng xe sẽ giảm bớt đáng kể.

Do tốc độ cao, để dừng lại chiếc xe phải sử dụng hai dù hãm. Ngoài dù, xe còn được trang bị các đĩa phanh làm từ gốm carbon. Tuy nhiên Danny sẽ dễ dàng đốt cháy những má phanh này nếu ông sử dụng chúng không kèm dù hãm.

Việc nâng cấp chiếc xe khiến Danny mất gần một thập kỷ làm việc liên tục, tiêu tốn gần như mọi xu lẻ mà ông và vợ có được. Danny sơn chiếc xe thành màu xanh như mong muốn của cha rồi kéo nó ra lòng chảo Bonneville.

Vậy nỗ lực ghi kỷ lục của Danny diễn ra như thế nào? Ông viết về trải nghiệm của mình trong tờ Bonneville Racing News số 192 như sau: "Tôi nhả phanh, nhấp chút ga và chiếc xe tải hỗ trợ liền đẩy Challenger 2 di chuyển với tốc độ chỉ khoảng 16 - 20km/h. Sau đó xe vào số 1 và phóng lên phía trước. Không gian bên trong xe rất ồn ào, nhiều khói thải của động cơ. Xe khá nặng và tôi cố sức tăng tốc, cảm thấy bánh xe trượt ở phía dưới khi điều khiển bàn đạp ga. Tôi không muốn đốt cháy những chiếc lốp xe đắt tiền do tăng tốc quá nhanh!

Càng lúc xe càng nhanh hơn. Khi tôi đạt tốc độ 432km/h, động cơ xe gần như đã chạm ngưỡng vạch đỏ về vòng tua. Số vòng tua khi ấy là 6.900 vòng/phút và đèn báo sang số đã bật nên tôi quyết định lên số 2.

Xe tôi lao đi trên cung đường chạy với tốc độ chóng mặt. Ở tốc độ 560km/h, vòng tua động cơ lại chạm ngưỡng vạch đỏ thêm lần nữa, báo hiệu đã tới lúc lên số cao nhất. Cứ thế tôi tăng ga hết cỡ cho tới hết hành trình còn lại kéo dài chừng 8km. Sau khi đi hết hành trình, tôi lập tức ngắt ga để ngừng động cơ và bung dù để xe hãm tốc và dừng lại".

Trong đoạn video ghi kỷ lục được tải lên mạng Internet, người ta có thể thấy Danny Thompson đã tự cứu mạng mình khi chiếc xe hơi lạng sang bên lúc nó đang đạt tốc độ hơn 600km/h. Danny xử lý sự cố bằng cách bình tĩnh đánh lái điều chỉnh xe.

Trông thì có vẻ đơn giản, nhưng thực tế Danny đang trượt trên đường cùng một "quả tên lửa" mạnh 6.000 mã lực. Chỉ một tính toán sai lầm, chiếc xe sẽ rơi khỏi trạng thái cân bằng và mất điều khiển. Với việc đang ở tốc độ cực cao, mất kiểm soát xe cũng đồng nghĩa với việc sẽ nhận cái chết không thể tránh.

Không giống cha đẻ, Danny chẳng gặp bất kỳ sự cố kỹ thuật nào với Challenge 2. Ông đã ghi kỷ lục khi có tốc độ trung bình cho 2 lượt chạy là hơn 717km/h. Kỷ lục tốc độ trên bộ, được thiết lập cách nay 20 năm và vẫn đứng vững, hiện thuộc về chiếc ThrustSSC của người Anh (1.220km/h). Nhưng Danny Thompson vẫn nắm kỷ lục tốc độ với phương tiện là một chiếc xe dùng động cơ đốt trong.

Lập kỷ lục nhưng Danny không nổi tiếng bằng cha, không trở thành một người hùng khác của nước Mỹ. Tuy nhiên ông cũng chẳng bận tâm lắm về điều này. Các hình ảnh từ lần ghi kỷ lục mà Danny thực hiện vào năm ngoái còn lưu lại cho thấy ngay sau khi bước xuống khỏi chiếc Challenger 2, ông đã mỉm cười. Ông mệt mỏi nhưng gương mặt rạng rỡ. Rốt cục ông đã hoàn thành nhiệm vụ người cha xấu số giao cho và giờ có thể sống tiếp đời mình trong nhẹ nhõm.

Hương Giang (Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN

Phụ huynh cần chú ý những điều gì khi có trẻ em ngồi trên xe hơi?

Long Du |

Nhiều người mở cửa sổ trời xe để cho con ngoi lên chơi, hóng gió, những tưởng điều này là tốt nhưng lại mang đến những ẩn họa khó lường.

Có gì đặc biệt bên trong 40 mét vuông tiệm sửa xe đạp cổ?

Bảo Trung |

Trong không gian chỉ khoảng 40 mét vuông, anh Bình vẫn đều đặn mỗi năm phục chế hàng chục mẫu xe đạp cổ bằng nhiệt huyết, niềm đam mê và tình yêu không đổi dành cho dòng xe này...

Cách thức tài mới cần nắm để đỗ xe dễ dàng

Long Du |

Việc đỗ xe chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với tài xế mới. Tuy nhiên, nếu nắm vững 5 nguyên tắc dưới đây thì vấn đề trên sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.

Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ nắng hanh và tăng nhiệt

AN AN |

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia nhận định không khí lạnh tác động mạnh đến Bắc Bộ từ đêm nay đến ngày mai 18.1. Từ ngày 19.1, ngày có nắng hanh và nhiệt độ có xu hướng tăng nhẹ.

Nở rộ dịch vụ cho thuê người yêu về nhà ra mắt dịp Tết

Phùng Nhung |

Nhiều người trẻ mỗi dịp về quê ăn Tết lại bị bố mẹ thúc giục chuyện yêu đương, kết hôn, sinh con. Vì lẽ đó, họ tìm đến dịch vụ cho thuê người yêu để trấn an tâm lý gia đình.

Vì sao gốc đào Nhật Tân được chào bán với giá 200 triệu đồng?

Quỳnh Trang |

Sáng 17.1, dọc đại lộ Lê-Nin, thành phố Vinh (Nghệ An) tấp nập cảnh mua - bán hoa, cây cảnh phục vụ Tết Nguyên đán. Trong đó, thu hút nhiều người xem nhất là gian trưng bày gốc đào Nhật Tân của anh Đặng Văn Cường (36 tuổi, trú TP Vinh) bởi nơi đây trưng bày gốc cổ thụ độc đáo với thế "rồng bay".

Nhìn lại diễn biến vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp

Bảo Bình - Dương Anh |

Liên quan vụ bé trai rơi xuống trụ bê tông ở Đồng Tháp, sau hơn nửa tháng tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã đưa được đoạn cọc thứ nhất (dài 12m) trong số 3 đoạn của cọc bêtông lên mặt đất và đang tiến hành các bước cứu hộ tiếp theo.

Khoảnh khắc AFF Cup: Khép lại hành trình của ông Park Hang-seo

NHÓM PV |

Bản tin Khoảnh khắc AFF Cup ngày 17.1. AFF Cup 2022 kết thúc, khép lại hành trình của huấn luyện viên Park Hang-seo với bóng đá Việt Nam.

Phụ huynh cần chú ý những điều gì khi có trẻ em ngồi trên xe hơi?

Long Du |

Nhiều người mở cửa sổ trời xe để cho con ngoi lên chơi, hóng gió, những tưởng điều này là tốt nhưng lại mang đến những ẩn họa khó lường.

Có gì đặc biệt bên trong 40 mét vuông tiệm sửa xe đạp cổ?

Bảo Trung |

Trong không gian chỉ khoảng 40 mét vuông, anh Bình vẫn đều đặn mỗi năm phục chế hàng chục mẫu xe đạp cổ bằng nhiệt huyết, niềm đam mê và tình yêu không đổi dành cho dòng xe này...

Cách thức tài mới cần nắm để đỗ xe dễ dàng

Long Du |

Việc đỗ xe chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với tài xế mới. Tuy nhiên, nếu nắm vững 5 nguyên tắc dưới đây thì vấn đề trên sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.