1. Miễn lệ phí trước bạ, ôtô điện đổ bộ thị trường Việt
Đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 10/2022/NĐ-CP quy định về lệ phí trước bạ, trong đó có quy định về việc miễn lệ phí trước bạ cho ôtô điện chạy bằng pin. Cụ thể, từ ngày 1.3.2022 đến hết 1.3.2025, tức trong vòng 3 năm, mức thu lệ phí trước bạ với ôtô điện chạy pin là 0%. Giai đoạn 2, tính từ sau ngày 1.3.2025 đến hết 1.3.2027, mức thu lệ phí trước bạ khi mua ôtô điện chạy pin bằng 50% mức thu với ôtô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Các loại ôtô điện chạy pin nộp lệ phí trước bạ lần thứ hai trở đi với mức thu 2%, áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Không chỉ VinFast tiên phong dừng sản xuất, kinh doanh xe xăng để chuyển sang xe điện, nhiều nhà sản xuất, phân phối ôtô tại Việt Nam như Hyundai, Kia cũng như các hãng xe sang Mercedes-Benz, Audi, Porsche… đã và đang lên kế hoạch phân phối ôtô điện tại Việt Nam.
Chính sách này phần nào mang đến những tín hiệu tích cực cho thị trường xe điện tại Việt Nam vốn đang trong giai đoạn mở đầu.
2. Triển lãm Ôtô Việt Nam VMS 2022 tổ chức sau 2 năm tạm hoãn
Tháng 10.2022, Triển lãm Ôtô Việt Nam - Vietnam Motor Show 2022 (VMS 2022) chính thức trở lại, được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) với sự tham gia của 14 thương hiệu ôtô cùng hàng trăm nhãn hàng trong lĩnh vực phụ trợ liên quan.
Tuy thiếu vắng nhiều tên tuổi trong làng ôtô Việt Nam, song nỗ lực trở lại sau 2 năm gián đoạn, với các xu hướng, phong cách mới… đã góp phần thổi một làn gió mới vào sự kiện được quan tâm nhất của thị trường ôtô Việt Nam.
Trong thời gian 5 ngày, VMS 2022 đã đón nhận gần 236.939 lượt khách hàng từ TPHCM và các tỉnh, thành khác đến tham quan, mua sắm. Từ đó, đã có gần 2.000 chiếc xe được bán ra và hàng nghìn đơn đặt hàng cho các mẫu xe sắp được chào bán đang được giới thiệu tại Triển lãm.
3. Thiếu hụt nguồn cung nhiều mẫu ôtô tăng giá
Năm 2022, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối ôtô cũng như người tiêu dùng ôtô tại Việt Nam vẫn phải đứng trước tình trạng cung không đủ cầu do "dư âm” của đại dịch cùng với biến động của tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Sản lượng ôtô của nhiều nhà sản xuất sụt giảm khi không có đủ chip bán dẫn, linh kiện để lắp ráp sản xuất.
Không ít khách hàng đặt mua xe lắp ráp trong nước hay nhập khẩu từ nước ngoài phải chờ đợi từ vài tháng trời đến cả năm mới có thể nhận được xe. Không những vậy, trước tình trạng khan hàng, các đại lý phân phối ôtô còn đẩy giá bán nhiều mẫu xe, hay thậm chí áp dụng các gói dịch vụ "bia kèm lạc" để tăng doanh số.
4. Sức mua hồi phục, tiêu thụ ôtô tại Việt Nam lập kỷ lục
Trong giai đoạn nửa cuối năm 2022, trong bối cảnh ngành sản xuất ôtô gặp khó khăn về sản lượng, nhiều nhà lắp ráp sản xuất ôtô tại Việt Nam đã nỗ lực thay đổi chiến lược, đầu tư xây dựng thêm dây chuyền, nhà máy mới để gia tăng năng lực sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nỗ lực của các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam góp phần giúp thị trường ôtô từng bước hồi phục với đà tăng trưởng liên tiếp trong 5 tháng nửa cuối năm 2022, qua đó xác lập lên kỷ lục mới về lượng xe bán ra trên thị trường. Tính đến hết tháng 11.2022, tổng lượng ôtô mới bán ra tại Việt Nam đạt gần 500.000 xe các loại.
5. Việt Nam xuất khẩu ôtô điện ra thế giới
Không chỉ sản xuất, phân phối ôtô điện đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nước, thương hiệu xe VinFast đánh dấu cột mốc lịch sử của ngành ôtô Việt Nam khi xuất khẩu lô ôtô điện đầu tiên ra thị trường quốc tế.
Từ Cảng MCP Port - Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, phường Đông Hải 2, thuộc Quận Hải An, thành phố Hải Phòng, lô VinFast VF 8 được đưa lên tàu Silver Queen để vận chuyển sang Mỹ, cập cảng California (Mỹ) và bàn giao đến khách hàng quốc tế đầu tiên vào tháng 12.2022.
Đây là lô xe đầu tiên xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong số 65.000 đơn đặt hàng xe điện VinFast VF 8 và VF 9 trên toàn cầu để phục vụ khách hàng tại Mỹ. Tiếp đó, những chiếc VinFast VF 8 sẽ tiếp tục chinh phục các thị trường tiếp theo như Canada và Châu Âu.