Huawei cho biết sẽ tách đơn vị kinh doanh Giải pháp ôtô thông minh (IAS) đã 4 năm tuổi của mình sang một công ty liên doanh mới với nhà sản xuất ôtô Chongqing Changan Automobile.
Mục đích của họ là trở thành đối trọng với đối thủ Bosch của Đức trong kỉ nguyên xe điện thông minh (EV).
Công ty ôtô mới của Huawei sẽ được hỗ trợ bởi các công nghệ và tài nguyên cốt lõi của tập đoàn này. Theo đó, đối tác Chongqing Changan Automobile và các bên liên quan sẽ sở hữu tới 40% cổ phần trong liên doanh mới.
Theo 3 nguồn tin thân cận với Reuters, các cổ đông thiểu số tiềm năng khác bao gồm các nhà sản xuất ôtô FAW Group và Dongfeng Motor Group, cũng đang đàm phán với Huawei để mỗi bên mua tới 5% cổ phần của công ty ôtô mới. Huawei vẫn sẽ là cổ đông lớn nhất với 40% đến 50% cổ phần trong 2-3 năm tới.
Chi tiết về thỏa thuận, bao gồm việc phân chia quyền sở hữu và định giá vẫn chưa được hoàn thiện và có thể thay đổi. Ngoài ra, việc mua bán cổ phần cũng phải được phê duyệt theo quy định.
Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân khiến Huawei bán cổ phần để lập công ty liên doanh ôtô mới vì cần thu hồi vốn để trang trải chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển (R&D).
Báo cáo thường niên năm 2022 của Huawei cho thấy họ đã đầu tư 3 tỉ USD vào đơn vị này kể từ khi thành lập và phát triển đội ngũ R&D lên 7.000 người.
Nhưng R&D là đơn vị duy nhất thua lỗ trong số 6 đơn vị chính của Huawei, khi chỉ đạt doanh thu hơn 140 triệu USD ở nửa đầu năm 2023, trong tổng doanh thu hơn 43 tỉ USD của tập đoàn.
Huawei có quan hệ đối tác với các công ty ôtô khác, bao gồm Seres Group và Jianghuai Automobile. Huawei và Seres cùng sản xuất ôtô mang thương hiệu Aito, trong đó có mẫu M7. Tháng 10.2023, Huawei cho biết đã nhận được hơn 500.000 đơn đặt hàng cho mẫu M7 cải tiến.
Công ty liên doanh ôtô mới của Huawei cũng sẽ tham gia vào R&D, sản xuất, bán hàng và dịch vụ các giải pháp linh kiện và hệ thống ôtô thông minh. Trụ sở chính của công ty có thể đặt ở Trùng Khánh, nơi Changan Auto cũng đặt cơ sở kinh doanh chính của mình tại đây.