Xe máy là một trong những “thủ phạm” của ô nhiễm môi trường Hà Nội với 5,7 triệu chiếc tham gia giao thông, trong đó có 2,5 triệu xe máy có tuổi đời trên 20 năm (đăng ký trước năm 2000) và khoảng 60.000 xe có tuổi đời từ 30 năm- 50 năm.
Đây không chỉ là tác nhân trực tiếp gây ô nhiễm môi trường không khí của thành phố mà mối nguy tiềm tàng với người tham gia giao thông, nguy cơ ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.
Với lượng xe cũ, nát, Hà Nội đã từng lên phương án cấm lưu hành. Tuy nhiên Luật hiện hành và cả Luật giao thông đường bộ sửa đổi 2020 đang trình Quốc hội xem xét cũng không có quy định về niên hạn xe máy. Nói cách khác, cơ quan chức năng vẫn chưa đưa ra những tiêu chí, tiêu chuẩn nào để xác định niên hạn sử dụng an toàn đối với loại phương tiện này. Lực lượng cảnh sát giao thông chỉ có thể xử phạt khi các phương tiện này vi phạm an toàn giao thông. Nếu xe đầy đủ giấy tờ chứng minh là tài sản riêng thì không thể tịch thu, loại bỏ được.
Năm ngoái, Hà Nội đưa ra đề xuất xây dựng phương án cấm xe máy theo lộ trình 3 giai đoạn 2019-2025, 2026-2030 và sau năm 2030. Theo đó, đến 2025 sẽ thí điểm cấm xe máy vào giờ cao điểm các ngày làm việc trong tuần trên nhiều tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố tiến tới 2030 cấm hoàn toàn xe máy trong nội thành.
Thế nhưng đến đầu năm 2020, Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng: Việc cấm xe máy cá nhân đời sống hàng ngày và sinh kế của hàng triệu người. Xe máy đã trở thành phương tiện tiết kiệm, thuận tiện và linh hoạt nhất, đặc biệt tại các thành phố như Hà Nội và TPHCM, nơi đường phố chật hẹp và hệ thống phương tiện giao thông thay thế còn chưa phát triển.
Theo chương trình thí điểm đổi xe cũ lấy xe mới, những chiếc xe máy cũ trên 18 năm tuổi tại Hà Nội nếu không đạt tiêu chuẩn về khí thải có thể được hỗ trợ bằng một khoản tiền tương đượng 2-4 triệu để đổi sang xe mới. Nguồn kinh phí do Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ.
Để đổi hết khoảng 2,5 triệu xe, VAMM cần khoản tiền là 5.000 tỉ đến 10.000 tỉ đồng. Con số này là phi thực tế. Không loại trừ nó sẽ được chuyển vào giá thành những loại xe mới và việc đổi cũ lấy mới vẫn chỉ là một chiêu makerting hay giải pháp kích cầu tăng lượng bán ra, giải quyết xe máy tồn bởi dịch COVID-19.
Hạn chế xe cá nhân, trong đó hạn chế xe máy tại các trung tâm thành phố là việc cần làm. Điều này sẽ giải quyết được hai vấn đề: Một là môi trường, hai là nạn kẹt xe hiện nay.
Nhưng nó lại đặt ra bài toán khác về tổ chức giao thông như phát triển hệ thống xe buýt, minibus, buýt nhanh, đường sắt đô thị, xe đạp công cộng, một số phương tiện giao thông khác… Chỉ có thể cấm được xe máy nếu các loại hình vận tải công cộng sẽ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu đi lại của người dân.