Bất chấp việc cổ phiếu bị bán tháo mạnh, BYD vẫn giữ vững vị thế của mình. Quyết định đầu tư vào BYD của Warren Buffett vào năm 2008 tiếp tục được coi là một quyết định cực kì thông minh khi xem xét hiệu suất gần đây của hãng xe Trung Quốc. Tập đoàn đầu tư Berkshire Hathaway của tỉ phú sinh năm 1930 hiện sở hữu 16% cổ phần của BYD.
Trong ba tháng qua, cổ phiếu của BYD chỉ giảm 2%. So với các đối thủ cùng lĩnh vực sản xuất xe điện, nhiều người mới hiểu tại sao BYD đang trụ vững: Xpeng giảm 9%, Nio là 37%, Rivian là 52%, Lucid là 51% và cả Tesla với 54%.
Tính cả năm 2022, cổ phiếu của BYD chỉ giảm 19%, so với mức giảm khoảng 70% của Tesla và Nio, mức giảm 78% của XPeng.
Sức mạnh của cổ phiếu BYD một phần được cho là nhờ doanh số bán xe kỉ lục của hãng vào năm 2022. BYD cho biết, họ đã bán được gần 1,9 triệu xe vào năm 2022, vượt xa doanh thu cùng năm của Tesla là khoảng 1,3 triệu xe. BYD bán cả xe plug-in hybrid và xe điện hoàn toàn, thường ở mức giá thấp hơn so với mẫu Model 3 (có giá thấp nhất) của Tesla.
Khả năng phù hợp với đại chúng của các loại xe điện và hybrid của BYD khiến sản phẩm của hãng trở thành lựa chọn phổ biến của người tiêu dùng Trung Quốc. Đó cũng có thể là lí do Tesla tiếp tục giảm giá xe điện ở thị trường Trung Quốc, với đợt giảm giá thứ hai trong vòng chưa đầy ba tháng sẽ diễn ra vào tuần này do hãng xe Mỹ nhận thấy nhu cầu chậm lại.
Điều đặc biệt ấn tượng về hiệu suất của BYD trong những tháng gần đây là làn sóng lây nhiễm COVID-19 và phong tỏa ở Trung Quốc không cản trở quá trình sản xuất xe điện của công ty. Ngược lại, Tesla buộc phải giảm tốc độ sản xuất ở Trung Quốc do tình hình dịch bệnh.