Giảm ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông
Tình hình ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn biến phức tạp, nồng độ các chất gây ô nhiễm không khí có xu hướng tăng. Trong đó, khí thải từ các phương tiện giao thông nhất là các phương tiện cũ nát bao gồm các hạt bui lơ lửng, khí ô xít các bon (CO), Hiđrô cacbon (HC), các dạng ôxít nitơ (NOx) và các chất khác gia tăng theo gian và ngày càng vượt quá giới hạn cho phép đã ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân Thủ đô.
Để từng bước giúp kiểm soát khí thải phương tiện xe máy, đặc biệt là các xe máy cũ, quá niên hạn sử dụng, chất lượng kém và thiếu nhận thức về ảnh hưởng, tác hại của khí thải giảm ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, Sở TNMT Hà Nội đã đề xuất Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội chấp thuận chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn thành phố”.
Theo đó, Sở TNMT Hà Nội sẽ thực hiện lập 8 trạm đo khí thải và 30 đại lý hỗ trợ đổi xe máy cũ trên địa bàn 6 quận là: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông để triển khai chương trình. Khi người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo kiểm về khí thải, nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được Hiệp hội Xe máy Việt Nam (VAMM) hỗ trợ kinh phí đổi xe máy mới với mức hỗ trợ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp.
Thống kê của Sở TNMT Hà Nội cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố có trên 5,7 triệu xe máy, trong đó có khoảng 2,5 triệu xe máy cũ, đăng ký trước năm 2000 và trên 730.000 xe ôtô và chưa kể các phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn thành phố. Khí thải từ các phương tiện này đã gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân. Để từng bước cải thiện chất lượng không khí, tránh ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông, Sở TNMT Hà Nội đề xuất UBND thành phố chấp thuận cho triển khai thí điểm chương trình trong 3 tháng, bắt đầu từ tháng 9.2020 đến hết tháng 12.2020.
Kiên quyết loại bỏ xe cũ nát
Hiện nay có hơn 6 triệu phương tiện nhưng mới chỉ có nửa triệu xe ôtô được kiểm soát khí thải, niên hạn sử dụng, còn xe máy gần như “thả nổi”. Trong đó, xe máy chiếm trên 80% lưu lượng, nếu không kiểm soát được khí thải, niên hạn sử dụng thì việc giảm ô nhiễm môi trường cho đến kiểm soát xe cá nhân rất khó thực hiện.
Từ năm 2017, thành phố Hà Nội đã xây dựng đề án kiểm soát khí thải xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông. Trong đó có đề xuất thu phí môi trường thông qua dán tem môi trường các mức xanh, vàng, đỏ đối với phương tiện xe môtô, xe gắn máy và thu hồi loại bỏ xe môtô, xe gắn máy không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật tham gia giao thông đối với phương tiện có mức phát thải môi trường vượt quá mức cho phép không có các biện pháp khắc phục.
Tuy nhiên, việc kiểm soát khí thải của xe máy rất khó, cần có tiêu chí rõ ràng và đưa ra căn cứ pháp lý khi kết luận xe này đạt, xe kia không đạt. Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, việc dẹp bỏ xe cũ nát “đầu cá vá đầu tôm” là rất cần thiết nhưng cần phải có chính sách hợp lý vì 100% chủ những phương tiện cũ nát này là người nghèo và đây là những phương tiện mưu sinh hằng ngày của họ. Do đó, ngoài việc tuyên truyền về tác hại của xả thải và mất an toàn giao thông của phương tiện cũng cần phải xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không chấp hành.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp Hội vận tải Ôtô Việt Nam, chủ trương này là tốt, cần được ủng hộ, vì không đơn thuần chỉ là kích cầu thị trường của các nhà sản xuất mà nó còn giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông. Vấn đề quan trọng nhất là nguồn tài chính hỗ trợ, chắc chắn các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe gắn máy sẽ trích từ lợi nhuận để hỗ trợ. Nhưng 100% người sử dụng xe cũ, nát là người nghèo, trong khi đó một chiếc xe máy trung bình phải từ 15 triệu đồng trở lên.
Việc hỗ trợ từ 2 đến 4 triệu cũng chưa đủ để mua xe, do đó cần phải có thêm sự hỗ trợ là cho họ trả góp và không tính lãi trong thời gian nhất định để thực sự khuyến khích họ từ bỏ xe cũ nát. Cùng với đó, bản thân người đổi xe cũng phải có sự đóng góp ít nhất 20% vào giá trị xe mới.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - ông Nguyễn Sinh Quyền cũng cho rằng, cần làm rõ nguồn kinh phí thực hiện chương trình, đặc biệt là khoản hỗ trợ từ 2 - 4 triệu/xe máy thay mới là lấy từ đâu vì nếu lấy nguồn từ ngân sách thành phố là không hợp lý.
Theo các chuyên gia giao thông quan trọng nhất là đánh giá được thực trạng xả khí thải của xe máy trên đường hiện nay; tiếp đến là thông báo cho chủ xe được biết để có phương án sử dụng phương tiện (tiếp tục giữ hay đổi xe mới) cho phù hợp. Chương trình hoàn toàn không có chuyện áp đặt chủ xe phải bỏ xe cũ, hay chuyển sang xe mới.
“Nguồn tiền để hỗ trợ không chỉ trông chờ vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xe máy mà cần phải có sự hỗ trợ từ các quỹ như: Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ vì người nghèo… để hỗ trợ người nghèo và bản thân người nghèo cũng phải vươn lên, chứ không thể cho không và có định hạn thời điểm nào đó phải thu hồi toàn bộ số xe cũ nát”, ông Thanh cho hay.
Theo ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TNMT Hà Nội) - đơn vị soạn thảo chương trình, toàn bộ chi phí thực hiện, trong đó có lập 8 trạm đo khí thải trên địa bàn 6 quận và hỗ trợ chủ phương tiện xe cũ từ 2 - 4 triệu đều do Hiệp hội Xe máy Việt Nam chịu trách nhiệm. Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội chỉ là đơn vị đưa ra đề xuất, tuyên truyền, sau đó phối hợp với các sở ngành có liên quan hỗ trợ Hiệp hội Xe máy Việt Nam triển khai thực hiện. Tr.X
Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới Yên Viên, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, xe máy đang chiếm trên 80% lưu lượng trên đường, nếu không kiểm soát được khí khải, niên hạn sử dụng thì việc giảm ô nhiễm môi trường cho đến kiểm soát xe cá nhân rất khó thực hiện. Việc đo khí thải các xe máy, đảm bảo công bằng và tránh bức xúc xã hội, cơ quan thực hiện cần có tiêu chí rõ ràng và đưa ra căn cứ pháp lý khi kết luận xe này đạt, xe kia không đạt.
Về nội dung đánh giá tiêu chuẩn khí thải, ông Thái cho biết, đơn vị thực hiện sẽ dựa vào một số tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện xe cơ giới hiện nay và tiêu chuẩn kỹ thuật của các nhà sản xuất xe máy để đưa ra các mức tính toán cho phù hợp.
“Nhiệm vụ quan trọng nhất của chương trình là giúp các cơ quan chức năng của thành phố đánh giá về thực trạng xả khí thải của xe máy trên đường hiện nay; tiếp đến là thông báo cho chủ xe được biết để có phương án sử dụng phương tiện (tiếp tục giữ hay đổi xe mới) cho phù hợp. Chương trình hoàn toàn không có chuyện áp đặt chủ xe phải bỏ xe cũ, hay chuyển sang xe mới”, ông Thái thông tin. Hoàng Tùng