Màng lọc khuẩn HEPA
Cách đây 5 năm, hãng Tesla đã giới thiệu công nghệ làm sạch không khí với bộ lọc HEPA trên mẫu Tesla Model X. Theo đó, bộ lọc này bao gồm nhiều lớp như lọc thô, lọc tinh để loại bớt thành phần bụi bẩn, cuối cùng là màng lọc HEPA để lọc vi khuẩn, virus. Theo giới thiệu của hãng Tesla, bộ lọc HEPA phân biệt thành các chỉ số lọc bụi từ E10 (lọc được 85% bụi bẩn) đến U17 (lọc được 99,9% bụi bẩn).
Trước đó, hãng Tesla đã tiến hành thử nghiệm ở nhiều địa điểm có không khí ô nhiễm như xa lộ California trong giờ cao điểm, bãi rác và đồng cỏ ở thung lũng trung tâm California, đến các thành phố lớn ở Trung Quốc.
Như vậy, đối với những dòng xe trang bị bộ lọc HEPA như Tesla Model X hay Tesla Cyber Truck thì hoàn toàn có khả năng lọc khuẩn thông thường. Tuy nhiên, sẽ không cách ly được hoàn toàn được vi khuẩn, đặc biệt là virus nguy hiểm. Ngoài ra, hãng xe Tesla còn giới thiệu bộ lọc Bioweapon có khả năng lọc 99,9% các hạt có đường kính 0,3 micromet.
Mới đây, hãng xe Geely của Trung Quốc tuyên bố đã nghiên cứu thành công hệ thống IAPS có khả năng ngăn chặn virus xâm nhập vào xe để đối phó với virus Corona mới. Hệ thống lọc không khí IAPS được cho là đạt chứng nhận N95 có khả năng lọc 95% các hạt có đường kính 0,3 micromet.
Mặc dù vậy, ngay cả khi chiếc xe an toàn tuyệt đối thì chúng ta vẫn phải tiếp xúc với không khí bên ngoài trước khi vào xe.
Được biết, virus COVID-19 nhạy cảm với tia cực tím và nhiệt trên 17 độ C. Do đó, nước nóng 56 độ C, cồn 75%, chất khử trùng có chứa clo, axit peracetic và chloroform có thể vô hiệu hóa virus này. Vì thế, nguyên tắc khử trùng cơ thể vẫn là liệu pháp được đề cao trong thời điểm hiện nay.
Dùng tia UV-C để tiêu diệt vi khuẩn, virus
Theo các nghiên cứu trong lĩnh vực Y tế, công nghệ diệt khuẩn bằng tia cực tím UV-C có thể giúp ngăn chặn sự lây lan của cảm lạnh và cúm, cũng như các mầm bệnh khác lây nhiễm qua không khí.
Công nghệ này đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như khử trùng nước, lọc không khí và khử trùng bề mặt bằng cách sử dụng các bước sóng ánh sáng trong khoảng 200-280 nanomet trong hơn 70 năm qua.
Cụ thể, bằng cách tích hợp tia UV-C vào hệ thống điều hoà không khí của xe, Jaguar Land Rover tin rằng nó có thể giúp ngăn chặn vi khuẩn và virus gây hại được gọi là mầm bệnh trong cabin. Thông qua việc tích hợp tia cực tím UV-C trong hệ thống điều hòa không khí sẽ phá vỡ cấu trúc phân tử của DNA, vô hiệu hóa cấu trúc mầm bệnh.
Sau đó, không khí sạch được giải phóng vào cabin. Thậm chí, công nghệ này có thể giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại siêu vi khuẩn kháng thuốc các dịch bệnh H5N1, dịch SARS và hiện tại là dịch COVID-19.
Về lý thuyết, ý tưởng dùng đèn chiếu tia UV-C trong cabin xe để diệt vi khuẩn, virus là đúng, nguyên lý hoạt động tương tự như thao tác vô trùng trong phòng thí nghiệm.
Mặc dù có khả năng khử trùng tốt, nhưng phương pháp khử trùng bằng UV-C cũng cho thấy nhiều trường hợp kháng tác dụng. Thực tế, nếu áp dụng nguyên lý này trên xe hơi sẽ có nhiều rủi ro vì tia UV-C rất có hại cho con người.
Ngoài ra, khi chiếu UV-C vào không khí thì khí oxy (O2) sẽ chuyển hoá thành khí ozon (O3), người hít nhiều khí ozon sẽ bị tổn thương các tế bào gây viêm đường hô hấp.
Để giải quyết vấn đề này, mẫu xe Jaguar Land Rover trang bị hệ thống điều hoà nhiệt độ 4 vùng độc lập thế hệ mới nhất (HVAC) sử dụng điện áp cao nhằm xử lý lượng ozon tồn động trong cabin sau khi chiếu. Điều này tương tự hệ thống quạt đẩy của tủ vô trùng ở phòng thí nghiệm với mục đích khuếch tán khí ozon ra ngoài.
Như vậy, có thể thấy các hãng xe ôtô đã có những hướng đi khác nhau để nghiên cứu và phát triển công nghệ lọc khuẩn của riêng mình. Hãng Tesla trang bị màn lọc HEPA không khí hiệu quả cao cho hệ thống điều hòa không khí của dòng Model X, CyberTruck. Trong khi đó, hãng Jaguar Land Rover lại tận dụng tia cực tím UV-C để diệt vi khuẩn ngay trong xe.