Dù Bộ Tài chính phản đối, Bộ Công Thương vẫn muốn giảm phí trước bạ để kích cầu - trong thời điểm lượng tồn kho ôtô còn cao.
Trong tờ trình mới nhất dự thảo Nghị quyết các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong COVID-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì soạn thảo, Bộ Tài chính không đồng tình giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020. Bộ Tài chính cho rằng vì nếu thông qua sẽ vi phạm cam kết quốc tế về không phân biệt đối xử giữa hàng hóa sản xuất trong nước với hàng hóa nhập khẩu.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương vẫn giữ quan điểm muốn giảm, giãn các loại phí, thuế này. Đại diện Cục Công nghiệp cho biết, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô lớn tại Việt Nam trong thời gian vừa qua phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, lắp ráp do các đại ký bán hàng phải tạm thời đóng cửa theo chỉ đạo cách ly xã hội từ 1.4.
“Đến nay sau khi việc cách ly xã hội kết thúc phần lớn các đại lý ôtô đã được gỡ lệnh cách ly, các doanh nghiệp ôtô đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên công suất sản xuất thấp, lắp ráp hiện chỉ duy trì ở mức rất thấp do lượng tồn kho vẫn còn cao”, lãnh đạo Cục Công nghiệp nói và cho hay, việc giảm 50% phí trước bạ sẽ kích thích người mua hàng.
Bên cạnh đó, thời gian áp dụng chính sách này cũng rất ngắn, chỉ hết năm 2020, và trong bối cảnh đặc biệt ảnh hưởng của dịch bệnh, nên khả năng bị các quốc gia vi phạm cam kết là hầu như không có.
Trao đổi với Lao Động, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long ủng hộ đề xuất của Bộ Công Thương khi đề xuất giảm 50% phí trước bạ khi mua ôtô.
"Đó là đề xuất rất hợp lý, bởi Việt Nam không còn là nước nghèo nữa, nên việc mỗi người có thể sở hữu một chiếc ôtô là bình thường.
Việc giảm thuế phí và đơn giản các thủ tục giấy tờ sẽ kích thích người mua xe và người sở hữu xe làm các thủ tục sang nhượng chuẩn chỉ, tiến tới quản lý xử phạt theo dữ liệu cá nhân sẽ đơn giản hơn", ông Ngô Trí Long nói.
Bộ Công Thương cũng đề nghị tiếp tục được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt 6 tháng với ôtô nội vì cho rằng việc này là thực hiện chính sách miễn giảm ở mức hợp lý, có thời hạn vì chiến lược phát triển ngành công nghiệp ưu tiên, trong đó có ôtô.
Ngoài ra, bộ này đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt với giá trị sản xuất nội địa áp dụng với ôtô sản xuất trong nước, nhập khẩu trong một thời hạn nhất định (khoảng 5 năm). Việc này sẽ giảm thiểu khả năng vi phạm các nguyên tắc của WTO.