Nói về đề xuất bỏ loại hình bảo hiểm bắt buộc với xe máy, ông Ngô Việt Trung - Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho rằng, trên thực tế, môtô, xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện giao thông chủ yếu (khoảng 72 triệu xe môtô, xe máy đã được đăng ký) và nguồn gây tai nạn lớn nhất ở Việt Nam, chiếm khoảng 63% số vụ tai nạn giao thông.
Do đó, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới gồm môtô, xe máy là một giải pháp bảo đảm tài chính cho chủ xe với chi phí thấp (55.000 - 60.000 đồng) và mức trách nhiệm bồi thường cao (lên đến 150 triệu đồng).
Theo ông, khi không may xảy ra tai nạn, có nhiều trường hợp hoàn cảnh khó khăn, phải nằm viện không thể bồi thường cho nạn nhân thì doanh nghiệp bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả cho người bị tai nạn.
Trường hợp không xác định được xe gây tai nạn hoặc xe không tham gia bảo hiểm, các nạn nhân cũng được hưởng hỗ trợ nhân đạo từ nguồn đóng góp của các doanh nghiệp bảo hiểm thông qua Quỹ bảo hiểm xe cơ giới.
"Đây là ý nghĩa nhân văn của chính sách bảo hiểm bắt buộc này", ông Trung thông tin.
Giải thích về số tiền bồi thường bảo hiểm đối với tai nạn xe máy chỉ 45 tỉ đồng, trong khi doanh thu lên tới 765 tỉ đồng, ông Trung cho rằng, trong cơ cấu doanh thu, doanh nghiệp bảo hiểm phải trích lập các khoản dự phòng và các chi phí khác, không chỉ dùng để bồi thường.
Bên cạnh đó, đa số các vụ tai nạn xe máy có mức độ thiệt hại nhỏ nên thông thường bên gây ra tai nạn và nạn nhân tự giải quyết.
Sở dĩ người mua bảo hiểm còn ngần ngại trong tiếp cận doanh nghiệp bảo hiểm để yêu cầu bồi thường, ngoài những hạn chế trong công tác tuyên truyền về chính sách, tại thời điểm năm 2019, quy định về hồ sơ, thủ tục bồi thường chưa được đơn giản hóa nhằm tạo thuận lợi cho cho người dân.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các ban, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2021.
Quy định mới đã cắt giảm tối đa các thủ tục bồi thường, thậm chí chưa cần biết tai nạn là lỗi do ai, có thuộc phạm vi bồi thường bảo hiểm hay không, nhưng trong vòng 3 ngày kể khi có thông báo về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng 10 - 70% mức bồi thường tùy theo mức độ thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của nạn nhân.
Thủ tục quan trọng nhất được bãi bỏ là không cần các tài liệu của cơ quan công an như: Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn hoặc thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn trong hồ sơ bồi thường, trừ trường hợp nạn nhân bị tử vong…
Trao đổi với Lao Động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu quan điểm, qua ý kiến cử tri, họ cho rằng, việc mua bảo hiểm xe máy chỉ vì cơ quan chức năng yêu cầu, để "đối phó" mỗi khi bị CSGT kiểm tra.
Chính vì thế, nhiều người mua bảo hiểm xe máy nhưng chưa cảm thấy bảo hiểm này cần thiết với họ thế nào?
Theo vị đại biểu Quốc hội, khi xảy ra các vụ việc liên quan bồi thường tiền bảo hiểm xe máy, nhiều người phản ánh số tiền thanh toán không đáng kể nhưng thủ tục hành chính quá phiền phức để nhận những khoản tiền này.
Rõ ràng người dân vẫn phải bỏ tiền ra mua bảo hiểm, nhưng khi xảy ra các vụ việc, họ chấp nhận không cần thiết phải được thanh toán. Bởi những phiền phức nảy sinh trong quá trình làm thủ tục để nhận đền bù bảo hiểm.
"Về ý kiến cho bên bỏ việc bắt buộc phải mua bảo hiểm xe máy không?, tôi cho rằng cần phải có cuộc điều tra kỹ lưỡng, rồi mới đi đến quyết định.
Nếu như vướng mắc chỉ thuộc về thủ tục còn quá phức tạp, thì các cơ quan chức năng cần cải cách, bỏ qua những thủ tục rườm rà, thay bằng những thủ tục thuận tiện hơn cho người dân. Đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin trong các thủ tục hành chính", bà Nga nói.