Theo AAA, những người dùng xe có các hệ thống hỗ trợ lái chủ động có xu hướng bỏ qua các giới hạn an toàn.
Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng, thông tin về sản phẩm thường nhấn mạnh sự tiện ích dành cho người lái và ít nói đến những điểm hạn chế; điều này dễ khiến khách hàng quá kỳ vọng vào khả năng tự xử lý tình huống của xe.
90 người tham gia nghiên cứu mới nhất của AAA đã được phổ biến tổng quan về một hệ thống hỗ trợ lái xe chủ động với một tên gọi thực tế, nhưng nghe rất hư cấu.
Trước khi lái cùng một chiếc xe, một nửa số người tham gia được giới thiệu hệ thống có tên gọi là “AutonoDrive” (tạm dịch: “Tự động không cần lái”) và được tích cực giới thiệu nhấn mạnh khả năng của hệ thống cũng như sự tiện lợi đối với người lái.
Nửa còn lại được giới thiệu một hệ thống có tên gọi “DriveAssist” (tạm dịch: “Hỗ trợ lái xe”) và được nhấn mạnh nhiều hơn vào các hạn chế của hệ thống và trách nhiệm của người lái.
Kết quả cho thấy, so với nhóm “DriveAssist”, những người thuộc nhóm “AutonoDrive” có xu hướng tin rằng hệ thống sẽ lái xe giúp khi họ bận sử dụng điện thoại (65%) và ăn uống (45%).
Ngoài ra, 42% số người được hỏi cho rằng hệ thống sẽ có thể chủ động đánh lái để tránh va chạm nếu phát hiện có xe khác đi vào làn đường của họ; 56% tin rằng hệ thống có thể tự giảm tốc độ khi đi trên đoạn đường hẹp. Tỉ lệ này ở nhóm “DriveAssist” thấp hơn nhiều.
Từ đó, các nhà nghiên cứu của AAA cho rằng cần phải giải quyết những hiểu lầm của người tiêu dùng về công nghệ xe mới.
AAA khuyến khích các nhà sản xuất ôtô cung cấp thông tin không chỉ chính xác về mặt kỹ thuật, phải cân bằng trong việc tạo ra các kỳ vọng phù hợp với những gì mà người tiêu dùng sẽ được trải nghiệm thực tế.
Còn đối với người tiêu dùng, AAA cho rằng cần chú trọng tới vai trò cầm lái, dành thời gian tìm hiểu các mặt hạn chế của những công nghệ này.