"Chở đúng tải có mà chết"
Đó là lời khẳng định của anh S. chủ một doanh nghiệp vận tải nhỏ tại Xuân Mai, Hà Nội. Chia sẻ với báo Lao động. Anh S. cho biết năm 2013, anh hùn vốn cùng 2 người bạn mua 5 chiếc HOWO đời 2013 để chuyên chở vật liệu xây dựng và giờ đang "chết dở sống dở".
"Nếu chở đúng tải chúng tôi chỉ có lỗ và không thể cạnh tranh được" - anh S. khẳng định và đưa ra bài toán chi phí mà theo anh nếu đảm bảo đúng mức tải 11,7 tấn/xe HOWO thì mỗi chuyến chở đá, sỏi từ Hoà Bình đi Hà Nội một đầu xe công ty anh chỉ được phép chở 6-7 khối và thu về hơn 500.000 đồng thấp hơn chi phí xăng dầu (khoảng 50 lít).
"Ngoài tiền dầu, khấu hao máy móc, chúng tôi còn phải trả tiền cho lái xe và một số chi phí khác. Nếu tuân thủ đúng quy định thì chúng tôi buộc phải tăng giá cước mà điều đó sẽ khiến chúng tôi mất khách". Anh S cho biết cùng một loại xe ben chuyển chở vật liệu xây dựng, có thiết kế giống nhau với 3 hoặc 4 trục nhưng với các thương hiệu xe khác nhau hoặc cùng thương hiệu nhưng khác đời xe vẫn đang tồn tại một sự chênh lệch không nhỏ về quy định kích thước thành thùng cũng như trọng tải.
Lấy ví dụ về dòng xe HOWO 4 trục, anh này cho hay xe sản xuất từ 2008 đến 2012 có kích thước thành thùng lên tới 1,5m và trọng tải 11,7 tấn trong khi xe đời từ 2012 đến 2014 lại có thành thùng chỉ 60cm dù có cùng tải trọng 11,7 tấn còn xe đời 2015 lại nâng được tải trọng lên 17 tấn và thành thùng ở mức 80cm.
Sự khác biệt về kích cỡ thành thùng cũng như trọng tải này khiến các cơ quan chức năng ít nhiều gặp khó trong việc kiểm soát và tạo ra kẽ hở để doanh nghiệp "lách" tải trọng hoặc "đè nhau" trong việc cạnh tranh.
"Muốn bắt thì xe nào chẳng quá tải"
Theo chân một chủ DN vận tải tên H, chúng tôi đã đi qua trạm cân lưu động của Cục Quản lý đường bộ 1 tại Xuân Mai, Hà Nội vào những thời điểm khác nhau trong ngày 11 và 12.1. Quan sát thực tế cho thấy dù lực lượng chức năng thường trực 24/24 nhưng vẫn có một số khoảng "thấp điểm" trong ngày và được không ít xe có dấu hiệu quá khổ quá tải tận dụng để lọt lưới.
Nhận xét về điều này, anh H cho rằng nếu cơ quan chức năng "dàn hàng ngang" xe nào cũng kiểm tra thì cứ có hàng hoá là quá tải. Viện vào lý do rằng cơ quan chức năng chẳng thể xử lý hết xe quá tải nên để cạnh tranh về giá, tăng lợi nhuận, nhiều DN tiếp tục tìm cách lách luật.
Chia sẻ với chúng tôi, cả anh H và S đều thừa nhận các DN vận tải đều "bắt tay" nhau lập thành hệ thống thông tin giúp nhau cảnh báo để né trạm.
Vị trí đặt trạm cân lưu động cũng như khoảng thời gian được cho là thấp điểm trong ngày luôn được cánh lái xe, chủ DN và bạn bè cập nhật để tận dụng né trạm. Đây cũng được cho là một lý do khiến một lượng lớn lái xe và chủ DN vận tải đã cùng có mặt khi vụ quây thanh tra của đoàn 5 xe thuộc Cty Tuấn Anh trên đại lộ Thăng Long diễn ra trong đêm 8.1. Việc toàn bộ thanh tra và CSGT cùng bị kẹt ở một điểm đêm đó đã giúp hàng chục xe quá tải khác lọt lưới.
Một chuyên gia kỹ thuật của Cục Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận có một số sự khác biệt về kích cỡ thành thùng cũng như trọng tải trên một số dòng xe cùng thương hiệu cùng kết cấu trục do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, chuyên gia này khẳng định dù khác biệt về trọng tải nhưng tổng khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông của xe (bao gồm trọng lượng xe và trọng lượng hàng hoá) không đổi dù đời xe khác nhau và đúng với quy định của thông tư 32 và 46 về tải trọng, khổ giới hạn lưu hành của Bộ GTVT và dù thành thùng khác nhau nhưng thể tích thùng hàng đều theo quy định.
Lý giải về việc một số xe tải Trung Quốc thế hệ mới được chở lượng hàng có tải trọng lớn hơn, chuyên gia này cho rằng một số hãng xe Trung Quốc đã "cập nhật" về các quy định và nhanh chóng điều chỉnh thiết kế để phù hợp với thị trường. Cụ thể, xác xe được giảm trọng lượng để tăng tải trọng hàng hoá cho phép.
Sẽ có những biện pháp mới chống xe quá tải
Trả lời báo Lao động về cuộc chiến chống xe quá tải, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Bộ GTVT đã chỉ đạo các sở GTVT phân bố và giám sát hoạt động của các trạm kiểm soát nằm trong quy hoạch của Bộ GTVT để xử lý vấn đề xe quá tải. Tại các điểm kiểm tra kiểm soát, xử lý giao thông vận tải của Tổng cục Đường bộ luôn có cán bộ thanh kiểm tra làm việc 24/24h.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường |
"Việc xử lý xe quá tải không đồng bộ không còn tồn tại ở giai đoạn này nữa. Bộ đã tổ chức đồng loạt trên tất cả các tỉnh. Bộ có thể kể ra từng km trên các tuyến đường quốc lộ cũng như là các vị trí chốt chặn để đảm bảo, hoặc tất cả các đường cao tốc đều có các trạm kiểm soát xe quá tải. Nếu các doanh nghiệp vận tải cũng như các lái xe phát hiện được chỗ nào không có trạm cân hoặc có những vi phạm thì báo ngay về đường dây nóng của Bộ GTVT để Bộ nhanh chóng xử lý.", Thứ trưởng khẳng định.
Còn đối với xe HOWO, đây là một loại xe đặc chủng chở vật liệu, ông Trường cho biết Bộ đã yêu cầu cơ quan đăng kiểm cùng các cơ quan quản lý về xe kiểm tra lại hệ thống thiết kế cũng như khả năng vận tải của loại "hổ vồ" này. Bộ đã yêu cầu các trạm đăng kiểm kiên quyết không đăng kiểm bất cứ xe nào không đáp ứng được tiêu chuẩn đó.
Ngoài ra, để xử lý hiện tượng sau khi đăng kiểm, DN vận tải thay bằng một kích thước thùng khác, thì trong giấy đăng kiểm đã có hình ảnh chụp cùng toàn bộ kích thước thùng để cơ quan quản lý có căn cứ để so sánh và xử phạt.
Thứ trưởng cho rằng, yêu cầu lớn nhất hiện nay là tinh thần chấp hành tự giác của doanh nghiệp cũng như của đội ngũ lái xe. Nếu chưa thể làm thông suốt được nhận thức của DN cũng như đội ngũ lái xe trong vấn đề này để bảo vệ hạ tầng thì sẽ phải có những biện pháp xử lý nghiêm những hành vi vi phạm