Bùng nổ xe điện
Thị trường ôtô Việt Nam có nhiều chuyển biến đáng chú ý trong năm 2022. Nổi bật là xu hướng xe xanh, các mẫu ôtô được trang bị nhiều công nghệ thêm nở rộ và có tính lan tỏa cao.
Điều này được minh chứng bằng việc trong năm 2022, Vinfast chính thức công bố kế hoạch dừng hoàn toàn việc sản xuất xe xăng để chuyển sang xe điện.
Với chiến lược "bom tấn" phát triển ôtô điện ở Việt Nam do Vinfast khởi xướng, hàng loạt hãng xe lập tức kích hoạt kế hoạch nhập khẩu các mẫu ôtô điện về chiếm lĩnh thị phần.
Nhà phân phối xe Hyundai tại Việt Nam - TC Group cũng đã giới thiệu mẫu xe điện đầu tiên của hãng tại Việt Nam là Ioniq 5.
Kế đến vào tháng 10.2022, Mercedes-Benz EQS - mẫu xe được mệnh danh là "S-Class của phân khúc xe điện" đã được hãng xe Đức ra mắt trong khuôn khổ Triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS) 2022.
Về phía các dòng xe hybrid, 2022 là một năm sôi động không kém khi nhiều sản phẩm mới được giới thiệu tới khách Việt. Ví dụ như thế hệ mới của Toyota Corolla Altis được ra mắt nước ta vào tháng 3.2022 cũng có thêm phiên bản hybrid giống người anh Camry hay Corolla Cross.
Cuối tháng 9.2022, Suzuki Ertiga mới cũng được giới thiệu kèm bản hybrid. Đặc biệt, Nissan Kicks được ra mắt vào tháng 11 sau đó cũng nhận được sự quan tâm của người dùng.
Cuối cùng ở tháng 12.2022, THACO bất ngờ ra mắt bộ đôi Kia Sorento HEV (hybrid) và Sorento PHEV (Plug-in hybird). Trong đó, Sorento HEV không khác gì những mẫu xe hybrid khác trên thị trường còn Sorento PHEV là mẫu Plug-in hybrid thương mại đầu tiên được mở bán tại nước ta.
Mảng xe điện sẽ có thêm nhiều dấu ấn đáng chú ý, ví dụ như VinFast VF 9 dự kiến sẽ bắt đầu bàn giao ngay trong tháng 1 này, VF 5 Plus xuất xưởng từ tháng 4.2023, VF 6 cùng VF 7 mở cổng nhận đặt hàng vào tháng 3 tới đây.
Xe điện đã thực sự sạch
Sự phát triển bùng nổ của xe điện trong thời gian vừa qua được coi là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia gia cho rằng, việc sử dụng xe điện bằng nguồn năng lượng hoá thạch liệu có thực sự khiến xe điện "xanh, sạch, thân thiện với môi trường".
Theo thông tin từ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), đối với việc sử dụng, một thực tế là phần lớn điện trong lưới điện các quốc gia được sản xuất bằng các nguồn chưa thân thiện môi trường. Với những nước đang phát triển, thủy điện và nhiệt điện chiếm tỉ trọng lớn trong hạ tầng sản xuất điện và đương nhiên đây lại là hai loại hình kém sạch nhất.
Trao đổi với Lao Động, bà Vũ Chi Mai - Trưởng hợp phần Năng lượng Tái tạo (Chương trình Hỗ trợ Năng lượng GIZ) cho biết, trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII, công suất lắp đặt điện than vẫn còn cao. Nhiều dự án điện than nằm trong Quy hoạch Điện VII điều chỉnh được "vắt" sang Quy hoạch Điện VIII. Trong số đó, có nhiều dự án rất khó huy động vốn để thực hiện.
Liên quan đến vấn đề giao thông xanh, theo bà Vũ Chi Mai, phải có những bước chuyển dịch quan trọng ở thời điểm này. "Mang tiếng là xe điện, nhưng chưa "xanh, sạch, thân thiện với môi trường" thì cũng không có nhiều ý nghĩa. Bởi hiện nay, các trạm sạc vẫn sử dụng điện từ lưới, trong khi tỉ lệ điện lưới hiện nay vẫn chủ yếu là năng lượng truyền thống, điện than vẫn rất lớn.
Dù vậy, bà Mai cho rằng, việc phát triển xe điện ở thời điểm này phần nào hạn chế được ôtô chạy dầu, gây ô nhiễm môi trường. Cho nên, việc chuyển đổi xe điện sử dụng nguồn điện sạch cũng cần có thời gian để thực hiện.
Trưởng hợp phần Năng lượng tái tạo của GIZ cho biết, về dài hạn, để giao thông thực sự sạch, khi chạy xe điện, nhiều người sẽ lắp một dàn điện mặt trời nhỏ trên mái cơ quan, trên nhiều toà nhà văn phòng, dùng nguồn năng lượng đó để sạc cho xe điện.
"Các nhà sản xuất ôtô cũng có thể nghiên cứu, kết hợp và tối ưu hoá nguồn năng lượng tái tạo bằng cách lắp dàn điện mặt trời ở trên toà nhà thương mại, công sở, điều này có ý nghĩa hơn nhiều", bà Mai nói.