Theo số liệu mới nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) tháng 8.2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường là 22.540 xe, giảm 9% so với tháng 7.2023 và giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tổng số 22.540 xe đã bán được trong tháng 8 theo báo cáo VAMA, doanh số của xe lắp ráp trong nước đạt 13.118 xe, giảm 3% so với tháng trước và xe nhập khẩu nguyên chiếc là 9.422 xe, giảm 15%.
Nếu cộng cả doanh số bán hàng của TC Group trong tháng 8.2023 là 3.145 xe (giảm 22% so với tháng 7), thị trường ôtô Việt đã có tổng cộng 25.658 xe được bán ra (từ tháng 8.2023 VinFast công bố doanh số theo quý), giảm 3.037 xe so với tháng 7.
Doanh số chung toàn thị trường giảm, nhiều mẫu xe vốn đã bán chậm vẫn không thoát khỏi top doanh số thấp nhất thị trường theo tháng. Trong đó, Honda Accord, Toyota Alphard, Suzuki Ciaz, Toyota Yaris là những mẫu xe chỉ giao chưa tới 10 chiếc tháng 8.
Cụ thể, Honda Accord chỉ có doanh số đạt 2 xe, Toyota Alphard đạt 4 xe bán ra, Suzuki Ciaz là 5 xe và Toyota Yaris là 6 xe. Đáng nói, trong số 6 cái tên còn lại trong top 10 xe bán chậm nhất thì có tới 3 mẫu thuộc dòng xe bán tải. Cụ thể, Toyota Hilux đứng ở vị trí thứ 6 với 14 xe, Isuzu D-Max đạt 21 xe đứng ở vị trí thứ 8 và Mazda BT-50 có doanh số 50 xe đứng ở vị trí thứ 10.

Những cái tên còn lại lọt vào trong nhóm bán chậm lần lượt là Isuzu mu-X với 13 xe đứng ở vị trí thứ 5, Toyota Land Prado đứng ở vị trí thứ 7 với 19 xe, Suzuki Swift 22 xe và Mazda 6 đạt 50 xe (đồng hạng vị trí thứ 10 cùng với mẫu bán tải Mazda BT-50).
Dự đoán thị trường ôtô Việt Nam trong tháng 9 này sẽ khó có thể bứt tốc khi một nửa tháng vẫn nằm trong lịch tháng 7 âm. Bên cạnh đó, sức mua của người dân vẫn chưa có dấu hiệu trở lại dù chính sách cho vay ngân hàng đã "dễ thở" hơn cũng như các ưu đãi lệ phí trước bạ từ hãng xe và chính Phủ.