Những giải pháp tình thế
Di chuyển thường xuyên trên Vành đai 3, nhiều người mệt mỏi vì tắc đường và tình trạng ùn tắc càng trở nên trầm trọng khi lực lượng chức năng làm “gắt” việc xử lý các xe đi vào làn khẩn cấp. Ban đầu, Vành đai 3 vốn là để giải toả áp lực quá tải và giảm ùn tắc cho các tuyến đường vành đai 1, 2 nhưng tới thời điểm hiện tại, nó luôn ùn tắc.
Hình ảnh những hàng xe ôtô kiên nhẫn chầm chậm nối đuôi nhau chờ tới lượt để bò lên vành đai 3 nhiều năm qua không còn xa lạ với người dân Thủ đô. Và khi lên được tới Vành đai 3 rồi, xe cũng không thể đi nhanh hơn. Chỉ khoảng 5-10km/h thay vì tốc độ cho phép tối đa theo thiết kế chuẩn cao tốc là 80km/h. Ùn tắc trên Vành đai 3 có thể xảy ra bất cứ giờ nào trong ngày. Và chỉ một va chạm nhẹ, cũng đủ để biến nó trở thành “bãi đỗ xe trên cao” trong nhiều giờ.
10 năm qua, Vành đai 3 đã cõng gấp 2,5 lần lưu lượng thiết kế bởi mỗi ngày có tới trên 50.000 lượt phương tiện qua lại. Cũng vì tắc đường triền miên nên nhiều tài xế đã chọn cách đi vào làn khẩn cấp, dẫu biết rằng việc này là vi phạm. Và đương nhiên, việc sinh ra làn khẩn cấp cũng hoàn toàn hợp lý, để những xe gặp sự cố, các xe được quyền ưu tiên khi làm nhiệm vụ có thể đi vào.
Những ngày gần đây, dù đã qua giờ cao điểm, hàng trăm ôtô vẫn nối đuôi nhau kéo dài gần 3km ở đường Vành đai 3 trên cao theo hướng từ nút giao Pháp Vân về ngã tư Nguyễn Trãi (Hà Nội). Nhiều xe tải, xe khách từ 16 chỗ trở lên nhích từng cm trên tuyến đường này. "Chôn chân" ở đoạn ùn tắc gần 30 phút, tài xế Nguyễn Tấn Trung ở Hoàng Mai thường xuyên đi làm qua đường vành đai 3 phản ánh "tình trạng này xảy ra như cơm bữa, như hôm 15.9 tắc từ ngã tư Nguyễn Trãi đến Kim Văn, Kim Lũ là còn ít nghiêm trọng, nhiều hôm tắc kéo dài tới Pháp Vân".
Nhằm tăng cường thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trên tuyến cầu Thanh Trì - Vành đai 3, từ ngày 20.9, lực lượng thuộc Cục CSGT và Phòng CSGT (Công an TP.Hà Nội) tăng cường tuần tra kiểm soát lưu động trên tuyến cầu Thanh Trì - Vành đai 3. Thời gian thực hiện kế hoạch sẽ diễn ra hết ngày 20.10.
Kết nối trên cao và dưới thấp bị lỗi
Nhiều chuyên gia cho rằng, tuyến Vành đai 3 của Hà Nội đang mắc lỗi thiết kế, gây khó khăn cho kết nối từ đường trên cao xuống dưới thấp, là nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông. Đơn cử như hướng từ Đại lộ Thăng Long lên Vành đai 3 trên cao, hầu hết là xe tải nặng, xe khách lưu thông. Nhưng do cắt qua dòng phương tiện hướng Phạm Hùng, Trần Duy Hưng đi Khuất Duy Tiến bằng đường dưới thấp, nên hầu như ùn tắc bất kể thời gian, hoàn cảnh, thời tiết. Hai dòng phương tiện này đan chéo qua nhau như chữ X, không chỉ gây ùn tắc mà còn xảy ra rất nhiều va chạm, tai nạn giao thông tại cửa khẩu đường lên Vành đai 3 trên cao.
Còn tại nút giao Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển, hai nhánh lên xuống Vành đai 3 trên cao cũng gây khó khăn không kém cho giao thông. Hướng lên tương tự như nút giao Đại lộ Thăng Long, hai dòng phương tiện cắt chéo nhau, khiến nút giao cực kỳ dễ lâm vào ùn tắc. Hướng từ đường trên cao xuống tình trạng ùn tắc hạn chế hơn nhưng do đẩy dòng phương tiện trực tiếp vào nút giao, nên nhiều thời điểm cũng ùn dài vài trăm mét.
Trao đổi với Lao Động, Thiếu tá Nguyễn Minh Đức - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 7 - cho rằng, giải pháp trước mắt là Hà Nội phân luồng từ xa để cấm hoặc hạn chế phương tiện tải trọng lớn, xe container đi vào đường trên cao từ các hướng. Đơn cử, xe từ Hà Nam đi Thái Nguyên thì phân luồng đi vào Hưng Yên rồi qua quốc lộ 5 và cầu Đông Trù hoặc đi theo hướng cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, không cho đi vào trung tâm thành phố như hiện nay.
Trong trường hợp Hà Nội vẫn cho phương tiện tải trọng lớn đi vào Vành đai 3, nên quy định theo khung giờ, chỉ cho các loại xe này đi vào giờ ban đêm, sáng sớm, cấm vào giờ cao điểm. Về lâu dài Hà Nội cần đầu tư, hoàn thiện hệ thống đường vành đai, nhất là vành đai 4, khu vực quận Hà Đông và các huyện vùng ngoại thành để giảm tải áp lực cho vành đai 3.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, việc xử lý vi phạm như vậy rất được nhân dân ủng hộ. Tuy nhiên, lực lượng chức năng cần duy trì bền bỉ cho đến khi đi vào nền nếp. Tránh tình trạng đánh trống bỏ dùi, ra quân rầm rộ rồi rút đi, khiến người điều khiển phương tiện ngày càng nhờn luật.
"Nếu có thể xây dựng một nhánh đường kết nối trực tiếp từ đầu Đại lộ Thăng Long lên thẳng Vành đai 3 trên cao, thì ùn tắc tại nút giao này có thể tháo gỡ gần như triệt để. Việc xây dựng thêm một nhánh đường lên là không đơn giản, do vướng quy hoạch, chi phí không nhỏ, thiết kế kỹ thuật cũng khá phức tạp. Nhưng nếu có thể thực hiện sẽ đem lại hiệu quả giao thông không chỉ một vị trí mà cho toàn tuyến Vành đai 3” - vị chuyên gia giao thông nói.
Thượng tá Lê Quang Hòa - Trưởng phòng Hướng dẫn, điều khiển giao thông và dẫn đoàn, Cục Cảnh sát giao thông - cho biết, trong những ngày đầu thực hiện, mặc dù mật độ giao thông trên tuyến tương đối đông nhưng các phương tiện rất hạn chế đi vào làn khẩn cấp. Vẫn còn tình trạng xung đột giao thông gây tốc độ chậm trên tuyến là do có phương tiện gặp sự cố, dừng trên tuyến. Do phương tiện tránh đi vào làn khẩn cấp nên đi nhiều sang bên trái để nhập làn giữa, các phương tiện đi thẳng bị vướng nên dồn ứ phương tiện, trước mắt đơn vị này bố trí cán bộ chiến sĩ trực tiếp lên để điều tiết cho phù hợp.
Sở GTVT Hà Nội vừa có tờ trình lên UBND TP về việc đầu tư xây dựng đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với Vành đai 3 để giảm thiểu ùn tắc cho nút giao giữa hai tuyến đường này. Tổng mức đầu tư dự kiến của dự án trên 3.240 tỉ đồng, trong đó chi phí GPMB hơn 936 tỉ đồng. Tuyến đường được xây dựng để mở ra hướng kết nối thứ hai từ cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến Vành đai 3, theo hướng đi cầu Thanh Trì, tránh nút giao giữa hai tuyến cao tốc tại cửa ngõ phía Nam Thủ đô vốn đang chịu áp lực giao thông cực kỳ lớn.