Tỉ lệ đối ứng cao gây khó khăn cho một số địa phương
Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 được Quốc hội thông qua chủ trương tại Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28.7.2021 và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tại Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22.2.2022.
Chương trình có tổng kinh phí tối thiểu là 196.332 tỉ đồng (vốn ngân sách Trung ương: 39.632 tỉ đồng; vốn ngân sách địa phương: 156.700 tỉ đồng). Chương trình thực hiện trên địa bàn 63 tỉnh, thành phố.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đưa ra nhận định: Nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách Trung ương phân bổ chậm, tỉ lệ đối ứng còn cao gây khó khăn cho một số địa phương, nhất là các tỉnh nghèo.
Trao đổi với Lao Động, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh Hoàng Trung Dũng khẳng định, Hà Tĩnh có điểm xuất phát thấp, thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh. Vì vậy, tỉnh chú trọng vào Chương trình MTQG xây dựng NTM và đã tạo được dấu ấn rõ nét, làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn. Đến nay, tỉnh đang tập trung thực hiện các tiêu chí, phấn đấu đến năm 2025 trở thành tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới”. Mặc dù vậy, Hà Tĩnh vẫn còn những vấn đề cần sớm giải quyết như nguồn vốn đảm bảo nước sạch. Hiện tại, tỉ lệ người dân Hà Tĩnh dùng nước sạch từ các công trình cấp nước tập trung chỉ là hơn 23,4%.
Ông Trần Đức Thịnh - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh - cho hay, qua tính toán, với các nguồn lực đã được Nhà nước duyệt đầu tư cho nước sạch nông thôn mới Hà Tĩnh giai đoạn 2021-2025, các dự án khi hoàn thành cũng chỉ đáp ứng được từ 42-45% tỉ lệ hộ dân dùng nước sạch.
“Như vậy, còn lại rất cần nguồn lực đầu tư từ xã hội hóa, nếu không sẽ khó đạt được tiêu chí nước sạch để trở thành tỉnh đạt chuẩn NTM vào năm 2025” - ông Nguyễn Mậu Đại - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ.
Tại Nghệ An, dù có cố gắng nhưng tốc độ giải ngân đầu tư công còn gặp khó. Báo cáo mới nhất của tỉnh này cho hay, về vốn đầu tư phát triển, tính đến hết tháng 8.2023, tổng 3 Chương trình MTQG đã giải ngân 546,562 tỉ đồng trong tổng kế hoạch hơn 2.091 tỉ đồng, đạt 26,14% kế hoạch, trong đó Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt 61,3%.
Tỉnh Thanh Hoá đã phải đưa ra nhiều giải pháp yêu cầu các chủ đầu tư tăng tốc thực hiện, để "cán đích" trong những tháng cuối năm.
Tại Chỉ thị số 15/CT-UBND, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá đã yêu cầu đẩy mạnh giải ngân phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công và thu hồi vốn tạm ứng theo quy định...
Có huyện chưa giải ngân đồng nào
Tại Quảng Ngãi, đã gần hết năm, song tỉ lệ giải ngân đầu tư công còn quá thấp. Như huyện Sơn Tịnh, chưa giải ngân được đồng nào.
Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ngãi, kết quả huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM năm 2023 là hơn 403 tỉ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển gần 321 tỉ đồng, vốn sự nghiệp hơn 82 tỉ đồng.
Đến 31.8.2023, nguồn vốn đầu tư phát triển đã giải ngân gần 117 tỉ đồng, đạt tỉ lệ 30,2%. Nguồn vốn sự nghiệp đến 30.9.2023 giải ngân khoảng 22,7 tỉ đồng, đạt khoảng 27,6%. Một số đơn vị, địa phương giải ngân nguồn vốn thấp là huyện Ba Tơ, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Mộ Đức và TP Quảng Ngãi.
Ông Ngô Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức - cho biết, nguồn lực Trung ương, tỉnh bố trí cho xây dựng huyện nông thôn mới vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, việc huy động vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, huy động xã hội hóa từ các doanh nghiệp, người dân đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi xã hội còn nhiều hạn chế.
Ông Ngô Văn Thanh lý giải, nguyên nhân nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới giải ngân đạt thấp là do vướng bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặc bằng. Công trình dân dụng thì vướng trong công tác phòng cháy, chữa cháy.
Ngày 4.10, tỉnh Quảng Ngãi tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả giải ngân 9 tháng đầu năm; kế hoạch thực hiện 3 tháng cuối năm và trong thời gian tới đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2021 - 2025.
Tại cuộc họp, nhiều lãnh đạo huyện ở Quảng Ngãi cho rằng, hiện nay nguồn lực của Trung ương, tỉnh bố trí cho Chương trình MTQG xây dựng NTM vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương. Kinh phí phân bổ cho mỗi xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 chỉ 900 triệu đồng/xã là chưa đảm bảo nguồn lực để các xã về đích theo đúng kế hoạch đề ra.
Ông Trần Phước Hiền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - đề nghị lãnh đạo các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Trong đó, tiến hành làm việc cụ thể với các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch, lộ trình giải ngân cụ thể gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị. Bố trí người báo cáo hằng tháng với tỉnh về tiến độ cùng những khó khăn, vướng mắc của địa phương về công tác giải ngân vốn, để từ đó đề ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đồng thời, Chủ tịch UBND các huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tiến độ giải ngân vốn Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng, để thực hiện nhanh, hiệu quả đúng tiến độ chương trình cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình, không đợi đến khi Quốc hội xem xét, có Nghị quyết giám sát mới thực hiện.
Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12.8.2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025.
Bên cảnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu có hướng dẫn đối với nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn huy động từ cộng đồng dân cư, nguồn huy động khác.