Sự trở lại của “loa phường”
Gần 2 năm qua, những thông tin cập nhật thường xuyên về tình hình dịch bệnh COVID-19 trong và ngoài nước vẫn được phát liên tục qua cụm loa gắn ở một tuyến đường trong xóm ở xã Mỹ Quý Đông, huyện Đức Huệ. Giọng đọc của phát thanh viên vẫn hàng ngày vang lên nhắc nhở người dân đeo khẩu trang, thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế và không chủ quan với dịch COVID-19.
Chị Nguyễn Thị Thu, bán cửa hàng tạp hóa ở gần đó liên tục ra, vào lấy hàng bán cho khách nhưng những thông tin về dịch bệnh phát ra từ cụm loa vẫn được chị nghe ngóng, cập nhật. Gặp những khách hàng không đeo khẩu trang, chị liền nhỏ nhẹ chỉ tay về phía tiếng loa để nhắc nhở. “Đọc trên mạng xã hội, tôi thấy nhiều thông tin về dịch bệnh COVID-19. Thế nhưng có những thông tin lại rất mập mờ, thậm chí có cả tin giả. Vì vậy, những thông tin chính thống qua hệ thống truyền thanh rất bổ ích để cùng đồng lòng, chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch”, chị Vân chia sẻ.
Mỹ Quý Đông là một xã biên giới của huyện Đức Huệ nên việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, an ninh quốc phòng trong nhân dân luôn được đặc biệt quan tâm. Theo đó, ở 6 ấp của xã được trang bị 12 cụm loa để truyền tải các thông tin đến nhân dân. Chủ tịch UBND xã Mỹ Quý Đông - Trương Thị Thu Trang chia sẻ: “Hệ thống loa truyền thanh đã đóng góp quan trọng vào việc tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, giúp người dân nêu cao hơn ý thức, trách nhiệm trong việc ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới".
Tại địa bàn huyện Bến Lức, trong thời gian dịch bệnh căng thẳng, các chương trình phát thanh hàng ngày cũng tăng thời lượng, thời gian phát sóng để thông tin về phòng chống dịch bệnh COVID-19. Nội dung tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh được thực hiện đa dạng thể loại như tin, bài, ghi nhanh, câu chuyện xóm làng.
Huyện Bến Lức có có 14 xã và 1 thị trấn, là địa bàn phát triển công nghiệp nên có số lượng công nhân lao động cư trú đông. Với gần 150 cụm loa truyền thanh trang bị đến tận các ấp, khu phố trong huyện đã trở thành kênh thông tin quan trọng trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19. Ngoài khung giờ tiếp sóng, đài truyền thanh cơ sở còn làm các chương trình của địa phương như thông báo về tình hình dịch bệnh, tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đeo khẩu trang, không tụ tập đông người, hạn chế đi ra ngoài,...
Len lỏi đến từng ngõ vắng
“Vì công việc bận rộn nên tôi không có thời gian xem ti vi, lên mạng cập nhật thông tin. Cũng nhờ loa truyền thanh của xã, tôi và nhiều người khác trong lúc làm việc vẫn biết được tình hình và các quy định phòng, chống dịch COVID-19”, chị Trần Thị Liên, một tiêu thương buôn bán tại xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ cho biết.
Ngoài hệ thống truyền thanh cố định lắp đặt đến các ấp, khu phố thì phương thức tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 bằng những chiếc loa lưu động cũng được áp dụng thường xuyên và rất hiệu quả, đặc biệt là với những địa bàn vùng sâu, dân cư thưa vắng, đường nhỏ hẹp, xe ôtô chưa vào được, loa phát thanh chưa phát đến.
Ghi nhận tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, ngoài hệ thống phát thanh cố định với 12 cụm loa gắn ở 6 ấp thì hình ảnh cán bộ truyền thanh điều khiển xe môtô gắn theo sau cái máy phát và bộ loa đi tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 dọc những tuyến đường, ngõ xóm trong xã Thạnh Đức đã trở nên quen thuộc.
Mỗi buổi tuyên truyền như thế, cán bộ truyền thanh rong ruổi hàng chục km với thời gian kéo dài cả tiếng đồng hồ ngoài trời, bất kể cái nắng gay gắt, kể cả ngày nghỉ. Nhờ vậy, những thông tin, những chỉ đạo, khuyến cáo của Trung ương và địa phương được truyền tải kịp thời giúp người dân nâng cao nhận thức, hiểu biết và cách phòng ngừa dịch bệnh COVID-19...
Với nhiều người, nhất là ở vùng nông thôn, biên giới, tiếng loa phát thanh cố định hay lưu động đã trở nên thân thương và là nguồn thông tin rất bổ ích. “Đối với người lớn tuổi, việc sử dụng các thiết bị thông minh để cập nhật tin tức cũng hạn chế nên tiếng loa là một kênh thông tin rất hữu ích. Mỗi sáng sớm, chiều về, ngồi bên bàn trà mà vẫn được cung cấp cho nhiều thông tin quý giá, bổ ích, kịp thời thông qua những chiếc loa”, ông Lê Thanh Lâm, 65 tuổi, ngụ xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ chia sẻ.