Cụ thể, theo TS Thu Hồng, nếu xem lại lịch sử hồ sơ của thầy giáo, trong đó hành vi dâm ô với trẻ đã diễn ra nhiều lần và kéo dài thì rất có khả năng thầy giáo này có hành vi thuộc vào nhóm có sở thích ái nhi, tức là những người có sở thích quan hệ tình dục với người ít tuổi, những cháu bé. Hiện nay, trên thế giới chưa có giải pháp nào để “chữa” những người này, chỉ có những liệu pháp tâm lý để giúp những người này có khả năng kiềm chế và điều chỉnh những hành vi của mình.
Một số nước như Ấn Độ hay Indonesia sử dụng những biện pháp trừng phạt như thiến hóa học, tuy nhiên, hình thức xử lý này rất ít nước áp dụng bởi nó để lại nhiều hệ lụy.
Thứ nhất, thuốc thiến hóa học về bản chất chính là hoócmôn nội tiết, hoócmôn này sẽ làm cho người ta mất đi nhu cầu tình dục, tuy nhiên, nó lại gây ra nhiều tác dụng phụ về mặt sức khỏe cho người sử dụng.
“Theo tôi, dù những người này phải trả giá về hành vi của mình nhưng những hậu quả về mặt sức khỏe và bệnh tật khi người ta bị thiến hóa học như vậy thì không chỉ mình họ phải chịu đựng mà có thể cả gia đình họ cũng phải gánh chịu. Đó là lý do mà rất ít nước áp dụng giải pháp này”.
Cũng theo TS Thu Hồng, nếu nói rộng ra thì việc thiến hóa học còn liên quan đến vấn đề về quyền con người của những người phải chịu hình phạt. Ở Việt Nam cũng từng có thời gian thảo luận về vấn đề này nhưng sau đó chúng ta cũng chưa thực sự cân nhắc sử dụng biện pháp này bởi những hệ lụy mà nó mang lại.
Ở một quốc gia khác, trong đó có Mỹ, sử dụng phương pháp cấy chíp vào cơ thể người bệnh để đảm bảo người này không được phép đi ra khỏi nhà của họ trong khoảng cách bao nhiêu, kiểm soát hoạt động của người này để họ không có cơ hội tiếp xúc với trẻ em. Tuy nhiên, cấy chíp cũng phát sinh vấn đề và không phải là phương pháp ưu việt, vì khi sử dụng phương pháp này thì cần có người theo dõi thường xuyên để kiểm tra hoạt động của chíp và người được cấy chíp.
“Mặc dù có giải pháp này, giải pháp khác nhưng chưa có giải pháp nào hoàn hảo. Cho đến thời điểm hiện tại, chúng ta chưa có giải pháp thực sự cho những người có sở thích ái nhi” - TS Thu Hồng khẳng định.
Hiện tại, ở Việt Nam, đối với những người có sở thích ái nhi, chúng ta có thể áp dụng một số giải pháp như không để những người này làm những công việc tiếp xúc với trẻ em một cách thường xuyên và hợp pháp như nghề giáo viên hoặc bác sĩ. Mặt khác, phụ huynh phải dạy trẻ nâng cao cảnh giác của mình, dạy con các kỹ năng phòng ngừa, phát hiện các nguy cơ bị xâm hại, bị lạm dụng.