Chắc hẳn, vị phụ huynh ở Nghệ An đã đọc báo, và biết sự việc của ông Võ Hòa Thuận. Tuy nhiên, điều đáng nói là vị này bắt chước hành vi của ông Thuận, nhưng không hề sợ những sự trừng phạt nặng nề mà ông Thuận đã phải gánh chịu, từ dư luận của cộng đồng, cho đến kỷ luật về Đảng, thậm chí có nguy cơ bị khởi tố. Về mặt nghề nghiệp, có thể ông Thuận bị từ chối gia nhập đoàn Luật sư, có nghĩa là thân bại danh liệt.
Một khác biệt nữa, là dù sao trong vụ việc ở Long An, cô giáo cũng có lỗi. Cô đã áp dụng biện pháp kỷ luật không đúng. Và ông Thuận đã “nho nhã”, “bài bản” hơn, khi vào làm việc với hiệu trưởng, hội phụ huynh, cô giáo, buộc cô phải thừa nhận sai và xin lỗi, ghi biên bản chắc chắn. Sau đó, ông Thuận mới ra tay “xử” cô giáo.
Còn ở Nghệ An, là một “phiên bản” hoàn toàn “lỗi”. Thứ nhất, cô giáo không hề đánh học sinh. Do cháu bé chơi đùa bị vấp, mẹ cháu hiểu lầm. Chị này cũng không cần xác minh, nói chuyện, làm việc với lãnh đạo nhà trường, đã xông vào hành hung dữ dằn.
Điều không thể chấp nhận được, là khi cô giáo van xin bản thân đang có thai, vị phụ huynh này vẫn tiếp tục hành hung, và buộc cô giáo phải quỳ gối xin lỗi học sinh. Do lo lắng cho tính mạng thai nhi trước một phụ huynh quá hung hãn và bất chấp đạo lý, cô giáo đã phải quỳ gối trong lớp học, trước mặt học sinh và phụ huynh.
Như vậy, tuy là đều buộc phải quỳ gối, nhưng nguyên nhân sự việc và tính chất, diễn biến khác nhau. Sự việc ở Nghệ An, theo kết quả xác minh của công an, lỗi hoàn toàn thuộc về phụ huynh, gây hậu quả ảnh hưởng đến sức khỏe cô giáo đang mang thai và xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm giáo viên (GV).
Điều khác nữa, cô giáo ở Nghệ An đang trong giai đoạn thực tập, chưa phải là GV chính thức. Cú sốc đầu đời này sẽ ám ảnh cô rất lâu.
Một GV ở Nghệ An, chia sẻ: “Cho dù tôi chưa biết kết quả điều tra, nhưng nói GV thực tập đánh học sinh là điều không ai tin. Bởi vì đây là giai đoạn thử thách, GV đang nhiệt huyết, yêu thương học sinh và cố gắng rất nhiều để đạt kết quả cao nhất. Đây là giai đoạn mà GV rất cưng chiều học sinh”.