Nghi ngờ là mèo rừng
Ngày 18.6, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) Nguyễn Xuân Quế cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI), Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh, Đồn Biên phòng Làng Mô, Công an huyện Quảng Ninh, chị Hồ Thị Tha và chị Hồ Thi Vinh dẫn đường vào địa điểm nghi thấy hổ để tìm kiếm thông tin.
Từ lời kể của hai nhân chứng, lực lượng chức năng đã lưu lại tọa độ GPS nhằm phục vụ công tác kiểm tra.
“Chúng tôi không tìm thấy được dấu vết nào của hổ tại vị trí trên. Một số chuyên gia nhận định, có khả năng động vật hai người phụ nữ thấy là cá thể mèo rừng. Vì loài mèo này có màu sắc gần giống với hổ, lông đen và đỏ xen lẫn. Tập tính của loài mèo rừng này thấy người sẽ bỏ đi.
Khu vực rừng Đìu Đo có lượng mèo rừng lớn, nhiều lần đã được bẫy ảnh ghi lại” - ông Quế nói.
Cũng theo ông Quế, một giả thiết nữa được đặt ra có thể hổ không xuất hiện chính là việc trâu bò tại khu vực này thả rông nhiều nhưng lại không có dấu hiệu bị mất. Các chuyên gia cho rằng, tập tính của hổ mỗi lần nằm thường cà thân mình vào đất hoặc thân cây và sẽ để lại lông hoặc phân.
Như Lao Động thông tin, ngày 3.6, một nhóm phụ nữ ở địa phương vào rừng phòng hộ Đìu Đo (xã Trường Sơn), cách thượng nguồn suối Chà 1km thì cho rằng đã phát hiện một cá thể hổ cách đó không xa. Bà Hồ Thị Vinh kể, trong lúc lấy mây đã giáp mặt một con hổ lớn cách khoảng 30m. Bà Vinh lúc này hoảng sợ chạy về lán trại báo với bà Hồ Thị Tha. Bà Tha sau đó vào rừng hái rau rừng cũng đã giáp mặt với con hổ này.
UBND huyện Quảng Ninh thông báo đến các đơn vị liên quan, khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho người dân và triển khai các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã.
Huyện giao UBND xã Trường Sơn cũng đã thông báo và khuyến cáo người dân cảnh giác, giữ khoảng cách an toàn với khu vực mà một số người dân báo phát hiện động vật hoang dã nghi là hổ.
Đồng thời, có biện pháp trấn an để người dân không hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất.
Cùng với đó, tuyên truyền đến người dân các quy định pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là loài nguy cấp, quý hiếm. Khi phát hiện các loài động vật hoang dã có hình thù giống hổ, thông báo đến Hạt Kiểm lâm và cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý, tuyệt đối không được săn, bắt, bẫy động vật hoang dã trái pháp luật.