Xoá bỏ tự ti
Theo ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam - từ lâu, trên thế giới, việc phụ nữ làm việc tại các vị trí, chức danh khác nhau trên tàu biển là điều bình thường. Trong đó, có những thuyền trưởng nữ chỉ huy những con tàu siêu lớn hoạt động trên khắp các đại dương. Mới đây nhất, ngày 25.1 vừa qua Lê Nguyễn Bảo Thư, nữ thuyền viên tàu biển đầu tiên của Việt Nam đã cùng các thuyền viên trả hàng tại cảng Ulsan (Hàn Quốc) sau khi khởi hành từ cảng Yokohama (Nhật Bản). Sau đó, tàu di chuyển qua các cảng ở Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc trước khi vượt Thái Bình Dương đến Châu Mỹ nhận hàng. PGS-TS Nguyễn Phùng Hưng, Phó Viện trưởng Viện Hàng hải cho biết, với chuyên ngành điều khiển tàu biển, từ năm 2013 (thời điểm có sinh viên nữ theo học) đến nay đã đào tạo được khoảng 30 sinh viên nữ. Tuy nhiên, hầu hết đều công tác ở lĩnh vực quản lý tàu biển, kinh doanh hàng hải trên bờ. Nhưng Bảo Thư là trường hợp đầu tiên thực tập chức danh sĩ quan vận hành trên tàu viễn dương nước ngoài.
Tại Việt Nam cũng đã có những nữ thuyền trưởng của phương tiện thủy nội địa. Song, đối với ngành hàng hải, vì nhiều lý do, phụ nữ chưa được tạo điều kiện, khuyến khích làm việc trên tàu biển. Bên cạnh nguyên nhân về văn hóa, tâm lý truyền thống của người Việt, còn có cả nguyên nhân về mặt pháp luật.
Lao động nữ đủ sức làm việc trên tàu viễn dương
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, tại Việt Nam, nguồn thuyền viên nữ đang được các trường đào tạo chuyên ngành ngày càng nhiều, song theo quy định tại Thông tư 26/2013 của Bộ LĐTBXH, các công việc trên tàu đi biển (trừ công việc phục vụ nhà hàng, buồng, bàn, lễ tân trên các tàu du lịch) thuộc danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ. Cụ thể, trước đây, các công việc trên tàu đi biển (trừ công việc phục vụ nhà hàng, buồng, bàn, lễ tân trên các tàu du lịch) thuộc danh mục các công việc không được sử dụng lao động nữ (quy định tại Thông tư 26/2013 của Bộ LĐTBXH).
Tuy nhiên đại diện Trường Đại học GTVT TPHCM cho rằng, với chương trình đào tạo chuyên ngành hàng hải hiện nay tại Việt Nam, lao động nữ hoàn toàn dư sức hoạt động trên tàu viễn dương, tàu vận tải. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi quy định hiện hành để thu hút nguồn lực cho nghề biển, tạo động lực phát triển đội tàu và khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ hàng hải thế giới. Thực tế Thông tư 26/2013 đã được bãi bỏ, thay thế bằng Thông tư 10/2020 của Bộ LĐTBXH và theo đó sẽ không hạn chế quyền làm việc của phụ nữ trên các ngành nghề. Đây là một bước đột phá quan trọng để lao động nữ có cơ hội thử thách với nghề đi biển, một nghề có nhiều vất vả, gian truân nhưng cũng có nhiều niềm vui và thử thách mới.
Cũng theo ông Hoàng Hồng Giang - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, đánh giá của Tổ chức Hàng hải Quốc tế cho thấy, nhu cầu thuyền viên của đội thương thuyền thế giới hiện rất lớn, có thể lên tới hàng triệu lao động trong tương lai gần. Ngay tại Việt Nam, nhu cầu nguồn nhân lực làm việc trên tàu biển đã, đang và sẽ tiếp tục là một lĩnh vực nóng khi thời gian gần đây, các chủ tàu thường xuyên phản ánh sự khó khăn trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực đặc thù này. “Việc Cục Hàng hải công nhận và trao giấy chứng nhận cho các thuyền viên nữ ngoài việc khẳng định với chương trình đào tạo chuyên ngành hàng hải hiện nay tại Việt Nam, lao động nữ hoàn toàn đủ sức hoạt động trên tàu viễn dương, tàu vận tải, thực hiện được cam kết “Trao quyền cho phụ nữ trong cộng đồng hàng hải” của IMO năm 2019” - ông Giang cho hay.