Ngày 2.3, Bộ GD&ĐT công bố “Kết luận nội dung tố cáo đối với ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội” (số 99/KL-BGDĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký thay Bộ trưởng).
Theo Kết luận này, ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HN - phải: “Kiểm điểm trách nhiệm cá nhân về việc sử dụng nội dung Tập bài giảng năm 1993 của GS.TS Võ Viết Đạn khi biên soạn Giáo trình năm 2007 nhưng không chỉ rõ các nội dung đã sử dụng; đứng tên tác giả độc lập của giáo trình có sử dụng một số nội dung trong Tập bài giảng của GS.TS Võ Viết Đạn; dẫn chiếu chưa chính xác về Tập bài giảng của GS.TS Võ Viết Đạn trong Giáo trình năm 2007”.Như vậy, sau vụ PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách Khoa HN - bị phát hiện “đạo văn” làm luận án tiến sĩ (xem bài Đại học Bách khoa HN: Thêm một tiến sĩ “thiếu hiểu biết”!” Báo Lao Động số 133 ra ngày 11.6.2014), ĐH Bách khoa HN lại có thêm một Phó Hiệu trưởng PGS.TS Trần Văn Tớp bị “kiểm điểm” vì bị tố “đạo văn” để in sách.
“Đạo” một cách… thô thiển
Ngày 15.9.2014, TS Nguyễn Ngọc Thành - giảng viên Viện Cơ khí ĐH Bách Khoa HN - đã gửi đơn tố cáo ông Trần Văn Tớp “đạo văn” đến các cơ quan chức năng và cơ quan báo chí.
Theo đơn tố cáo của TS Thành, cuốn “Kỹ thuật điện cao áp - Quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp” của tác giả Trần Văn Tớp (Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HN) được NXB Khoa học và Kỹ thuật xuất bản năm 2007 đã “đạo” nguyên cuốn giáo trình “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” của GS.TS Võ Viết Đạn (Khoa Hệ thống điện, Trường ĐH Bách Khoa HN) in ronéo năm 1993.
Theo TS Nguyễn Ngọc Thành: “Cuốn sách của tác giả Trần Văn Tớp có 11 chương thì có 8 chương ông Tớp bê gần như 100% cuốn giáo trình của thầy Võ Viết Đạn vào sách của mình. Đây có thể nói là một hành vi “đạo văn” cực kỳ thô thiển”.
Khi PV đối chiếu cuốn giáo trình của GS.TS Võ Viết Đạn với cuốn sách của tác giả Trần Văn Tớp thì cũng không khỏi ngạc nhiên về sự giống nhau y chang này.
Chẳng hạn, tại Chương III “Cách điện đường dây” mục 3.1 “Quan điểm chọn cách điện đường dây siêu cao áp” (trang 31), GS, TS Võ Viết Đạn viết: “Cho tới thập kỷ 60 cách điện của đường dây siêu cao áp và cực cao áp được chọn theo quá điện áp thao tác và trong một số trường hợp khi đường dây đi trong vùng nhiều sét, có điện trở nối đất lớn, còn được chọn theo quá điện áp sét. Tuy nhiên…”. Đối chiếu với Chương 11 “Cách điện đường dây” mục 11.1 “Quan điểm chọn cách điện đường dây siêu cao áp” (trang 289 cuốn “Kỹ thuật điện cao áp - Quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp”) của tác giả Trần Văn Tớp thì phải nói là giống đến từng dấu chấm, dấu phẩy.
Điều đặc biệt là ngay ở phần “Lời nói đầu” của cuốn “Kỹ thuật điện cao áp - Quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp”, tác giả Trần Văn Tớp đã công khai viết: “Tài liệu này được biên soạn dựa trên kinh nghiệm giảng dạy môn học Kỹ thuật điện cao áp và tài liệu “Một số vấn đề kỹ thuật điện áp ở siêu cao áp và cực cao áp” do GS Võ Viết Đạn biên soạn năm 1992 phục vụ công tác vận hành và quản lý hệ thống truyền tải siêu cao áp 500 kV Bắc - Nam”.
Phần tài liệu tham khảo của cuốn sách, tác giả Trần Văn Tớp cũng đưa hai tài liệu của GS.TS Võ Viết Đạn vào là: “Giáo trình kỹ thuật điện cao áp”, Hà Nội, 1972 và “Một số vấn đề kỹ thuật cao áp và siêu cao áp”, Hà Nội, 1992.
Tuy nhiên, thông tin về nội dung cuốn giáo trình “Một số vấn đề kỹ thuật điện cao áp ở siêu cao áp và cực cao áp” của GS.TS Võ Viết Đạn năm 1993 được sử dụng làm 8 chương sách “Kỹ thuật điện cao áp - Quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp” thì lại không thấy tác giả Trần Văn Tớp đả động đến. Phải chăng đây chính là lý do ông Trần Văn Tớp ung dung đứng tên “tác giả” cho cuốn sách đã “đạo” phần lớn nội dung của người khác?!.
Về biện pháp xử lý, Kết luận 99 của Bộ GD&ĐT ngoài yêu cầu ông Trần Văn Tớp phải kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, còn yêu cầu ông Tớp phải: “Chỉ rõ các nội dung đã sử dụng từ Tập bài giảng của GS.TS Võ Viết Đạn; xác định rõ tác giả và/hoặc chủ biên của Giáo trình năm 2007 tuỳ thuộc vào mức độ sử dụng Tập bài giảng năm 1993 theo quy định của pháp luật; đính chính các sai sót về dẫn chiếu trong Giáo trình năm 2007”.
Nạn “đạo văn” lan tràn ở ĐH Bách khoa HN...
Một nội dung quan trọng trong đơn tố cáo của TS Nguyễn Ngọc Thành là hành vi đạo văn của ông Trần Văn Tớp có “dấu hiệu gian dối, vi phạm cực kỳ nghiêm trọng đạo đức nhà giáo và không trung thực của PGS.TS Trần Văn Tớp”, tại Kết luận 99 Bộ GD&ĐT cũng đã xác định hành vi gian dối, vi phạm đạo đức nhà giáo của ông Tớp như sau: “Ông Trần Văn Tớp có sử dụng một số nội dung Tập bài giảng năm 1993 của GS.TS Võ Viết Đạn trong Giáo trình năm 2007 nhưng không chỉ rõ nội dung đã sử dụng; đứng tên tác giả độc lập của giáo trình có sử dụng một số nội dung trong Tập bài giảng của GS.TS Võ Viết Đạn và từ đó kê khai viết một mình giáo trình này khi đăng ký xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2009”. Như vậy có thể khẳng định, việc TS Thành tố cáo ông Trần Văn Tớp đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo là hoàn toàn đúng.
Không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo, ông Trần Văn Tớp còn thu bộn tiền bản quyền cuốn sách mà ông đã “đạo” của người khác. Trong “Lời nói đầu” cuốn sách, ông Tớp khẳng định: “Với cuốn “Kỹ thuật điện cao áp - Quá điện áp và bảo vệ chống quá điện áp”, tác giả mong muốn có được một tài liệu về vấn đề điện áp và bảo vệ chống quá điện áp trong hệ thống điện dùng làm sách giáo khoa cho sinh viên ngành điện của các trường đại học và tài liệu tham khảo cho học viên cao học”. Như vậy, với khẳng định này của ông Tớp thì cuốn sách thuộc bản quyền của cá nhân ông.
Theo tìm hiểu của PV, sau lần xuất bản đầu tiên vào năm 2007 cuốn sách của ông Tớp được tái bản nhiều lần và hiện nay sinh viên ngành điện vẫn còn tìm thấy ở các hiệu sách. Vậy gia đình GS.TS Võ Viết Đạn hay Trường ĐH Bách khoa HN có nhận được một đồng nào từ công trình được Bộ GD&ĐT cho là thuộc bản quyền của Trường ĐH Bách khoa HN?!.
Một vấn đề đặt ra là việc “đề xuất biện pháp xử lý phù hợp” đối với ông Trần Văn Tớp hiện nay dường như bế tắc. Theo Kết luận 99, Bộ GD&ĐT giao “Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp với Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HN xem xét, đánh giá mức độ ảnh hưởng về sai sót của ông Trần Văn Tớp trong bối cảnh hiện nay để đề xuất biện pháp xử lý phù hợp”. Thế nhưng có một thực tế là đã gần 5 tháng nay Trường ĐH Bách khoa HN không có Hiệu trưởng, kể từ khi Hiệu trưởng cũ là ông Nguyễn Trọng Giảng nghỉ quản lý từ tháng 10.2014. Dư luận đặt câu hỏi việc xử lý “thích hợp” đối với ông Trần Văn Tớp rồi có được thực hiện hay sẽ “chìm xuồng” như các vụ “đạo văn” đã bị phát hiện ở Trường ĐH Bách khoa HN?!.
Về nạn “đạo văn” ở Trường ĐH Bách khoa HN, thời gian gần đây, Báo Lao Động đã đăng tải vụ PGS.TS Vũ Thị Hồng Khanh - Viện trưởng Viện Dệt may - Da giày và Thời trang, ĐH Bách khoa HN “luộc, đạo” đề tài nghiên cứu của người khác năm 2009 (xem bài “Công nghệ “luộc” đề tài nghiên cứu khoa học” số ra ngày 29.7.2013); PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa HN - “đạo văn” làm luận án tiến sĩ tháng 7.1996 (xem Đại học Bách khoa HN: Thêm một tiến sĩ “thiếu hiểu biết”!” số ra ngày 11.6.2014). Tuy nhiên, sau khi cơ quan báo chí đăng tải vụ việc Trường ĐH Bách khoa HN đều “làm thinh” không trả lời cơ quan báo chí theo Luật Báo chí.