Ngày 31.7, trao đổi với PV Báo Lao Động, đại diện Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết, hôm qua 30.7, HĐND tỉnh Thanh Hóa đã họp thông qua chủ trương về việc nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Sau khi có Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ hoàn chỉnh đề án trình Chính phủ.
Còn trước đó, ngày 26.7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có tờ trình gửi HĐND tỉnh Thanh Hóa về việc đề nghị nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Theo tờ trình, về phương án nhập huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa, sẽ nhập toàn bộ 82,87km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 101.000 người của huyện Đông Sơn vào TP Thanh Hóa. Sau khi sáp nhập, thành phố sẽ có hơn 228km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 615.000 người.
Tên gọi của thành phố sau sáp nhập là TP Thanh Hóa. Về lý do lấy tên gọi này, bởi danh xưng Thanh Hóa đã có từ năm 1029, tên gọi của lỵ sở trước đây hay thành phố ngày nay luôn gắn liền với danh xưng của tỉnh với tên gọi Thanh Hóa nội trấn (trấn Thanh Hóa). Đến năm 1889 được thành lập thành thị xã, tên gọi là Thanh Hóa, năm 1994 được thành lập thành phố, tên gọi cũng là Thanh Hóa.
Tên gọi Thanh Hóa đã có từ gần 1.000 năm, xuyên suốt quá trình chia tách, mở rộng, thành lập đơn vị hành chính và trải qua nhiều thời kỳ phát triển của đất nước, của tỉnh thì lỵ sở, đô thị tỉnh lỵ tên gọi Thanh Hóa vẫn không thay đổi.
Ngoài ra, tên gọi TP Thanh Hóa gắn với danh xưng Thanh Hóa, là một trong những vùng đất mang đậm bản sắc của nền văn hóa Việt Nam ngàn năm văn hiến, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng, địa bàn trọng yếu, "phên dậu" của đất nước; vùng đất "địa linh, nhân kiệt”, nơi khởi nghiệp của nhiều triều đại phong kiến Việt Nam như: Triều Tiền Lê, Triều Hồ, Triều Lê sơ, Lê Trung Hưng và Triều Nguyễn.
Tên gọi lỵ sở - trấn thành Thanh Hóa hay thị xã Thanh Hóa trước đây và TP Thanh Hóa ngày nay luôn thể hiện vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là hậu phương rộng lớn, vững chắc, đóng góp sức người, sức của vào thắng lợi chung của cả nước trong các cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đã được định vị và nhận diện rộng khắp trong nước và quốc tế, gắn liền với quá trình hội nhập, phát triển của tỉnh Thanh Hóa nói chung và TP Thanh Hóa nói riêng.
Bên cạnh đó, TP Thanh Hóa có quy mô dân số trên 500.000 người, hàng nghìn doanh nghiệp đóng trên địa bàn; giữ tên gọi TP Thanh Hóa sẽ làm giảm hạn chế tác động, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân so với tên gọi khác; góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm tải áp lực giải quyết thủ tục hành chính lên cơ quan quản lý nhà nước, do phải thay đổi thông tin định danh cá nhân, giấy tờ tùy thân, địa chỉ liên lạc của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.
Tên gọi TP Thanh Hóa cũng phù hợp với định danh đô thị tỉnh lỵ Thanh Hóa trong nhiều văn bản quan trọng của trung ương và của tỉnh, như: Nghị quyết số 58- NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị, Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch đô thị Thanh Hóa, Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 25/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa (đều sử dụng tên TP. Thanh Hóa và đô thị Thanh Hóa).
Mặt khác, tên gọi TP Thanh Hóa cũng đảm bảo quy định của pháp luật và thông lệ hiện nay khi nhập đơn vị hành chính nông thôn vào đơn vị hành chính đô thị thì giữ nguyên tên gọi của đơn vị hành chính đô thị.
Cũng theo tờ trình của UBND tỉnh Thanh Hóa, qua khảo sát, toàn quốc hiện có 29 thành phố thuộc tỉnh trùng tên với tỉnh; riêng khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có 20 thành phố thuộc tỉnh (chiếm 68,96%) trùng tên với tỉnh như: Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Yên Bái, Lào Cai... và chưa có thành phố thuộc tỉnh nào đổi tên trong giai đoạn gần đây.