Ở trên cây mới có tiền
Theo chân thợ cưa cây Nguyễn Khắc Chung ở thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) đi cưa cây thuê, chúng tôi mới cảm nhận hết sự vất vả của cái nghề “ăn cơm dưới đất - làm chuyện trên trời”.
Đứng quan sát những cây gia chủ cần đốn hạ, ông Chung xác định hướng cây đổ. Sau đó với bộ đồ nghề leo cây tự chế, chỉ 10 phút là ông đã leo đến ngọn cây dừa.
Phía dưới, vợ ông Chung buộc máy cưa vào dây để ông kéo lên. Ông tiến hành cắt sạch phần lá dừa, buồng dừa rồi cưa phần ngọn dần dần đến gốc. Sau khoảng 30 phút ông đã đốn xong cây dừa cao hơn 10m.
Mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt do cái nắng chang chang của những ngày tháng 3, ông Chung chia sẻ, đã gắn bó với nghề cưa, tỉa cây hơn 10 năm và không nhớ đã đốn hạ bao nhiêu cây. Chỉ biết trong số ấy có cả những cây thân thẳng vài mét đến cây cành lá um tùm cao vài chục mét.
“Ban đầu chỉ đơn giản là nghề kiếm thêm thu nhập những lúc rảnh rỗi, giờ cưa cây lại trở thành nghề chính. Đốn hạ một cây dừa được chủ nhà trả công 300.000 đồng, những cây lớn hơn thì 800.000 đồng. Hôm nay đốn 3 cây dừa tính ra cũng 900.000 đồng”, ông Chung nói.
Ông Chung chia sẻ: Trước khi cưa, đốn hạ bất kỳ cây gì cũng phải quan sát, đảm bảo trong quá trình cưa thân, nhánh cây rơi xuống không ảnh hưởng đồ vật xung quanh và người bên dưới.
Với những cây cao nằm ở khu vực nhiều nhà dân, đường dây điện thì phải dọn sạch hết các cành lá, sau đó ước lượng khoảng cách rồi dùng cắt ra từng đoạn, theo chiều từ trên xuống dưới, đến khi chỉ còn lại gốc.
“Nếu lúc leo thì theo chiều thuận thì xuống phải thụt lùi, vừa cưa xong 1 đoạn thì phải dời bộ dụng cụ xuống. Cứ như vậy cho đến gốc cây. Thông thường nếu cây dừa thì khoảng 30 - 45 phút là cưa xong. Còn những cây có tán rộng có khi mất vài giờ”, ông Chung nói.
Chia sẻ về bộ dụng cụ leo cây, ông Chung cho hay, trước đây khi leo lên cây, thường dùng sắt đóng vào thân cây để làm bệ bước lên, công việc này khá mất thời gian. Sau này ông nghiên cứu chế tạo ra dụng cụ leo mang lại hiệu quả và tính an toàn cao.
Tuy nhiên, bộ dụng cụ này chỉ sử dụng để leo những cây có thân thẳng như cây dừa, còn những cây có tán cành nhiều thì phải dùng dây để leo.
Ông Trần Văn Châu - người thuê ông Chung đốn 3 cây dừa - chia sẻ: “Mấy cây dừa này cỡ 40 - 50 năm tuổi, già lão hết rồi, lại nằm ngay ven đường. Các tàu lá với trái khô thường rụng, sợ rơi trúng người đi đường nên tôi thuê ông Chung đốn. Khi đốn xong, ông Chung còn dọn dẹp những cành cây, khúc gỗ gọn gàng. Vì thấy ông Chung làm việc tử tế mà mỗi khi cần đốn, tỉa cây tôi đều gọi ông”.
Đánh cược mạng sống
Dù thu nhập tương đối khá, nhưng nghề lại rất gian nan, vất vả và phải đối mặt với sự hiểm nguy. Việc ong đốt hay côn trùng cắn là đều không tránh khỏi, chưa kể đến chuyện leo lên ngọn cây mà gặp trời mưa gió...
Anh Thạch Hoàng Dũng - một thợ leo dừa ở xã Kế Thành (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) cho biết để leo cây cao từ 10 - 20m, đòi hỏi người làm nghề phải có sức khỏe tốt, không sợ độ cao, nhanh nhẹn và đánh cược cả mạng sống của mình.
“Có lần tôi leo lên ngọn dừa, gặp phải tổ ong, nghe tiếng động chúng túa ra đốt. Tay bám chặt thân dừa nên không thể đuổi, đành cắn răng chịu đựng. Thế là chịu một trận no đòn”, anh Dũng nói.
Còn bà Nguyễn Thị Kế - người phụ nữ có trên 40 năm leo dừa ở thị trấn Kế Sách - cho hay, khi leo lên cây giữa chừng tay, chân bị chuột rút cũng là bình thường.
“Muốn leo lên tiếp cũng không được mà tụt xuống cũng không xong. Lúc đó, phải bình tĩnh bám chặt thân dừa, chờ hết chuột rút thì leo tiếp. Vì cuộc mưu sinh nên chúng tôi phải chấp nhận tất cả”, bà Kế nói.