Sẽ vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng và ca nô
Ông Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho rằng, mạng lưới cấp cứu vệ tinh đến nay đã phủ khắp các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Mạng lưới này đã huy động được nguồn lực hiện có của ngành y tế công lập, tư nhân và nhất là bệnh viện tuyến quận, huyện.
Theo ông Thượng, định hướng của thành phố là Trung tâm Cấp cứu 115 sẽ phối hợp với Trung tâm Cấp cứu Bệnh viện Quân y 175 triển khai cấp cứu bằng trực thăng. Đây là phương tiện vận chuyển giúp các y bác sĩ tiếp cận người bệnh nhanh nhất, kịp thời đưa bệnh nhân từ các vùng sâu vùng xa, hoặc xã đảo của thành phố đến bệnh viện chuyên khoa trong trường hợp khẩn nguy để nhanh chóng điều trị kịp thời.

Hiện TPHCM cũng đang xúc tiến triển khai giải pháp sử dụng canô vào cấp cứu trên đường sông, để phù hợp với mô hình của địa bàn với nhiều sông ngòi, kênh rạch khắc phục được nhược điểm đường bộ bị quá tải lượng phương tiện tham gia giao thông.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn - GĐ Bệnh viện Quân y 175 cho biết, ông rất ủng hộ việc cấp cứu bằng đường hàng không bởi đây là giải pháp tối ưu hóa cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn từ biển đảo hoặc các tỉnh thành khu vực phía Nam khi có những tai nạn, sự cố cần cấp cứu gấp.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Bệnh viện Quân y 175 là bệnh viện có bãi đáp trực thăng được triển khai sớm nhất ở TPHCM. Bãi đáp trực thăng này có một hệ thống đèn tín hiệu hiện đại giúp phi công nhận diện bãi đáp từ xa, vận chuyển bệnh bằng thang máy và thang bộ từ nóc tòa nhà xuống khu vực cấp cứu hoặc có thể chuyển đến bất cứ khoa phòng nào trong bệnh viện. Từ khi đưa vào vận hành đến nay, Bệnh viện đã có nhiều bệnh nhân được vận chuyển qua đường trực thăng từ các vùng sâu vùng xa, hải đảo vào và được cứu chữa kịp thời.

Được biết, ngoài Bệnh viện Quân y 175, tại TPHCM còn có nhiều bệnh viện đã và đang xây dựng sân bãi đáp trực thăng như: Bệnh viện Nhân dân 115, Ung bướu cơ sở 2, Nhi Đồng TPHCM, Bệnh viện Thống Nhất,....
Phải có phương án khoa học mới khả thi
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia hàng không cho rằng, việc vận chuyển bệnh nhân trong trường hợp khẩn nguy bằng trực thăng mang đậm tính nhân văn và là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, khi áp dụng triển khai vào thực tế thì vấn đề này có nhiều băn khoăn về cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố hiện nay, cũng như bài toán kinh tế của bệnh nhân.
Theo ông Tống, hiện bệnh viện chuyên khoa ở TPHCM có bãi đỗ trực thăng chiếm tỉ lệ không nhiều, mặt khác chi phí thuê trực thăng rất cao nên việc vận chuyển bệnh nhân bằng trực thang cần tính toán để đạt hiệu quả cao nhất.
"Việc vận chuyển bệnh nhân bằng đường hàng không phải được tính toán trên phương án nhanh nhất, kịp thời nhất nhưng kinh tế nhất để giảm bớt gánh nặng cho người thân bệnh nhân. Chúng ta cũng cần lường trước hết những khó khăn trong việc vận chuyển này, nhất là về cơ sở hạ tầng tại TPHCM hiện nay, nhất là việc nhiều bệnh viện chưa có được bãi đáp trực thăng" - ông Tống nói.
PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân - Viện trưởng Viên Nghiên cứu Đô Thị và Phát triển đồng tình với đề xuất vận chuyển bệnh nhân bằng canô. Theo bà Trân, việc vận chuyển bằng đường thủy sẽ tránh được bài toán kẹt xe, tuy nhiên để áp dụng vấn đề này vào tình hình giao thông thực tế của TPHCM hiện nay cần phải có sự tính toán một cách khoa hoc.
"Để phương án vận chuyển này có hiệu quả thì cần tập trung vào những tuyến bệnh viện nằm gần các con sông rạch. Chẳng hạn như tuyến đường Trần Hưng Đạo có nhiều bệnh viện chuyên khoa, tuyến đường này chạy dọc theo kênh Tàu Hủ và cách kênh chưa đến 1km. Có như vậy mới tăng tính khả thi, khi đường phố Sài Gòn luôn ùn ứ mà nếu vận chuyển khoảng cách xa các kênh rạch thì hiệu quả sẽ giảm đi rất nhiều" - bà Trân góp ý.