Những ngày qua, dư luận xôn xao vụ cháu V., 4 tuổi, trú làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đăk Đoa, Gia Lai tử vong sau khi mắc bệnh bạch hầu. Theo điều tra dịch tễ, cháu V. được tiêm chủng các mũi vắc xin, trong đó có phòng chống được các bệnh như ho lao, bạch hầu, uốn ván… Tuy nhiên, bệnh tình cháu diễn biến nặng hơn, suy hô hấp, sốc, tổn thương đa cơ quan dẫn đến tử vong.
Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, đặc thù của vắc xin là tạo ra một hệ miễn dịch chủ động bên trong cơ thể người. Tuy nhiên, cũng tùy từng cơ địa, lượng kháng thể sản sinh có đủ để tạo ra lớp “áo giáp” phòng vệ trước tác nhân gây bệnh bạch hầu hay không. Vắc xin tạo ra kháng thể trong cơ thể người thường giảm dần theo thời gian. Cơ địa trẻ em yếu thì có nguy cơ mắc bệnh cao.
“Qua vụ cháu bé tử vong, chúng ta cũng cần rà soát, kiểm tra lại toàn bộ quy trình bảo quản, tiêm ngừa vắc xin, liệu có đúng quy trình hay không. Bản chất của vắc xin khác biệt so với các loại thuốc thông thường khác, đòi hỏi phải bảo quản nghiêm ngặt hơn. Từ khâu nhận vắc xin từ cơ quan trung ương, vận chuyển đến địa phương rồi xuống trạm y tế các xã, thôn làng xa xôi. Quy trình bảo quản lạnh vắc xin rất nghiêm ngặt, với nhiệt độ luôn từ -2 đến -8 độ C. Nếu chúng ta làm không tốt thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của vắc xin, gây phản ứng phụ nguy hiểm như sốc phản vệ”, ông Nguyễn Đình Tuấn nói.
Ở những vùng núi xa xôi, điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất còn khó khăn, việc rà soát các khâu này là cần thiết và hết sức cấp bách. Ngành Y tế cũng đặt ra giả thiết, liệu khi đưa mũi vắc xin ra tiêm, nhân viên y tế có tiêm liền cho các cháu hay không. Bởi nếu để ở bên ngoài môi trường lâu cũng ảnh hưởng đến chất lượng liều vắc xin. Thường các loại vắc xin khi được Bộ Y tế cho nhập vào Việt Nam thì đã được đánh giá, kiểm nghiệm rất nghiêm ngặt, sau đó mới triển khai tiêm chủng trên toàn quốc.
Quan trọng: Sớm phát hiện các ca bệnh; tiêm chủng trên diện rộng
Dịch bệnh bạch hầu xuất hiện ở Gia Lai lần gần đây nhất là vào năm 2013, chủ yếu rải rác ở 2 huyện Chư Sê và Kbang. Theo đánh giá của ngành chức năng, dịch bạch hầu chủ yếu xuất hiện và lây lan mạnh ở những nơi xa xôi, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Người dân hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ y tế, một bộ phận người dân tộc thiểu số nhận thức về bảo vệ sức khỏe còn thấp. Dịch bệnh luôn luôn có nguy cơ bùng phát mặc dù chương trình tiêm chủng mở rộng triển khai có hiệu quả.
Ông Hồ Ngọc Gia, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai cho biết, hệ thống y tế tuyến cơ sở hầu hết đã nắm được danh sách trẻ em ở các buôn làng, thôn xã. Tuy nhiên, công tác vận động người dân đi tiêm chủng vắc xin là việc… cực chẳng đã. “Do đời sống kinh tế, nhiều em nhỏ theo cha mẹ vào nương rẫy mưu sinh. Đến ngày tiêm cố định, nhân viên y tế “đỏ mắt” đi tìm cũng không thấy đâu. Nhiều người già, phụ nữ dân tộc thiểu số không hiểu tiếng phổ thông. Để tuyên truyền tiêm chủng có hiệu quả thì bắt buộc cán bộ y tế phải sành sỏi tiếng bản địa, nói họ mới chịu nghe và làm theo, thậm chí có trường hợp phải nhờ qua già làng, trưởng bản vận động”, ông Gia chia sẻ.
Tiêm phòng vắc xin thường có những tác dụng phụ tại chỗ như, sưng đỏ, đau, nặng hơn có thể gây sốt. Người dân lo ngại những tác dụng phụ của vắc xin, đó là cũng là tâm lý khiến họ không quan tâm đến việc tiêm phòng. Một thời gian dài không xảy ra dịch bệnh khiến người dân chủ quan, đến khi nghe thông tin có người chết thì mới sốt sắng đi chích ngừa.
Ông Mai Xuân Hải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết, để ngăn chặn dịch bạch hầu thành công thì vấn đề quan trọng nhất là phải sớm phát hiện các ca bệnh. Sau đó tiến hành điều trị, cách ly, khoanh vùng dập dịch khẩn trương, tránh phát tán trong cộng đồng. Điều trị kháng sinh và phun khử khuẩn môi trường bằng Cloramin B để cắt đứt nguồn lây truyền. Đồng thời tiêm chủng vắc xin bạch hầu trên diện rộng nhằm tạo hệ miễn dịch trong cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, hiện dịch bạch hầu đã xuất hiện ở 4 tỉnh Tây Nguyên gồm: Gia Lai (15 ca, có 1 ca tử vong), Kon Tum (22 ca, không có dấu hiệu gia tăng), Đắk Lắk (1 ca, tỉnh mới ghi nhận ca mắc), Đắk Nông (25 ca, có 2 ca tử vong). Như vậy, bước đầu đã có 63 ca dương tính với bệnh bạch hầu và con số này chưa dừng lại ở đó. Bệnh bạch hầu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tỉ lệ tử vong 5-7%, có vùng tới 20%, chủ yếu do biến chứng của bệnh. Về vắc xin phòng bệnh, Việt Nam đảm bảo được, tuy nhiên hiện nay cần tiêm cho người dân ở vùng có dịch trước, sau đó tính tới các tỉnh có nguy cơ.