Tuyển tráng sĩ, luyện quân, tập trận đồ thời xưa

lê tiên long |

Nước ta, sử sách từ thời Lý, Trần về trước, về việc quân sự thường chỉ chép những trận đánh lớn, còn về khí giới, phép luyện quân, tập trận đồ, đều không ghi rõ hoặc không còn giữ được. Rất may từ thời Lê đến thời Nguyễn, những điều này được ghi chép chi tiết hơn nên chúng ta có thể biết được.

Thi võ nghệ 

Sách "Lịch triều hiến chương loại chí" của Phan Huy Chú, phần Binh chế chí, có khảo các sách xưa, cho biết đời vua Lê Thái Tông, niên hiệu Thiệu Bình thứ nhất (1434), bắt đầu quy định các quân ngự tiền và quân 5 đạo, vào đầu mùa xuân đều phải đến địa phận Đông kinh (Thăng Long) để điểm mục (điểm danh) và tập võ nghệ. Riêng các trấn quân ở xa từ Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, thì đến địa phận bản phủ trấn để luyện tập.

Các quân đều tiến hành thi võ nghệ của các tướng hiệu, với ba môn thi là bắn cung, bắn nỏ và dùng mộc. Ai thi đỗ cả ba môn này thì được cấp bổng toàn phần, ai không đỗ thì bị giảm bổng theo bậc.

Trong thời vua Lê Thánh Tông trị vì, sử sách có nhiều lần viết về việc vua chỉ đạo các quân luyện tập, thi võ nghệ và ban hành cả quy định thưởng phạt về thi võ, nhưng không viết chi tiết việc thi cử thế nào. 

Mãi đến đời vua Lê Duy Phường, niên hiệu Vĩnh Khánh năm thứ 3 (1731), mới thấy trong sử chép về việc nhà vua ra chỉ truyền cho các quản quan, thuộc viên và binh lính, ai có sức khỏe thì tập bắn theo lối "huyền nhũ", tức là kê nỏ vào ngực ở ngang tầm vú mà bắn, ai sức kém thì tập bắn nỏ theo lối "huyền kiểm", tức kê nỏ vào má mà bắn. Binh lính đều phải tập theo lối "huyền nhũ", kể cả quân thủy.

Đến đời vua Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741), nhà vua cũng định lệnh hàng năm khảo duyệt quân sĩ, người nào có tài nghệ thi ba lần trúng luôn, sẽ được gia thưởng. Ai ba lần thi không trúng thì tùy thứ bậc mà giáng truất.

Thương nhân người Anh gốc Hà Lan Samuel Baron, người từng sinh sống ở Đàng ngoài, trong cuốn "Địa chí vương quốc Đàng Ngoài" viết năm 1683 có những nhận xét về tài bắn của quân lính Đàng Ngoài như sau: “Binh sĩ của họ là những người bắn giỏi, tôi nghĩ rằng họ ít thua kém ai, họ vượt xa nhiều nước khác trong việc sử dụng khéo léo súng hỏa mai và bắn nhanh. Họ ít dùng súng, thường dùng cung tên và họ sử dụng cung tên lại càng giỏi”.

Tập trận đồ

Việc tập trận đồ ở nước ta được ghi chép đầu tiên trong "Đại Việt sử ký toàn thư" là thời vua Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2. Năm đó, vào hạ tuần tháng 2, nhà vua ra lệnh cho các tướng hiệu và quân nhân các vệ quân năm đạo tập trận thủy và trận bộ.

Đến đời vua Lê Thánh Tông, năm 1465, sử viết chi tiết về việc nhà vua ban trận đồ duyệt tập quân thủy bộ, với thủy quân thì có các phép: Trung hư, thường sơn xà, mãn thiên tinh, nhạn hàng, liên châu, ngư đội, tam tài, thất môn, yển nguyệt. Về trận của quân bộ thì có các phép: Trương cơ, tương kích, cơ binh. Cùng với các phép này, vua Lê Thánh Tông ban hành quân lệnh về thủy trận gồm 30 điều, về tượng trận 27 điều và về bộ trận là 42 điều.

Đến năm 1467, vua Lê Thánh Tông đã cho quân sĩ tập trận trung hư ở Lỗ Giang, tập trận tam tài và thất môn ở Vi Giang. Sử chép, lúc ấy có Tây quân đô đốc là Lê Thiệt, vì trái lệnh trong khi duyệt tập, bị vua phạt trói chặt hai tay lại đằng sau, điệu đến cửa dinh chịu tội, sau lại được tha.

Về phép luyện quân thời Lê, bộ "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" thời Nguyễn có chép lại lời dụ của vua Lê Thánh Tông rằng: "Trong một hai ngày đầu, Tổng quản, Tổng tri được phép dựa vào trận đồ, điều chỉnh dốc sức chia thành từng đội, từng ngũ, dạy quân lính biết phép ngồi đứng tiến lui, nghe rõ tiếng hiệu lệnh về chiêng trống, làm cho quân sĩ tập quen việc bắn cung tên, không quên việc vũ bị, đến ngày thứ tư trở đi mới được sai phái. Nếu người nào không biết dụng tâm dạy bảo luyện tập, dám làm điều phiền tạp nhũng nhiễu, sẽ luận vào tội giáng chức hoặc bãi chức".

Về nơi luyện quân, theo sử sách thì từ năm Nguyên Phong thứ 3 đời Trần Thái Tông (1253), đã xây Giảng Võ đường để luyện quân. Đến thời Lê Thánh Tông, năm 1467, nhà  vua đã cho đào hồ Hải Trì và dựng điện Giảng Võ cạnh hồ để luyện quân. Vào thời vua Lê Hiến Tông, Giảng Võ còn là nơi nuôi voi trận. 

Thời Lê, hồ Lục thủy (hồ Hoàn Kiếm ngày nay) là nơi luyện tập thủy quân nên còn có tên là hồ Thủy quân. Chúa Trịnh đã cho xây ở bên hồ tòa lầu Ngũ Long, vị trí vào khoảng nơi đặt Bưu điện Hà Nội ngày nay, để xem thủy quân luyện tập và nhiều lần mời vua Lê ngự lên xem thủy quân duyệt binh. Thủy quân của các triều Trần, Lê cũng nhiều lần tổ chức diễn tập và duyệt binh trên sông Hồng.

Cuối thời Lê Trung hưng, Giảng Võ cũng là nơi để duyệt binh. "Đại Việt sử ký toàn thư" chép về thời vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng, năm 1630: “Chúa ngự ở lầu Giảng Võ... duyệt quân thủy và bộ, bày thuyền ghe, voi ngựa để phô bày sự cường thịnh”. 

Phép luyện quân thời Nguyễn

Các thời trước không ghi rõ triều đình tuyển chọn lực sĩ thế nào. Đến triều Nguyễn, năm Minh Mạng thứ nhất (1820), sử triều Nguyễn có ghi lại cách triều đình lựa chọn lực sĩ như sau: Lấy hai khối chì mỗi khối nặng hơn 100 cân (khoảng 60kg), người dự tuyển mỗi tay nhấc một khối đi trên quãng đường dài 15 trượng (mỗi trượng tương đương 4m). 

Cách chấm là người nào dùng một tay nhấc một khối đi 30 trượng là hạng ưu; hai tay nhấc đi 12 trượng, một tay nhấc đi 24 trượng là hạng ưu thứ; hai tay nhấc đi 10 trượng, một tay nhấc đi 20 trượng là hạng bình; hai tay nhấc đi hơn 8, 9 trượng, một tay nhấc đi hơn 16 trượng là hạng bình thứ; hai tay nhấc đi 7 trượng cho đến 5 trượng, một tay nhấc đi trên dưới 10 trượng là hạng thứ.

Sử nhà Nguyễn, bộ "Đại Nam thực lục", cũng nêu rõ về cách tập ngựa của quân mã triều đình như sau: Cứ 3 ngày một lần, từ cửa Đông - Nam ngoại thành đến cầu Gia Hội, lấy quãng đường hơn 400 trượng làm mức. Mỗi ngày sớm tối 2 buổi, phát ra trên dưới 50 con ngựa công, sai binh đinh tại ban diễn tập cưỡi. Trước hết tập 1 vòng đi nước tiểu, thứ đến tập 2 vòng đi nước trung, lại thứ đến tập 3 vòng đi nước đại, cốt cho quen thạo.

Về cách diễn tập chạy ngựa múa gươm thì cứ 10 ngày một lần, hai bên tả hữu trên đường đi trồng cây chuối cao đều 5 thước, người cưỡi ngựa chạy nhanh múa gươm chém đứt cây chuối làm mức.

Còn về môn tập ném xiêu, ném giáo, cũng ở hai bên tả hữu cạnh đường, kết hình người bằng rơm dựng sẵn, mỗi con bù nhìn cách nhau 2 trượng. Người cưỡi ngựa vừa chạy vừa ném xiêu, lấy hình người rơm làm đích.

Quân đội thời Nguyễn cũng đã được trang bị súng điểu sang (loại súng hỏa mai cầm tay), nên quy định phép luyện tập cưỡi ngựa bắn súng ngắn như sau: Mỗi tháng một lần, Quản quan gọi họp đông đủ lính cưỡi ngựa ra bãi tập, mỗi người đều cầm khẩu súng ngắn ngồi ngựa, xếp hàng ngang theo hình chữ "nhất", để diễn tập 3 lần. Kỵ binh phải giữ cho ngựa không được sợ lồng, người không được hoảng hốt, phải một loạt tề chỉnh. 

Kỵ binh sẽ tập theo các cách tấn công từ chính diện, từ bên hông, hoặc theo hình chim nhạn (hình đầu mũi lao), tất cả đều ở trên ngựa nhồi thuốc súng và bắn ra 2 phát, sao tiếng súng bắn kêu một loạt, không được tiếng trước tiếng sau. Sau khi đội hình diễn tập 3 trận xong, nghe quản quan ra lệnh thu quân mới được nghỉ ngơi. 

Vua nhà Nguyễn duyệt binh

Sử sách nhà Nguyễn cho biết, hằng năm vào đầu mùa xuân, vua đều ngồi ở trên lầu Ngọ Môn xem quân lính duyệt binh. "Đại Nam thực lục" chép về năm Tự Đức năm thứ 9 (1856) có cho biết chi tiết về thể lệ duyệt binh, qua lời tâu của viên Đô thống Hữu quân sung làm Chánh tổng duyệt là Nguyễn Hoàng lên nhà vua rằng: "Lệ duyệt binh về khoảng năm Gia Long, các viên thống quản đều đội mũ đầu hổ mặc áo dài thêu con mãng, xin theo phép cũ để cho dễ coi" và được vua Tự Đức phê duyệt. 

"Thực lục" cho biết: "Đến ngày duyệt, vua ngự ở trên lầu cửa Ngọ Môn, nhìn thấy hàng ngũ nghiêm chỉnh, khí giới nhọn sắc, kỷ luật thông thạo, hiệu lệnh chỉnh túc, rất ngợi khen, rồi thưởng cho biền binh tiền có thứ bậc khác nhau".

Lệ duyệt binh thời Nguyễn chỉ kéo dài đến đời vua Tự Đức. Sau khi Tự Đức băng hà, các vua Dục Đức, Hiệp Hòa, ở ngôi rất ngắn, rồi đến đời vua Kiến Phúc, thực dân Pháp đã áp đặt được chế độ bảo hộ lên nước ta, vua nhà Nguyễn không còn thực quyền nên các cuộc duyệt binh cũng không còn được tổ chức nữa.

lê tiên long
TIN LIÊN QUAN

Dưa hấu trưng Tết 700.000 đồng/cặp, bưởi Tài-Lộc giá gấp 3 vẫn đắt hàng

Văn Sỹ |

Sau ngày đưa ông Táo về trời (23 tháng Chạp), trên nhiều tuyến đường ở TP Cần Thơ, hàng chục loại trái cây trưng Tết cũng đã xuống phố phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Trong đó, dưa hấu hoàng kim, một trong những trái cây trưng Tết phổ biến của các gia đình ở miền Tây có giá khá đắt, từ 500.000 đến 700.000 đồng/cặp.

Ông Lê Tiến Châu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng

Mai Chi |

Ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Hà Nội: Đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài trước ngày thông xe

Tô Thế |

Hà Nội - Theo dự kiến, đường Huỳnh Thúc Kháng kéo dài (quận Đống Đa) sẽ chính thức thông xe vào sáng 17.1.2023 sau hơn 20 năm triển khai.

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của ngoại giao Việt Nam

Thanh Hà |

Hiệp định Paris là đỉnh cao thắng lợi của nền ngoại giao Việt Nam trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho việc vận dụng nhuần nhuyễn phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người nhà bệnh nhân mong chờ đón Tết ở bệnh viện không còn lạnh lẽo

MINH HÀ - HẢI DANH |

Hàng trăm người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức vẫn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất khi bệnh viện không có chỗ lưu trú. Vào thời điểm cận Tết, họ cảm thấy chạnh lòng, lo lắng phải đón Tết ở bệnh viện trong cảnh thiếu thốn, lạnh lẽo.

Xe khách đâm nhau trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi, 27 người thương vong

VIÊN NGUYỄN |

Quảng Ngãi - Một vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường dẫn cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi giữa 2 xe khách khiến 1 người chết, 26 người bị thương.

Những cách bài trí không gian sống đón Tết thú vị của sao Việt

DI PY, ẢNH: Nghệ sĩ cung cấp. |

Nhiều sao Việt như Ngọc Diễm, Đàm Thu Trang, Đàm Vĩnh Hưng bài trí tổ ấm đón Tết theo nhiều phong cách khác nhau.

Khách Trung Quốc đổ xô đặt tour nước ngoài dịp Tết Nguyên đán

Thúy Ngọc |

Dịp Tết Nguyên đán, yêu cầu đặt tour dịch vụ du lịch của khách Trung Quốc đến khu vực Đông Nam Á tăng 1026% so với cùng kỳ năm ngoái.