Công tác đào tạo lái tàu đình trệ
Phụ lục hợp đồng số 19 đến nay vẫn chưa được ký đã làm gián đoạn công tác đào tạo lái tàu, điều độ, nhân viên nhà ga cho tuyến metro số 1.
Hồi tháng 7.2020, Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR – chủ đầu tư) khai giảng lớp đào tạo 58 kỹ thuật viên lái tàu cho tuyến metro số 1, do Công ty TNHH MTV đường sắt đô thị số 1 (HURC1) tuyển dụng. Kế hoạch đào tạo chia làm hai giai đoạn, thời gian kéo dài khoảng 15 tháng.
Học viên sẽ học lý thuyết, thực hành tổng quát tại Trường Cao đẳng Đường sắt. Sau đó, trong 58 học viên sẽ chọn 10 người xuất sắc nhất đưa sang Nhật để đào tạo chuyên sâu về kỹ năng, thực hành lái metro.
Tuy nhiên, do phụ lục số 19 chưa được ký kết, tư vấn chung dự án đã ngưng đào tạo lái tàu từ ngày cuối tháng 11.2020. Đến nay, 58 kỹ thuật viên lái tàu metro số 1 đã hoàn thành 8/19 môn học tại Trường Cao đẳng Đường sắt nhưng phải tạm ngưng học do... chưa được “đóng học phí”.
Hồi đầu tháng 6 năm nay, UBND TPHCM chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ công việc liên quan nhằm sớm ký phụ lục số 19. Hiện, dự toán cho phụ lục đã được các bên thẩm định, đồng thời tập trung triển khai các thủ tục đẩy nhanh việc ký hợp đồng.
Không chỉ công tác đào tạo lái tàu chậm trễ, sự cố gối cầu tuyến metro số 1 đến nay chưa rõ nguyên nhân cũng ảnh hưởng tiến độ dự án. Cuối tháng 10.2020, gối cao su dầm cầu cạn tại trụ P14-10 thuộc gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot tuyến metro số 1) bị phát hiện rơi ra ngoài.
Quá trình xác minh, hai tháng sau thêm một gối cầu khác bị lệch khỏi vị trí tại trụ P12-34, thuộc đoạn cầu cạn nằm giữa ngã tư Thủ Đức và Bình Thái (Thành phố Thủ Đức). Hồi tháng 4.2020, thêm bốn gối khác tình trạng tương tự.
Dù đã trải qua 9 tháng kể từ ngày phát hiện sự cố đầu tiên, đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính thức vụ việc. Mới đây, Sở GTVT TPHCM đã yêu cầu MAUR đẩy nhanh thuê tư vấn độc lập nhằm điều tra sự cố.
Việc bổ sung tư vấn độc lập trước đó do MAUR đề xuất để thực hiện thí nghiệm đối chứng, kiểm định xây dựng, thử khả năng chịu lực công trình. Kết quả sau đó sẽ được đối chiếu để đánh giá với báo cáo từ liên danh Sumitomo - Cienco6 (SCC) – tổng thầu CP2.
Theo MAUR, sau khi có kết quả cuối cùng và được cấp thẩm quyền chấp thuận, chủ đầu tư sẽ yêu cầu tổng thầu thay thế các gối cầu và các đoạn dầm cầu không đạt chất lượng (nếu có).
Lỡ hẹn chạy thử tàu?
Đến nay, đã có tổng cộng đã có 7/17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 được được vận chuyển từ Nhật Bản về TPHCM.
Theo kế hoạch của chủ đầu tư, công tác thử nghiệm tàu dự kiến từ quý 4 năm nay theo từng giai đoạn, gồm: cho tàu chạy tại depot Long Bình; vận hành thử nghiệm đoạn trên cao từ depot đến ga Bình Thái; vận hành thử nghiệm từ depot đến ga Tân Cảng và cuối cùng là toàn tuyến.
Theo ông Hoàng Mai Tùng - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án 1 (Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM), trước khi tiến hành thử nghiệm với toàn bộ hệ thống chạy tàu thì các đoàn tàu phải được tiến hành thử nghiệm kết hợp với 11 hệ thống như: Hệ thống thông tin tín hiệu, hệ thống cấp điện trên cao, hệ thống đường ray, hệ thống giám sát tàu, hệ thống cửa chắn ke ga...
Ông Hoàng Mai Tùng cho biết dự kiến bắt đầu công tác chạy thử tàu vào cuối năm 2021 khi các hệ thống liên quan công tác chạy tàu đã được lắp đặt và thử nghiệm phối hợp giữa các hệ thống với nhau thành công. Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến kế hoạch vận chuyển và điều động nhiều thiết bị và chuyên gia đã bị ảnh hưởng. Do đó, thời gian chạy thử tàu có thể phải điều chỉnh.
Ông Hà Ngọc Trường - Phó Chủ tịch Hội Cầu đường cảng TPHCM, cho rằng hiện nay tuyến metro số 1 còn hai khúc mắc lớn cần phải sớm tháo gỡ. Đó là công tác ký phụ lục 19 phải được nhanh chóng đẩy nhanh để công tác đào tạo tàu tiếp tục xuyên suốt và đẩy nhanh tiến trình khắc phục kỹ thuật vụ gối cầu. Theo ông Trường, nếu hai việc này không nhanh chóng được giải quyết thì kế hoạch chạy thử tàu có thể sẽ phải trì hoãn thêm nữa.
Dự án metro số 1 tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỉ đồng, dài gần 20 km từ ga Bến Thành (quận 1) đến depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức), với 3 ga ngầm, 11 ga trên cao. Toàn dự án hiện đạt hơn 87% khối lượng, dự kiến khai thác thương mại năm 2022.